‘Tổ Covid’ của Đại Đoàn Kết ở điểm nóng

Nhóm PV 18/06/2021 10:10

Ngay khi dịch bùng phát (lần thứ 4), Ban Biên tập Báo Đại Đoàn Kết đã thành lập Tổ phóng viên đưa tin Covid-19. Kể từ cuối tháng 4/2021, Tổ phóng viên đưa tin Covid-19 hoạt động liên tục với cường độ lớn, cung cấp tin, bài, ảnh cho các ấn phẩm của Đại Đoàn Kết.

Những nẻo đường tác nghiệp gian nan và không kém phần hiểm nguy khi các nhà báo đã vào cả những nơi được xác định là ổ dịch, vừa để phản ánh thực tế, vừa ghi lại tâm tư tình cảm, nguyện vọng của người dân cùng các lực lượng trên tuyến đầu dập dịch. Xin được giới thiệu một số suy nghĩ của các nhà báo Tổ thông tin Covid -19 Báo Đại Đoàn Kết.

Những ngày đặc biệt trong khu cách ly

Phóng viên Lan Anh kể: Hơn 1 tháng dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, cùng với các lực lượng chức năng, chúng tôi - những phóng viên cũng tham gia vào “cuộc chiến” này với “vũ khí” là ngòi bút của chính mình.

Phóng viên Lan Anh tác nghiệp tại khu xét nghiệm Bệnh viện K.

Những ngày qua, cứ nhận thông tin là mấy anh em chúng tôi chia nhau lên đường với hành trang là chiếc máy tính, điện thoại, máy ảnh và bộ đồ bảo hộ. Lịch trình “dày đặc” những “điểm nóng”: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh; Bệnh viện K cơ sở Tân Triều; xã Mão Điền (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh); xã Việt Hùng (Đông Anh, Hà Nội); xã Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội); KCN Bắc Giang,… và cả những khu cách ly F1 hay những xóm trọ của bệnh nhân ở các bệnh viện lớn.

Mỗi chuyến đi là một câu chuyện, một kỷ niệm đẹp, đầy cảm xúc và là một trải nghiệm thú vị trong quá trình tác nghiệp của một phóng viên trẻ như tôi. Cái cảm giác mặc bộ đồ bảo hộ dưới thời tiết nắng gay gắt của mùa hè, cảm giác khóe mắt cay cay khi tiếp xúc với các y bác sĩ tuyến đầu đang căng mình chiến đấu, cảm giác “muốn trào nước mắt” khi nói chuyện với những bệnh nhân Bệnh viện K chờ lấy mẫu xét nghiệm, cảm giác “say xe” khi vừa di chuyển vừa gõ bài để kịp đưa về toà soạn những dòng tin thời sự,… sẽ là những cảm giác không bao giờ quên.

Và có lẽ đặc biệt nhất là câu chuyện tác nghiệp tại khu cách ly Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô của chúng tôi. 5h30 sáng, ba anh em (tôi, phóng viên Quang Vinh, phóng viên Dương Nghĩa Toàn) lên đường, 7h hơn đã có mặt tại trường và bắt tay ngay vào công việc. Chúng tôi ghi nhận công tác chuẩn bị bầu cử và cuộc sống tại khu cách ly.

Với mong muốn mang đến những hình ảnh, những câu chuyện thật nhất, ba anh em đề xuất được mặc bảo hộ vào trong khu cách ly và đề xuất đó được các anh chỉ huy đồng ý. Chuẩn bị mặc đồ bảo hộ thì người phụ trách (khung trưởng) tại đây thu xếp xong công việc, vậy là chúng tôi quyết định phỏng vấn anh trước khi vào khu cách ly.

Đang phỏng vấn, hai chiếc điện thoại của anh đổ chuông liên hồi. Cách đó chừng 30 m, một nhân viên đứng trong hàng rào khu cách ly tay cầm điện thoại hướng về anh phụ trách. Khung trưởng nhấc điện thoại lên, chúng tôi nghe rõ tiếng đầu bên kia: “Báo cáo chỉ huy, thêm 1 trường hợp F1 chuyển thành F0 trong khu cách ly”.

Ba anh em chúng tôi khá bất ngờ và bối rối khi nghe thấy thông tin trên. Vậy là, chỉ cần vào đó sớm 5 phút, chúng tôi sẽ có mặt trong khu vực có F0. Sau đó, các anh chỉ huy yêu cầu chúng tôi không vào khu cách ly để đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, tạo điều kiện cho chúng tôi thực hiện phỏng vấn qua điện thoại các anh em chiến sĩ, nhân viên y tế, người dân... trong khu cách ly.

Công việc hoàn thành, ba anh em ra về và thở phào khi chuyến tác nghiệp thành công mà vẫn đảm bảo được an toàn về phòng, chống dịch Covid-19. Ba anh em còn “tếu táo”: “Sớm chút nữa có thể được ăn cơm bộ đội 21 ngày”. Bài viết ngày hôm đó của chúng tôi tràn đầy cảm xúc - bài viết có tên Những ngày đặc biệt trong khu cách ly”.

Nhà báo Phạm Quang Vinh tác nghiệp tại Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội).

Tôi không thể không đi đến các điểm nóng

Nhà báo Phạm Quang Vinh cho biết, những ngày cùng đồng nghiệp ngược xuôi đi về những nơi tâm dịch trong làn sóng Covid-19 lần thứ 4 với tôi có lẽ sẽ là những ngày không quên. Nhất là có thời điểm việc “chống giặc” Covid-19 lại trùng với thời gian chuẩn bị bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp. Đây là những khoảnh khắc khó quên trong cuộc đời làm báo của tôi. Rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp và gia đình đã lo lắng, nhắn tin, gọi điện cho tôi, nhưng tôi đều động viên ngược lại để mọi người yên tâm hơn.

Tôi cho rằng, phóng viên cũng có thể gặp nguy hiểm không kém gì những y, bác sĩ: Những người trực tiếp chống dịch từ tuyến đầu. Nhưng, phóng viên ảnh không thể ngồi nhà để vẽ ra ảnh được, phải đến tận nơi, chứng kiến tận mắt, phải tiếp xúc với tất cả mọi người, mọi thành phần, mọi tiêu cự thì mới có được những khắc họa chân thực và rõ nét nhất về cuộc chiến chống dịch bệnh.

Đây không phải lần đầu tôi đi chụp ảnh dịch bệnh. Tôi đã tự trang bị những kiến thức phòng, chống dịch cho mình trong khi tác nghiệp, tự rút kinh nghiệm sau mỗi lần tác nghiệp để có được những kỹ năng tốt nhất nơi tâm dịch. Tác nghiệp nơi tâm dịch rất khó khăn, vất vả nên tôi phải rất cẩn trọng, ngay từ việc mặc bảo hộ ra sao, lúc xong cởi bỏ như thế nào cho đúng cách, một việc tưởng chừng như đơn giản nhưng nếu không làm đúng sẽ rất dễ bị lây nhiễm lúc nào không hay.

Có những lúc tác nghiệp trong môi trường, hoàn cảnh khó khăn, nắng nóng, bảo hộ kín như bưng, chạy bộ đuổi theo các xe phun khử khuẩn phun từ ngoài đường vào xung quanh Bệnh viện bệnh Nhiệt đới và Bệnh viện K, mồ hôi vã ra như tắm, kính đeo chống giọt bắn ướt sũng vì mồ hôi, không còn nhìn thấy gì.

Chưa kể, có những lúc mải chụp bị nguyên cả khẩu súng đại bác của xe phun khử khuẩn phun thẳng vào mặt, ướt từ đầu đến chân, mồm đắng ngắt vì thuốc khử trùng Cloramin B. Có những hôm chạy khắp nơi dưới cái nắng nóng gần 40 độ C đến khi xong việc cái găng tay thứ 2 được cởi bỏ ra cuối cùng lõng bõng mồ hôi vì không thoát đi đâu được, đôi bàn tay trắng bợt nhăn nheo vì ngâm mồ hôi lâu quá.

Nhưng, mỗi lần tác nghiệp, tôi được chứng kiến bao sự vất vả mệt mỏi của những y, bác sĩ đang căng mình từng ngày, từng giờ trong những bộ đồ bảo hộ dưới cái nắng nóng 40 độ C. Vì thế tôi luôn tự động viên mình vượt qua sự vất vả, cùng chung tay góp sức dù nhỏ bé để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Nhà báo Đức Trân tác nghiệp tại phường Nhân Hòa (Hưng Yên).

Thương nhau nhường nhau hộp sữa

“Vào thời điểm đầu tháng 5, khi dịch Covid 19 lần thứ 4 bùng phát ở Vĩnh Phúc. Tôi cùng với phóng viên ảnh Quang Vinh của báo có mặt tại thị xã Yên Lạc vào một sáng cuối tuần - nơi vừa thực hiện cách ly phong toả do ghi nhận nhiều ca F0”, nhà báo Đức Trân kể.

Nắng tháng 5 nóng như rang, cũng đã quá giờ cơm trưa nên chúng tôi nhịn luôn thể. Khi về đến Trạm y tế thị xã, ngồi nói chuyện với trạm trưởng thì tôi mới thấy cái nắng gần 40 độ mùa hè, cùng với cơn đói của mình chẳng là gì so với những khó khăn mà họ đang phải chịu.

Ông Trạm trưởng trạc 50 tuổi vừa khóc vừa kể chuyện về hoàn cảnh của nhân viên từng của mình. Trong đó có một nữ nhân viên từng bị ung thư cổ tử cung, cắt toàn bộ tử cung năm ngoái nhưng vẫn phải đi làm vì trạm thiếu người. Chưa kể thị xã Yên Lạc thời điểm đó phải cách ly nên hàng ngày họ phải đón rất nhiều F1, F2 đến khai báo y tế rồi đi cách ly. Vừa mổ xong chưa lâu kèm với làm việc ngày đêm, nhân viên của “trạm trưởng” có khi ngất trên bàn.

Chưa hết, vị trạm trưởng cũng có một nhân viên nam khác. Vợ vừa sinh con, em bé sinh non - thiếu tháng chỉ được hơn 1 kg. Vậy mà đúng đợt dịch bùng phát nên vợ sinh con, anh cũng không thể về thăm con, thăm vợ được.

Nghe kể về những hoàn cảnh đó, tôi mới thấy cuộc sống của mình vẫn đang rất sung sướng. Trong dịch, tôi được ở cùng gia đình, ăn uống cùng vợ con và mẹ. Còn họ, những anh hùng thầm lặng ốm không dám kêu, mệt không dám than. Ngay cả khi họ có bệnh trọng trong người vẫn phải đi lo sức khoẻ cho người khác.

Tôi từng nghe ai đó nói, đại ý: Khi bạn bị đau chân thì bạn chỉ biết đến cái chân đau của mình; nhưng với họ, những người làm việc tại Trạm y tế thị xã Yên Lạc thì điều đó lại khác hoàn toàn. Họ không được về thăm con, không được quyền nhớ đến vết mổ đang đau từng cơn của mình. Còn người Trạm trưởng 50 tuổi thì vẫn ngày ngày gồng mình làm việc, 5 ngày chưa về nhà nhưng cũng không thấy mình vất vả mà chỉ thấy thương cho sự vất vả của nhân viên.

Tôi làm báo từ năm 2018. Tôi được giao viết mảng y tế, cũng đã đi thực tế nhiều nơi nhưng lần đi viết bài ghi nhận thực tế tại thị xã Yên Lạc tôi có cảm xúc rất đặc biệt. Tôi thấy mình chỉ là một hạt cát trong vô vàn các số phận khác, mà họ hy sinh vì công việc hơn những gì mình được chứng kiến.

Kết thúc cuộc trò chuyện, dừng lời, vị Trạm trưởng đưa cho tôi hộp sữa còn nói trong nghẹn ngào: “Anh em phóng viên vất vả về tâm dịch uống hộp sữa cho khoẻ!”. Tự nhiên tôi thấy cay cay nơi khóe mắt. Với tôi nó không đơn thuần là một hộp sữa, mà là tình thương, là hộp sữa tương thân tương ái, là tất cả tình nhân ái của con người dành cho nhau trong lúc gian khó.

Phóng viên tác nghiệp tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới trung ương cơ sở 2.

Vừa chống dịch, vừa tổ chức bầu cử

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 có thể coi là “phép thử” lớn đối với hệ thống chính trị của chúng ta. Khi mà dịch bùng phát cũng là lúc cả đất nước đang chuẩn bị cho ngày bầu cử. Bối cảnh đó cũng đặt ra cho những phóng viên tác nghiệp đưa tin Covid-19 và đưa tin bầu cử như chúng tôi nhiều cung bậc cảm xúc; bởi cao độ tuyên truyền cho “Ngày hội non sông” thì cũng là đợt cao điểm “toàn quốc chống dịch”.

Nhà báo Việt Thắng kể: Có những thời điểm tôi cảm nhận rằng, ngoài các điểm nóng là Bắc Ninh, Bắc Giang, Thành phố Hồ Chí Minh thì Hà Nội được coi là “nơi đáng lo ngại” khi tiềm ẩn nhiều yếu tố dịch tễ với các nguồn lây từ Yên Bái, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh nên công tác phòng chống dịch tại Thủ đô được đặt lên cao độ. Trong hoàn cảnh đó, áp lực nặng nề đặt lên cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội). Với nhiều nguồn lây, chùm ca bệnh khác nhau nên khối lượng truy vết, xét nghiệm đối với CDC Hà Nội nhiều lúc theo cảm nhận của chúng tôi đã dường như quá tải. Song mỗi khi nhận được thông báo mà CDC Hà Nội cập nhật từng giờ, trong tôi xuất hiện 2 luồng cảm xúc trái ngược nhau. Mừng là có thông tin để tác nghiệp, để phản ánh. Còn lo là khi Thủ đô lại xuất hiện thêm những ca mắc mới. Và sự dồn dập “tin nhắn” của CDC Hà Nội cũng là lúc lo lắng bắt đầu nảy sinh.

Nhìn lại các mốc như ngày 9/5, 21/5, 29/5, đã có những khoảng thời gian 6 ngày Hà Nội không có ca F0 ngoài cộng đồng. Đó là thành quả của việc tận dụng khung giờ vàng, tăng tốc truy vết, xét nghiệm của các lực lượng chức năng chống dịch của Hà Nội. Có những ngày tôi đã mừng và chia sẻ với đồng nghiệp (nữ phóng viên Lan Anh) về sự “im ắng” của Hà Nội khi 6 ngày không phát hiện những ca mắc mới tại cộng đồng. Thế nhưng sang ngày thứ 7, sự lo lắng đã xuất hiện trở lại với những ca bệnh tại cộng đồng.

Các PV thuộc "tổ Covid" của báo Đại Đoàn Kết: Lan Anh, Quang Vinh, Đức Trân, Việt Thắng, Đức Sơn, Phạm Sỹ. (Từ trái qua, trên xuống). Ảnh do PV cung cấp.

Trong các chùm ca bệnh, theo đánh giá của các chuyên gia mà chúng tôi được dịp trò chuyện, chùm ca bệnh liên quan đến số 2 Phạm Sư Mạnh và Times City được kiểm soát tốt dù trước đó có đánh giá là khá phức tạp, chưa rõ nguồn lây. Ngay sau khi phát hiện ca F0 liên quan đến chùm ca bệnh ở số 2 Phạm Sư Mạnh và Times City vào ngày 22/5, đến rạng sáng ngày 25/5, thành phố đã kiểm soát được tình hình nhờ việc truy vết thần tốc, khoanh vùng chính xác các trường hợp liên quan.

Còn chùm ca bệnh mới đây tại Đông Anh, theo một số chuyên gia đánh giá là phức tạp, không chỉ vì chưa xác định được nguồn lây mà yếu tố dịch tễ liên quan cũng khá rộng. Dù đồng hồ đã điểm gần 23h nhưng CDC Hà Nội vẫn cung cấp thông tin về ca thứ bảy dương tính với SARS-CoV-2 thuộc chùm ca bệnh tại thị trấn Đông Anh. Sự nỗ lực trong truy vết, khoanh vùng của CDC Hà Nội trước chùm ca bệnh lúc đêm muộn gợi cho chúng tôi cảm giác về tinh thần trắng đêm xét nghiệm để tận dụng từng phút từng giờ trong khung giờ vàng 48h chống dịch tại Hà Nội.

Nhưng, tuy lo là vậy mà nhìn thấy nỗ lực làm việc của các anh chị ở CDC Hà Nội, tôi hoàn toàn có niềm tin vào công cuộc chống dịch của chúng ta. Thắng lợi đang ở trước mắt.

Cùng các “chiến binh áo trắng” lao vào “tâm dịch” Bắc Giang

Trung tuần tháng 5/2021, cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở Bắc Giang bước vào giai đoạn cam go, phức tạp, nhất là tại các Khu công nghiệp. Khi Bắc Giang đề nghị được hỗ trợ, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên xung phong cử đoàn thầy thuốc tình nguyện đến đây hỗ trợ dập dịch.

Nhà báo Đức Sơn tác nghiệp tại khu công nghiệp Bắc Giang.

Nhà báo Đức Sơn kể: Là một phóng viên lần đầu nhận nhiệm vụ “lao” vào “tâm dịch” Khu Công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang) cùng Đoàn y bác sĩ tình nguyện của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), tâm trạng tôi có phần hồi hộp, lo lắng.

3h sáng ngày 15/5, chúng tôi bắt đầu xuất phát từ Hà Nội xuống Quảng Ninh để “hội quân” cùng Đoàn y bác sĩ Bệnh viện Việt Nam- Thụy Điển Uông Bí. Trong suốt chặng đường hàng trăm kilomet, dù phải dậy sớm rất mệt nhưng tôi và các phóng viên khác đi cùng không sao chợp mắt được bởi tâm tạng lo lắng rối bời.

Tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, dù mới hơn 5h sáng mà hơn 200 y bác sĩ đã tề tựu đông đủ với tinh thần rất náo nức, hồ hởi. Những cái ôm thắm thiết của đồng nghiệp, người thân, những cái bắt tay, những lời động viên, những nụ cười rạng rỡ đầy tự hào; một số y, bác sĩ tranh thủ chút thời gian ít ỏi trước khi vào “tâm dịch” gọi điện cho người thân, gọi điện dặn dò, chào các con nhỏ.

Mặc dù nhiệm vụ của họ vô cùng khó khăn, nguy hiểm nhưng dường như ai cũng nhận nhiệm vụ trên tinh thần tự nguyện, vui vẻ. Chứng kiến những khoảnh khắc xúc động, tự hào của đoàn tình nguyện, bao lo âu trong suy nghĩ của nhóm phóng viên chúng tôi cũng bỗng dưng tan biến, thay vào đó là sự tự tin, vững tâm khi cùng “lao” vào “tâm dịch” để ghi nhận, phản ánh tình hình.

Vượt qua chặng đường dài, cùng với họ, chúng tôi chứng kiến những hình ảnh cảm động rơi nước mắt khi đi đến đâu, “những chiến binh áo trắng” cũng đều nhận được sự chào đón của người dân. Ngay sau khi đến Bắc Giang với bữa trưa chóng vánh, Đoàn tình nguyện Quảng Ninh đã nhanh chóng di chuyển đến Khu công nghiệp Quang Châu bắt tay ngay vào việc lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân và sau đó đến các khu dân cư để lấy mẫu xét nghiệm.

Sức nắng gay gắt của trưa hè tháng 5 khiến những người khoẻ nhất cũng phải ngao ngán, ấy vậy mà ở tâm dịch, các “chiến binh áo trắng” vẫn kiên cường chạy đua với thời gian, xông pha giữa mặt trời thiêu đốt để tìm diệt Covid-19.

Những khi làm việc quá sức, mệt mỏi, họ tự động viên nhau “mệt chỉ là cảm giác”, quan trọng nhất là dập được dịch, trả lại cuộc sống bình yên vốn có cho nhân dân, cho đất nước.

Hình ảnh các y, bác sĩ kiệt sức, ngã quỵ sau những nỗ lực quên mình dập dịch khiến cho chúng tôi và bất cứ ai cũng không khỏi xúc động và khâm phục.

“Xóm chạy thận” chưa bao giờ thiếu sự lạc quan

Phóng viên Phạm Sỹ cho biết, nằm giữa lòng Thủ đô, sâu trong ngõ 121 phố Lê Thanh Nghị cách Bệnh viện Bạch Mai chưa đầy 1 km, là nơi lưu trú của 134 bệnh nhân mắc căn bệnh suy thận. Họ đến từ nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, thời gian ở trọ nhiều hơn ở nhà, có những bệnh nhân đã ở trọ hơn 20 năm. Hầu hết là những người bị suy thận nặng, chỉ sống được khi lọc máu ba lần/tuần.

Cuộc sống của những bệnh nhân nghèo thiếu thốn đủ thứ, từ vật chất, sức khỏe đến tình cảm. Mặc dù mang trong mình căn bệnh trọng nhưng họ vẫn làm đủ thứ nghề từ đánh giày, rửa bát thuê, xe ôm, bốc vác, bán trà đá... để có thêm tiền trang trải chi phí hàng ngày. Khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại trên địa bàn thành phố Hà Nội, thì những người dân nơi đây lại càng khó khăn hơn.

“Tiếp xúc trò chuyện với một số bệnh nhân tại xóm chạy thận, điều đầu tiên mà tôi nhận thấy đó là sự lạc quan, niềm tin trong cuộc chiến trường kỳ với bệnh tật. Ngay cả khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát quay trở lại thì họ luôn có niềm tin vào công tác phòng chống dịch của các cấp chính quyền. Những người đang ở trọ tại đây luôn ý thức, tự giác thực hiện những biện pháp chống dịch. Họ luôn luôn ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân chính là chung tay góp sức vì một cộng đồng khỏe mạnh.

Vẫn biết là còn rất nhiều khó khăn, nhưng những cư dân ở xóm chạy thận đều hy vọng dịch bệnh qua mau để cho cuộc sống trở lại bình thường, để họ tiếp tục chặng đường gian nan phía trước. Được gặp họ, được một lần trò chuyện với họ, tôi cảm thấy cũng là điều may mắn cho cuộc đời phóng viên của mình”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Tổ Covid’ của Đại Đoàn Kết ở điểm nóng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO