Tình người trong giá rét

Miên Thảo 25/01/2016 00:01

Thời tiết thay đổi, mấy hôm nay trời rét. Nhiệt độ các tỉnh miền núi phía Bắc và cả Bắc Bộ xuống thấp. Theo cơ quan chức năng thì đây không phải là hiện tượng thời tiết cực đoan, nhưng rét độc rét hại khiến cuộc sống người dân gặp khó khăn. Ở các tỉnh biên giới như Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Lai Châu, Lào Cai… nhiệt độ xuống rất thấp, có nơi ở độ âm. Dự báo, trời tiếp tục còn giá rét. Nhưng trong cái lạnh ấy, tình người lại trở nên ấm áp hơn. 

Tình người trong giá rét

Mẫu Sơn (Lạng Sơn), ngày 23/1.

Tới chiều tối 24/1, nhiệt độ ở Sa Pa (Lào Cai) còn 2 độ C. Thị trấn miền sơn cước trắng đục sương giá. Con đường độc đạo từ TP Lào Cai lên Sa Pa từng đoàn xe thận trọng lăn bánh trong tiết trời lạnh giá, mờ mịt sương. Ở các bản xung quanh Sa Pa như Tả Van, Bản Hồ, Bản Khoang, Sa Pả, San Sả Hồ, Sử Pán, Lao Chải… những hàng cây ven đường phủ trắng bụi nước lạnh gần như đóng băng. Đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn), cái lạnh cũng đã xuống độ âm. Con đường quanh co vắng bóng người, khiến cho cái lạnh lại càng thêm giá buốt. Trong nhà, người già co ro bên bếp lửa. Những con trâu được buộc lại, được “mặc áo ấm” là những chiếc chăn dày.

Chính quyền địa phương những nơi này đã khuyến cáo, hướng dẫn người dân tránh rét. Các trường học đương nhiên tạm đóng, trẻ em ở nhà tránh rét.

Vẫn biết nắng mưa là chuyện của trời nhưng câu chuyện ở đây là đã thành quy luật nhưng việc tránh rét vẫn thiếu hiệu quả. Cứ đến những ngày giá rét, trâu, bò, lợn, gà lại bị chết. Còn nhớ đầu năm 2009, một mùa đông cực lạnh, trên đường từ Sa Pa đến bản Tả Van, bà con xẻ thịt trâu chết rét bày bán bên đường. Thịt trâu rẻ hơn cả rau, vì rau cũng chết rét nên không lấy đâu mà bán.

Con trâu là đầu cơ nghiệp, gia đình nào trâu bị chết rét thì năm đó làm ăn khó khăn. Cũng trong mùa đông năm ấy, người ta đã ví cả miền Bắc “như một cái tủ lạnh khổng lồ” vì rét lắm. Thiệt hại do giá rét là rất lớn, và có cảm giác như là đành phải bó tay. Buồn là vì thế.

Ai từng một lần thấy cảnh học trò miền núi đốt lửa ngay trong lớp học để xua đi cái lạnh, để những ngón tay bớt cóng mà cầm được cái bút, sẽ không bao giờ quên. Một lần công tác, chúng tôi đã thấy những đôi môi trẻ thơ tím tái của các em học sinh trong một trường tiểu học ở bản Lóng Luông (Hòa Bình). Những đứa trẻ trên dưới 10 tuổi mang ủng đến trường. Còn trong lớp, khói của đống lửa làm cay mắt trẻ. Vách của lớp học không đủ chắn được những cơn gió lạnh căm hun hút thổi. Trên bục giảng, cô giáo cũng đi ủng, giọng của cô hôm ấy cũng như xúc động hơn.

Cuộc sống phát triển, sự đói rét vì thế cũng đỡ ngặt nghèo hơn. Người xưa nói “đói rét” là bởi cái đói sẽ làm cho rét đậm hơn. Đói đi liền với rét. Cơ thể thiếu năng lượng nên rét càng ngấm sâu. Ở thành thị, bữa ăn hàng ngày đã nhiều chất, nên cái rét đỡ ngấm. Nhưng với miền núi, nơi cuộc sống đồng bào còn khó khăn, gió lạnh về rét càng thêm rét. Bữa ăn thiếu chất, lại thiếu áo ấm chưa nói gì đến chăn ấm đệm êm, trời lạnh giá khiến bà con nhiều phần vất vả.

Nhưng, trong những ngày rét mướt, tình người như đốm lửa hồng khiến cái lạnh bớt đi. Những năm qua, công tác từ thiện được đẩy mạnh. Đặc biệt công việc ấy được nhân rộng bởi những tấm lòng thiện nguyện- từ thiện tình nguyện mà không cần được ghi danh. Các cơ quan đoàn thể giúp người nghèo là một nhẽ, nhưng đã xuất hiện nhiều tấm lòng thơm thảo chủ động đến với bà con.

Thật xúc động khi biết không ít nhóm bạn trẻ đi “phượt” không chỉ là để ngắm cảnh tuyết rơi, đến với những khung cảnh thiên nhiên lạ lẫm; mà trong những chuyến đi ấy họ còn mang áo ấm đến cho trẻ em vùng cao. Những dòng tâm sự vội vã, những tấm ảnh người thật việc thật của họ đưa lên mạng thêm một lần nữa thức tỉnh những tấm lòng nhân ái, thương người như thể thương thân. Chim gọi đàn, người ta cùng nhau sẻ chia trong ý nghĩa đồng bào.

Mùa đông rét mướt, những ngày lạnh cóng vì thế cũng đỡ buốt giá. Sự ấm áp đến từ tình người, từ ý thức cộng đồng, từ lòng tốt- lòng tốt được đánh thức.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tình người trong giá rét

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO