Tình người nơi rốn lũ

Ghi chép của Tuấn Việt 14/08/2017 08:35

Trong những ngày khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, bà Phạm Thị Thanh Trà- Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái cho biết, ổn định lòng dân, hơn hết tạo sự bền vững, đó là nơi định cư, kế sinh nhai ổn định. Trong đợt lũ quét lịch sử, huyện Mù Cang Chải có 54 nhà bị cuốn trôi và sập hoàn toàn, ảnh hưởng đến 187 nhân khẩu. 301 nhân khẩu tại các xã Dế Xu Phình, La Pán Tẩn, Kim Nọi, Mồ Dề và Lao Chải phải di dời khẩn cấp.

Đất đá tràn ngập thị trấn Mù Cang Chải. (Ảnh: Tuấn Việt).

Tại bản Kháo Giống, xã Kim Nọi, nơi có 5 nhà bị sập hoàn toàn và 6 nhà khác phải di dời khẩn cấp. Khu đất mới dự kiến xây dựng nhà cho hộ ông Giàng A Lẩu, cheo leo giữa đỉnh trời, cách trung tâm xã khoảng 5 cây số đường rừng, đang được san nền. Ông Lẩu bảo, nhà mới tuy xa trung tâm xã nhưng an toàn nếu mưa lũ đến.

Những ngày này cả nước hướng về Mù Cang Chải, huyện nghèo tỉnh Yên Bái chịu sức tàn phá nặng nề của cơn lũ quét. Những phần quà tích góp, chia sẻ sự cảm thông, gánh bớt phần nào đôi vai nặng trĩu nơi rốn lũ. Bí thư tỉnh Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà cho biết, ổn định lòng dân, hơn hết tạo sự bền vững, đó là nơi định cư, kế sinh nhai ổn định.

Miền thảm họa

Tôi đã chứng kiến những đoàn xe cứu trợ vượt đèo Khau Phạ tới đồng bào vùng lũ, hình ảnh những người dân xúc động rơi nước mắt khi tiếp nhận những khoản tiền nghĩa cử, dù ít ỏi nhưng phần nào để ổn định cuộc sống. Tôi đã chứng kiến mồ hôi công sức, chẳng lời phàn nàn của biết bao lượt người đồng lòng gạt đường, gạt nền, xếp cầu tạm những ngày sau cơn lũ, ông Trời có thể khắc nghiệt, nhưng lòng người chưa bao giờ cạn kiệt...

Nhiều ngày nay lực lượng công binh đã dùng mìn để phá đá tảng, những phần vỡ được chuyển ra khỏi địa điểm sạt lở, lũ quét, nhường chỗ cho xe súc, xe san nền, dần trả lại bộ mặt trước kia cho thị trấn. Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải Vũ Tiến Đức kể, những tảng đá to bằng cái nhà theo lũ quét tụ kẹt dưới chân cầu và lòng sông thị trấn. Nhiều ngôi nhà đã bị phá hỏng bởi khối lượng đất đá từ trên núi trôi xuống. Ngay sau khi có được mặt bằng, ủy ban sẽ tính toán xây dựng lại trường, chợ, ổn định đời sống trong vùng.

Trong đợt lũ quét lịch sử, huyện Mù Cang Chải có 54 nhà bị cuốn trôi và sập hoàn toàn, ảnh hưởng đến 187 nhân khẩu. 301 nhân khẩu tại các xã Dế Xu Phình, La Pán Tẩn, Kim Nọi, Mồ Dề và Lao Chải phải di dời khẩn cấp. Chủ tịch Đức cho biết, hiện nay, khó khăn lớn nhất chính là quỹ đất để tái định cư cho người dân. Tây Bắc nhiều núi đồi, nhưng đất ở để làm nhà lại ít ỏi, do địa hình bị chia cắt, dốc hoặc rơi vào những địa phận có nguy cơ bị sạt lở. Các xã đang tính toán điều kiện để tái định cư và đến ngày 12/8, về cơ bản các địa phương đã chọn xong vị trí. Nhân dân đang đồng sức san nền, tạo dựng chỗ ở cho những gia đình gặp nạn.

Chúng tôi vào bản Kháo Giống, xã Kim Nọi, nơi có 5 nhà bị sập hoàn toàn và 6 nhà khác phải di dời khẩn cấp. Khu đất mới dự kiến xây dựng nhà cho hộ ông Giàng A Lẩu, cheo leo giữa đỉnh trời, cách trung tâm xã khoảng 5 cây số đường rừng, đang được san nền. Ông Lẩu và gia đình hiện được xã xếp ở tạm trong trường nội trú Kim Nọi. Ông Lẩu bảo, khi nhà mới dựng xong, ông và gia đình sẽ tới khu đất mới, tuy xa trung tâm xã nhưng an toàn nếu mưa lũ đến.

Cô lập Chế Tạo

Xã Lao Chải, 23 nóc nhà cũng đang được chính quyền gạt nền xây dựng. Phương châm không có nền, tìm nền đã giúp cho quá trình khắc phục hậu quả lũ quét tại xã Lao Chải như gần lại. Bí thư Đảng ủy xã Trần Minh Vấn cho biết, xã đã đặt mua khung nhà bằng thép để ốp lợp làm nhà cho bà con. Nhà mới khoảng 60-70 triệu đồng, không giá trị bằng những nhà gỗ trước đây, nhưng sự an toàn của người dân bây giờ là cốt yếu. Bí thư tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà đã từng bảo, lòng dân lúc này là điều cốt lõi. Bà con mất nhà, xây lại nhà thì dễ, nhưng để đủ ăn đủ mặc, có của nả trên chính mảnh đất từng tang thương của mình thì phải có chiến lược bài bản, bền vững.

Mù Cang Chải sắp vào mùa lúa. Cơn lũ quét vừa qua gần như đã phá hủy toàn bộ hệ thống tích nước nơi đầu nguồn. Nỗi lo thiếu nước ẩn trực trong bà con. Mươi mười lăm ngày nữa thôi, nếu không có giải pháp cấp bách, Mù Cang Chải rất dễ mất mùa. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khánh ngoài chỉ đạo những nhiệm vụ chung, mấy ngày nay hỏa tốc họp với cán bộ nông lâm, các đơn vị ban ngành, tìm giải pháp nguồn nước. Một hệ thống đập tạm được tính kế, một số khe núi dùng sức người được đắp kè vội vàng để tích nước. Mù Cang Chải đã mất 75ha diện tích hoa màu vì cơn lũ quét. Số hoa màu còn lại là sự sống còn của bà con. Tấc đất, tấc vàng, giữ ruộng bằng mọi giá.

Mù Cang Chải hôm nay tiếp tục mưa. Toàn huyện còn duy nhất xã Chế Tạo, cách trung tâm huyện lị 40 cây số hiện vẫn bị cô lập, do sạt lở lấp đường. Các đoàn cứu trợ 10 ngày nay vượt rừng, núi mang muối gạo vào cho bà con. 6 giờ sáng xuất phát, 4 giờ chiều tới nơi. Vất vả chất chồng. Bí thư Huyện ủy Giàng A Tông bảo, Chế Tạo nằm cao hơn mặt biển 2.000m, không sóng điện thoại. Mọi liên lạc đều là truyền miệng từ những đoàn cán bộ, dân công vào ra hàng ngày.

Tuyến đường huyết mạch duy nhất nối Chế Tạo với huyện phải mất cả tháng nữa may ra mới thông đường. Không để dân Chế Tạo đói là nhiệm vụ cấp bách. Thêm nữa là đảm bảo an toàn cho bà con ở những khu vực có thể tiếp tục sạt lở, lũ quét, khi lượng mưa còn diễn biến phức tạp. Hạt gạo với Mù Cang Chải là đáng quý. Với Chế Tạo, là chắt chiu từng bữa ăn qua cơn khó cực.

Tôi đã ba lần từng vào Chế Tạo. Sự nghèo khó, trải dài 15 năm đó vẫn hằn hiện, khôn nguôi. Tôi nhớ đến lời già bản Giàng A Chơ, cách đây 5 năm đã từng nói, ước mong lớn nhất của già là Chế Tạo có đường, có điện, trẻ con được tới trường, thành người để Chế Tạo thoát nghèo. Bây giờ, Chế Tạo đã có đường nhưng sập bởi bùn đá; đã có điện nhưng mất bởi đổ cây. Năm học sắp khai giảng, liệu con trẻ có được tới trường? Sự khắc nghiệt của trời đất, một lần nữa là thảm họa không chỉ với một vùng cao, đất nghèo…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tình người nơi rốn lũ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO