Tình người và sự hy sinh thầm lặng

Thanh Tùng 03/08/2020 14:00

Diễn biến đại dịch Covid-19 còn phức tạp, nguy hiểm, khó lường, nhưng giữa vòng xoáy đại dịch, tình người Đà Nẵng trở nên lấp lánh hơn bao giờ hết.

Hàng hóa được các nhà hảo tâm tập kết trước rào chắn cách ly Bệnh viện C (Đà Nẵng) để chuyển cho bệnh nhân và y, bác sỹ làm nhiệm vụ.

Hơn một tuần, kể từ ngày 25/7 khi đại dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát trở lại bằng ca dương tính số 416, Đà Nẵng trở thành tâm dịch của cả nước với bình quân hàng chục ca dương tính được phát hiện mỗi ngày. Con số này có thể chưa dừng lại bởi diễn biến đại dịch còn phức tạp, nguy hiểm, khó lường. Nhưng giữa vòng xoáy đại dịch, tình người Đà Nẵng trở nên lấp lánh hơn bao giờ hết.

Kể từ 0h cho đến sáng 28/7, Đà Nẵng thực hiện cách ly toàn bộ 7 quận, huyện của TP theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng. Khu vực được cách ly nghiêm ngặt nhất là các tuyến đường Quang Trung, Đống Đa, Nguyễn Thi Minh Khai, Hải Phòng bao quanh 3 bệnh viện lớn của TP Đà Nẵng - nơi phát hiện 3 ca dương tính đầu tiên (số 416, 418 và 420). Bên trong rào chắn ở thời điểm cách ly, có trên 3.000 dân cư của phường Thạch Thang (quận Hải Châu) và trên 9.000 người là bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, y bác sỹ cùng nhân viên y tế của Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng cùng Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và phục hồi chức năng.

Chỉ vài tiếng sau lệnh phong tỏa, cách ly, người dân thuộc các phường, xã trên địa bàn Đà Nẵng đã tấp nập đưa hàng hóa, lương thực, nhu yếu phẩm đến tập kết ở rào chắn Ngô Gia Tự - Hải Phòng, ngay trước cổng Bệnh viện C để tiếp tế cho hơn 12.000 người bên trong rào chắn. Hàng hóa, nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm thiết yếu đưa đến, nhanh chóng được cán bộ, chiến sỹ, nhân viên y tế, chuyển vào cho 3 bệnh viện lớn và cho dân cư các tổ dân phố của phường Thạch Thang.

Hoạt động ủng hộ, tiếp tế diễn ra từ sáng sớm cho đến tận đêm khuya, thậm chí diễn ra cả dưới cơn mua tầm tã do ảnh hưởng của bão. Không chỉ có doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, chủ các cửa hàng buôn bán, mà ngay cả những người lao động bình thường cũng mang vài cân gạo, thùng mỳ ăn liền, hộp sữa, cân đường đến nhờ cán bộ chiến sỹ làm nhiệm vụ chuyển cho bệnh nhân và y, bác sỹ.

Hình ảnh về tình người Đà Nẵng trong những ngày cách ly phòng, chống dịch liên tục được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Dư luận đề cao nghĩa cử của chủ chuỗi khách sạn lớn, chuỗi nhà hàng có thương hiệu, ca sỹ nổi tiếng và cũng nhắc nhiều đến tấm lòng nhường cơm sẻ áo (đúng nghĩa) của cả những lao động gặp khó khăn do đại dịch.

Sáng 2/8, dưới cơn mưa lớn, ở rào chắn cách ly cổng Bệnh viện C, chúng tôi không cầm được nước mắt khi chứng kiến cụ già mang chục gói mỳ ăn liền đến, tha thiết nhờ cán bộ chiến sỹ làm nhiệm vụ chuyển đến tay bệnh nhân nghèo đang điều trị. Hỏi tên tuổi, cụ không nói. Chụp ảnh thì cụ quay mặt đi. Chúng tôi và những người lính làm nhiệm vụ ở khu vực rào chắn thầm cảm ơn ông cụ, như là hiện thân lấp lánh của tình người.

Những ngày đầu đại dịch bùng phát, bức ảnh chụp phía sau các y, bác sỹ của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), tăng cường cho Đà Nẵng, được chia sẻ trên mạng xã hội, đã thực sự gây xúc động. Những thầy thuốc trong trang phục phòng dịch, nhanh nhẹn bước đi trong hành lang bệnh viện như những thiên thần. Họ đến tâm dịch Đà Nẵng để thực hiện lời thề Hippocrates cao cả, thiêng liêng. Ngoài 3 bệnh viện ở khu vực trung tâm, Đà Nẵng còn có thêm Bệnh viện Hoàn Mỹ bị phong tỏa do có 2 ca dương tính số 499 và 450 là vợ chồng, từng đến điều trị. Cả 4 bệnh viện đều là khu cách ly đặc biệt nghiêm ngặt.

Những bức ảnh, clip, ghi lại cảnh sinh hoạt, nghỉ ngơi, tập thể dục duy trì sức khỏe đương đầu với đại dịch; được y bác sỹ, nhân viên y tế chia sẻ cho người thân, sau đó lan tỏa rất nhanh trên mạng xã hội; đã giúp dư luận hình dung về cuộc chiến đấu thầm lặng, cam go của những thiên thần áo trắng. Không khóc sao được khi nhìn y, bác sỹ, nhân viên y tế tranh thủ chợp mắt, nghỉ ngơi ở bất cứ vị trí nào có thể ngả lưng được. Càng khó cầm được nước mắt khi nhìn bức ảnh, clip nữ bác sỹ, điều dưỡng viên phải cắt bỏ mái tóc dài của mình để mồ hôi khô nhanh….Ngày 31/7, sau 48 tiếng cách ly làm nhiệm vụ; những thiên thần áo trắng ở Bệnh viện Đà Nẵng lại có thêm trọng trách là chăm sóc sinh hoạt cho trên 650 bệnh nhân nặng vì người nhà của họ được đưa đi cách ly ở nơi khác.

Ở thời điểm sau 0h ngày 28/7, có khoảng 5.000 y, bác sỹ, nhân viên y tế tại 3 cơ sở điều trị là Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và phục hồi chức năng. Để giảm áp lực, cho các bệnh viện, chính quyền TP Đà Nẵng di chuyển hàng ngàn y, bác sỹ, nhân viên y tế đến các địa chỉ cách ly trên địa bàn TP. Cùng với việc hoàn thành 2 bệnh viện dã chiến tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang và tại Cung Thể thao Tiên Sơn (phường Hòa Cường, quận Hải Châu), hơn 2.200 y, bác sỹ, nhân viên y tế lại được điều động đến 2 bênh viện dã chiến, chiến đấu với đại dịch Covid-19.

Đại dịch Covid-19 với diễn biến phức tạp, nguy hiểm, khó lường có thể còn kéo dài. Hãy thử đặt mình vào vị trí của hàng ngàn, hàng vạn y, bác sỹ, nhân viên y tế trên cả nước 24/24 giờ trong trang phục phòng dịch, lo cứu chữa và lo cả từng bữa ăn, giấc ngủ cho các ca dương tính với Covid 19, để thấy rằng, sự hy sinh thầm lặng của họ không chỉ đáng quý, đáng trân trọng mà rất đáng được tôn vinh là những anh hùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tình người và sự hy sinh thầm lặng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO