'Tổ quốc, nhân dân luôn biết ơn Mẹ'

Dạ Yến - Hữu Chính Ảnh: Kỳ Anh 13/07/2017 13:00

Đó là lời nhắn nhủ của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khi tới thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Nậy ở khu phố 1, phường Ba Đồn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình vào ngày 13/7.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Nậy.

Cùng đi có Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cùng đại diện Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình.

Trong không khí của dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7/1947- 27/7/2017, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn trân trọng nhắc tới những công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh anh dũng trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc.

Đất nước ta đã trải qua bao cuộc chiến tranh, những tổn thất của nó để lại không gì có thể đo đếm được. Trong những năm tháng khốc liệt, biết bao thế hệ người Việt Nam đã ra chiến trường, trong số đó nhiều người đã hy sinh. Có những người tuổi chưa tròn đôi mươi. Có người cái tên đồng đội chưa kịp nhớ. Đất nước nghiêng mình trước hy sinh cao cả ấy.

Nhưng đằng sau sự hy sinh cao cả ấy lại có những sự hy sinh lớn lao hơn của biết bao người vợ, người mẹ Việt Nam khi phải mất đi chồng và những đứa con thân yêu của mình.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Nậy.

Mẹ Nguyễn Thị Nậy năm nay 92 tuổi, có chồng là ông Hồ Văn Long và con trai là Hồ Văn Mỵ đều hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Dẫn lời bài hát Người mẹ Quảng Nam, một bài hát ca ngợi những Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, người đứng đầu Mặt trận cho rằng, nếu bao nhiêu lá rụng trên rừng là bấy nhiêu tình mẹ thì bao nhiêu lá rụng trên rừng cũng là bấy nhiêu công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ.

“Mẹ cần gì hãy nói với chúng con” Chủ tịch Trần Thanh Mẫn ân cần nói với mẹ Nậy. Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nậy không nói nên lời, chỉ biết nắm chặt tay ông Chủ tịch Mặt trận.

Theo người đứng đầu Mặt trận, việc chăm sóc người có công không chỉ là trách nhiệm, lòng biết ơn của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam mà còn là một nét đẹp, một truyền thống nhân văn của dân tộc.

Do vậy, đền ơn đáp nghĩa đã trở thành một phong trào sâu rộng, có sức lan toả lớn lao và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp... tích cực, chủ động tham gia, với các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng; xây dựng mới và sửa chữa nhà tình nghĩa; đỡ đầu con em của thương binh, liệt sĩ; trợ cấp, hỗ trợ thường xuyên các gia đình chính sách.

Đến nay, cả nước có trên 9 triệu người có công (chiếm gần 10% dân số) đã được hưởng các chính sách ưu đãi người có công, trong đó gần 1,2 triệu liệt sĩ, có trên 127 nghìn Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 2 triệu là thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, hàng vạn người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học. Ngoài các đối tượng được hưởng trợ cấp một lần còn có trên 1,4 triệu người được hưởng trợ cấp hàng tháng.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thăm mẹ Liệt sỹ Trần Thị Thìn.

Bà Trần Thị Thìn, mẹ liệt sĩ Nguyễn Trọng Hoà hiện sinh sống tại khu phố 2, phường Ba Đồn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình là một trong những hộ đơn thân hiện sống nương nhờ bên người con gái út.

Theo ông Lê Văn Tăng, Trưởng khu phố 2, gia cảnh bà Thìn dù không phải là hộ nghèo những cũng còn nhiều khó khăn do tuổi cao sức yếu, con cái cũng không khá giả. Tuy nhiên, với sự chung tay chia sẻ của cộng đồng, bà Thìn cũng như nhiều hộ gia đình có công với cách mạng trên địa bàn luôn được chính quyền địa phương quan tâm, chăm sóc. Điều đó đã giúp bà Thìn vơi đi những khó khăn trong cuộc sống.

Tới thăm và chia sẻ với hoàn cảnh của bà Thìn, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng khẳng định rằng, hiện nay còn một bộ phận người có công đang gặp khó khăn trong cuộc sống, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Việc thực hiện đầy đủ, kịp thời những chính sách dành cho người có công còn hạn chế, bất cập; có nơi chưa được quan tâm đúng mức.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tặng quà mẹ Liệt sỹ Trần Thị Thìn.

Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây, từ Quảng Bình, người đứng đầu Mặt trận mong mỏi mỗi người, bằng việc làm thiết thực nhất hãy quan tâm, chăm lo cho các gia đình thương binh liệt sĩ, người có công với cách mạng cùng với việc tu bổ nghĩa trang liệt sĩ, xây dựng nhiều hơn nữa những ngôi nhà tình nghĩa.

Thực tế 10 năm qua phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã vận động được kinh phí để xây mới 90.000 căn nhà và sửa chữa 75.000 căn nhà cho gia đình người có công. Tuy nhiên nhiều nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết được xây dựng 30 năm qua đã bị hỏng và xuống cấp bởi vậy nhu cầu xây nhà và sửa nhà cho các gia đình người có công hiện nay là hơn 280.000 căn.

Cho nên để tiếp tục trách nhiệm với người có công, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phát động 3 tháng cao điểm vận động toàn dân tham gia phong trào “đền ơn đáp nghĩa” hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ vừa góp phần cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ khẳng định chính sách đối với người có công với cách mạng luôn là một chính sách đặc biệt, thể hiện rõ trách nhiệm và tình cảm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với sự hy sinh xương máu của biết bao người vừa tiếp nối truyền thống đền ơn đáp nghĩa của dân tộc Việt Nam.

Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã nhấn mạnh tới trách nhiệm và lòng biết ơn của mỗi gia đình người Việt, mỗi cơ quan, tổ chức hãy bàn bạc và có một việc làm cụ thể để góp phần chăm lo cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách.

Trước đó, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đã dẫn đầu đoàn đại biểu đến dâng hương và viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người con trung kiên của quê hương Quảng Bình- người anh hùng của dân tộc Việt Nam tại Đảo Yến, Vũng Chùa.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thắp hương tại mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Tổ quốc, nhân dân luôn biết ơn Mẹ'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO