Tổ hợp môn ở lớp 10: Thay đổi lựa chọn không phù hợp thế nào?

Nguyễn Hoài 22/07/2022 14:37

Việc lựa chọn tổ hợp môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 khiến nhiều phụ huynh, học sinh năm nay lên lớp 10 băn khoăn rằng, liệu lựa chọn này có ảnh hưởng tới thi tốt nghiệp THPT và con đường vào đại học sau này.

Đau đầu như chọn trường

Theo quy định của Sở GDĐT Hà Nội, đến 17h hôm nay, 22/7, các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố sẽ kết thúc việc nhận hồ sơ trúng tuyển bổ sung vào lớp 10.

Năm học 2022-2023, ngoài các môn bắt buộc, học sinh lớp 10 trên cả nước còn phải lựa chọn tổ hợp môn theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Việc lựa chọn, sắp xếp tổ hợp môn là vấn đề nóng của phụ huynh, học sinh và các nhà trường trong những ngày học sinh lớp 10 làm thủ tục nhập học.

Dù đến thời điểm này, hầu hết các gia đình cơ bản đã hoàn tất thủ tục nhập học cho con. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh, học sinh vẫn còn mơ hồ, băn khoăn với nhiều câu hỏi trong việc lựa chọn tổ hợp môn.

Học sinh, phụ huynh tìm hiểu thông tin trong ngày đầu làm thủ tục tục nhập học tại Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội).

Trước khi hoàn thành thủ tục nhập học cho con, chị Hoàng Diệu Thúy (quận Long Biên, Hà Nội) phải tham khảo rất nhiều ý kiến, tham gia nhiều hội nhóm phụ huynh trên mạng xã hội. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chị Thúy, mỗi phụ huynh lại chia sẻ cách sắp xếp, tổ chức tổ hợp môn khác nhau của trường mà con của họ làm thủ tục nhập học.

Chị Thúy cho biết, gia đình chị mất tương đối thời gian để đặt bút quyết định chọn tổ hợp môn cho con.

“Tôi đang suy nghĩ, liệu quyết định của gia đình có đúng với sở thích, phù hợp năng lực của con trong suốt 3 năm học bậc THPT không. Đặc biệt là nếu lỡ chọn tổ hợp xã hội không phù hợp thì sau này con có được thay đổi nguyện vọng sang tổ hợp tự nhiên hay không?”, chị Thúy phân vân.

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên các trường THPT triển khai chương trình mới. Trong khi đó, Bộ GDĐT bất ngờ thay đổi yêu cầu dạy học đối với môn Lịch sử từ lựa chọn sang bắt buộc chỉ cách thời gian vào năm học mới một thời gian ngắn. Điều này không chỉ làm khó phụ huynh, học sinh mà đa số các trường THPT cũng loay hoay trong việc sắp xếp tổ hợp môn.

Cho rằng việc điều chỉnh của Bộ GDĐT đối với môn Lịch sử sẽ tạo thuận lợi cho việc lựa chọn tổ hợp đối với học sinh theo hướng học Khoa học xã hội song ông Nguyễn Minh Phi, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, trường gặp khó trong việc xếp lớp học và sắp xếp nhân sự.

Theo ông Phi, căn cứ vào tình hình thực tế, Trường THPT Hoàng Văn Thụ đưa ra 5 nhóm tổ hợp môn cho học sinh lựa chọn. Tuy nhiên, trường đang gặp phải có tổ hợp nhiều học sinh chọn, trường loay hoay sắp xếp giáo viên, nhưng lại có môn, tổ hợp ít học sinh chọn.

Sẽ có thay đổi phù hợp với công nhận tốt nghiệp THPT

Năm nay là năm đầu chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai ở khối trung học phổ thông, bắt đầu từ lớp 10. Ông Hà Xuân Nhâm, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GDĐT Hà Nội nhìn nhận, việc lúng túng, băn khoăn từ mọi phía sẽ là điều khó tránh.

Trả lời những băn khoăn của phụ huynh, học sinh về lựa chọn tổ hợp, ông Nhâm cho biết, trong 3 nhóm môn lựa chọn, ít nhất mỗi nhóm phải có một môn phù hợp mong muốn của học sinh nên dù khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội đều có những nội dung liên quan đến các lĩnh vực còn lại.

Bên cạnh đó, việc thi cử kiểm tra đánh giá rồi các trường đại học tuyển sinh như thế nào đối với chương trình 2018 cũng sẽ có những thay đổi phù hợp.

Cũng theo ông Nhâm, việc quan trọng nhất hiện tại là tập trung học tốt những nội dung mà mình đã lựa chọn. Còn những mong muốn cụ thể, phụ huynh trao đổi với lãnh đạo nhà trường.

Phía Phòng Giáo dục Trung học cam kết sẽ đồng hành các nhà trường để tháo gỡ những khó khăn, đặc biệt rất mong muốn các nhà trường đáp ứng tối đa nguyện vọng của học sinh phát triển theo hướng cá nhân.

Học sinh Hà Nội làm thủ tục nhập học vào lớp 10 THPT công lập.

Tại buổi giao lưu trực tuyến “Chọn tổ hợp môn lớp 10 như thế nào?” do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh tổ chức sáng nay, 22/7, nhiều câu hỏi liên quan tới vấn đề này đã được nhiều phụ huynh, học sinh đặt ra.

Trong đó nhiều ý kiến quan tâm tới vấn đề lựa chọn tổ hợp môn có ảnh hưởng tới việc thi tốt nghiệp hay nếu chọn tổ hợp không phù hợp thì có được lựa chọn tổ hợp môn khác không?

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh cho hay, mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 là hướng đến năng lực và phẩm chất của học sinh. Do vậy, chương trình sẽ gắn với các thay đổi phù hợp của việc công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học. Bộ GDĐT sẽ có những hướng dẫn chi tiết.

Theo ông Hiếu, công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH của Bộ GDĐT có hướng dẫn "Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng xem xét quyết định và báo cáo Sở GDĐT".

Do vậy, việc thay đổi sẽ do nhà trường quyết định. Tuy nhiên, từng trường sẽ có kế hoạch tổ chức giảng dạy, xây dựng cơ cấu lớp, quy định sĩ số lớp, phân công giáo viên, cơ sở vật chất,... sẽ có những hướng dẫn cụ thể. Phụ huynh và học sinh theo dõi các hướng dẫn của trường em học.

“Hiện nay việc lựa chọn các bộ môn tự chọn của học sinh cần tập trung ở sự phù hợp của định hướng nghề nghiệp của bản thân và tổ chức của nhà trường. Sở GDĐT và trường sẽ có những hướng dẫn khi Bộ GDĐT có các hướng dẫn mới. Các trường sẽ có nhiều phương án chủ động trong việc bổ sung kiến thức khi có sự thay đổi. Ngoài ra, học sinh cũng cần chủ động trong các phương án lựa chọn của mình để hạn chế sự thay đổi ảnh hưởng đến thời gian, tâm lý,...”, ông Hiếu thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tổ hợp môn ở lớp 10: Thay đổi lựa chọn không phù hợp thế nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO