Tình người nơi tâm dịch

Phương Nguyên 31/05/2021 07:21

Khó khăn bủa vây người dân tỉnh Bắc Giang mọi bề. Covid-19 tấn công, hàng chục nghìn công nhân; hàng trăm nghìn người ở nhiều thành phố, huyện phải cách ly. Thiếu thốn đủ thứ. Trong khó khăn ấy, tình người toả sáng, giúp người dân yên tâm hơn, trong cuộc đối đầu cam go với “giặc bệnh”.

Công nhân nhận nhu yếu phẩm từ “Siêu thị 0 đồng”.

Giúp nhau thu hoạch nông sản

Dịch bệnh tấn công Bắc Giang năm nay đúng vào mùa vải chín, cũng là lúc những ruộng lúa bát ngát bắt đầu ngả vàng. Nhiều huyện, thành phố của Bắc Giang buộc phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch. Trong bối cảnh ấy, việc thu hoạch, tiêu thụ nông sản trở thành một vấn đề hết sức nan giải.

“Thủ phủ vải” của cả nước năm nay trồng hơn 28 nghìn ha, sản lượng ước đạt 180 nghìn tấn. Nếu vùng vải Lục Ngạn vẫn được giữ là “vùng an toàn” khỏi dịch bệnh thì nhiều địa phương có diện tích trồng vải lớn phải giãn cách; hàng chục nghìn người phải chấp hành cách ly y tế. Ngoài ra, còn nhiều loại nông sản khác như dứa, dưa lê, dưa bở, đậu tương... phải thu hoạch. Trong đó, có nhiều mặt hàng rau quả buộc phải tiêu thụ trong thời gian sớm nhất. Trong lúc khó khăn ấy, tinh thần đoàn kết được phát huy. Dưới sự chỉ đạo, vận động sát sao của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… các cấp, những khó khăn đang dần dần được tháo gỡ.

Chấp hành yêu cầu cách ly y tế của chính quyền địa phương, chị Nguyễn Thị Biên, thôn Thái Thọ (xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hoà) lòng như lửa đốt. Bởi thời điểm chị phải cách ly đúng lúc lúa ngoài đồng đã chín vàng. Bao công chăm bẵm từ đầu năm đến ngày thu hoạch, thì lại gặp phải “giặc dịch”. Nhưng trong khi thực hiện cách ly, chị nhận được tin mừng. Lúa ngoài đồng đã được thu hoạch về, các bao lúa đã được sắp xếp gọn gàng, thậm chí, còn được hỗ trợ phơi giúp. Chị Biên mừng đến rớt nước mắt, trân trọng hơn tình làng, nghĩa xóm.

Chị Biên không phải là trường hợp duy nhất. Khắp các địa phương tại Bắc Giang, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Nông dân đang thi đua giúp nhau thu hoạch và tiêu thụ nông sản.

Tương tự trường hợp chị Biên là câu chuyện của chị Nguyễn Thị Thuận thôn Lục Liễu Dưới (xã Hợp Đức, huyện Tân Yên). Thửa ruộng nhà chị được thu hoạch mà “không thấy ông bà chủ đâu”. Chị Nguyễn Thị Khải - Chi hội phó Chi hội Phụ nữ thôn cho biết: “Gia đình chị Nguyễn Thị Thuận đang bị cách ly y tế cả nhà. Mấy hôm nay mưa nên ruộng ngập quá mà lúa thì đang chín. Để chị Thuận yên tâm thực hiện tốt việc cách ly, chúng tôi huy động hơn chục hội viên đến thu hoạch giúp, để lâu sợ hỏng hết. Dù nắng nôi vất vả nhưng chị em đều vui vẻ”.

Không chỉ có ở hai huyện Tân Yên, Hiệp Hòa, phong trào hội viên phụ nữ giúp nhau việc ruộng, việc vườn đang lan rộng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Phụ nữ huyện Lục Nam giúp hội viên thu hoạch và tiêu thụ vải, phụ nữ huyện Lạng Giang giúp hội viên tiêu thụ dứa chín, xuống giống dưa lê… Ngay cả trong khu vực dân cư đang bị phong tỏa, lực lượng hội viên tại chỗ cũng mặc trang phục bảo hộ để giúp chị em trong chi hội thu hoạch mùa màng…

Ấm lòng với “siêu thị 0 đồng”

Đi bất cứ nơi đâu ở Bắc Giang cũng được nghe những câu chuyện xúc động khi người dân chung tay vượt khó. Nhưng ấn tượng nhất là sự hỗ trợ, sẻ chia với những công nhân ở khu vực cách ly. Nếu người dân địa phương thường tự sản xuất được lúa gạo, có vườn tược để tăng gia, thì những công nhân thuê trọ hầu như không có gì trong tay.

“Lệnh” ai ở đâu, ở yên tại đó được áp dụng để phòng, chống dịch bệnh, hàng nghìn công nhân không kịp chuẩn bị gì. Người hết gạo, người hết dầu ăn và nhiều nhu yếu phẩm khác. Trong khi đó, các hàng quán đồng loạt đóng cửa. Xã Quang Châu, huyện Việt Yên là một điển hình. Hàng chục nghìn công nhân rơi vào cảnh khốn khó. Riêng thôn Núi Hiểu, có đến 8.000 công nhân thuê trọ, nhiều người rơi vào tình thế hết sức éo le…

Khó khăn là thế, nhưng không một ai đứt bữa, không một ai bị đói khi cộng đồng chung tay giúp sức. Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Không ai bảo ai, phong trào chung tay giúp đỡ công nhân dấy lên và lan toả. Ở thôn Đạo Ngạn, xã Quang Châu, trước tình hình hàng nghìn công nhân gặp khó, anh Nguyễn Quang Phú đã lập nhóm Zalo, kết nối mọi người, cùng những người bạn làm đầu mối kêu gọi quyên góp, trực tiếp nhận và tiếp tế đồ ăn thức uống cho hàng trăm công nhân mỗi ngày.

Rất nhiều tổ chức, cá nhân đã trực tiếp liên hệ với anh để gửi gạo, mì tôm, trứng, thịt… và nhiều nhu yếu phẩm khác. Những tấm gương như anh Phú có mặt ở khắp nơi. Trong phong trào giúp công nhân vượt khó, mô hình “siêu thị 0 đồng” thực sự có ý nghĩa và đang tiếp tục được nhân lên.

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang, Tổ trưởng Tổ hỗ trợ đời sống công nhân Bắc Giang Phạm Văn Thịnh cho biết, toàn tỉnh có đến 60 nghìn công nhân ngoại tỉnh ở trọ và khoảng 7.000 công nhân trong tỉnh nhưng phải xa nhà. Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang đã triển khai mô hình “Siêu thị 0 đồng” đều ở nơi có đông công nhân sinh sống trong các khu nhà trọ đang thực hiện cách ly, phong tỏa phòng chống dịch bệnh trên cơ sở huy động nguồn lực của các nhà hảo tâm.

Trong đó, huyện Việt Yên mở 19 “Siêu thị 0 đồng” ở các xã Vân Trung (4 siêu thị); Tăng Tiến (3 siêu thị); Hồng Thái (2 siêu thị); Vân Cốc (4 siêu thị), thị trấn Nếnh (5 siêu thị) và 1 siêu thị ở xã Quang Châu, nơi có 46.450 công nhân lao động. Huyện Yên Dũng mở 8 “Siêu thị 0 đồng” ở xã Tiền phong (2 siêu thị), xã Nội Hoàng (6 siêu thị)…

Hằng ngày, việc hỗ trợ cấp phát lương thực, thức ăn cho công nhân được phân bổ theo điều tiết các huyện và cấp phát đến tận khu nhà trọ, xóm trọ có đại diện tiếp nhận như chủ nhà trọ tại chợ, đình làng, nhà văn hóa, trường học… Nhiều nơi, bà con địa phương dù đang bị cách ly cũng tự đem rau củ, mì tôm, nước mắm để giúp đỡ công nhân. Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, còn một chặng đường dài phía trước. Nhưng nghĩa tình ở tâm dịch Bắc Giang, khiến chúng ta vững tin vào việc đẩy lùi dịch bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tình người nơi tâm dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO