Tỏa sáng một dòng phim

Từ Khôi 12/02/2021 14:00

NSND Việt Hương không phải là nữ đạo diễn điện ảnh - truyền hình đầu tiên, nhưng số phận đã sắp xếp chị thành nữ đạo diễn của một dòng phim đặc biệt. Dòng phim tài liệu ca nhạc nghệ thuật. Hiện tại, không có ai đeo đẳng dòng phim này ở Việt Nam như chị.

NSND Việt Hương khi đi làm phim Gần lắm Trường Sa.

Duyên định mệnh

NSND Việt Hương là con nhà “nòi” âm nhạc. Bố chị là nhạc sĩ Lê Việt Hòa - Giải thưởng Nhà nước với bài “Gửi em chiếc nón bài thơ” nổi tiếng (phỏng thơ nhà văn Sơn Tùng). Vì mẹ làm giáo viên ở quê nên Việt Hương sống với bố nhiều hơn. Từ thuở bé, khi nghe bố và nhiều ca sĩ, nhạc sĩ đàn hát, Việt Hương đã say mê từ lúc nào không hay.

Năm 13 tuổi, Việt Hương vào học đàn tam thập lục ở Khoa Nhạc cụ cổ truyền của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Tốt nghiệp, chị về làm ca sĩ tại Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam. Khán giả thời đó nhớ chị với bài “Hoa sim biên giới” của nhạc sĩ Minh Quang. Làm được vài năm nhưng ham mê điện ảnh, nên Việt Hương thi vào khoa đạo diễn điện ảnh của trường Đại học sân khấu và điện ảnh Hà Nội .

Chuẩn bị tốt nghiệp, Việt Hương gặp nhạc sĩ Thụy Kha - một người bạn của bố đã viết kịch bản phim ca nhạc “Tìm về những bài ca Hoàng Quý”. Chị đã sản xuất phim này khi thực tập tại Ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam và đã được Huy chương bạc Liên hoan truyền hình toàn quốc.

Cũng năm đó, Việt Hương tiếp tục thực hiện bộ phim tài liệu “Người viết cảm tử quân”. Phim ca ngợi nhạc sĩ Hoàng Quý (1920-1946) tuy cuộc đời ngắn ngủi nhưng với vị trí Trưởng nhóm Đồng Vọng, từ thời kỳ đầu của nền âm nhạc mới mà các thành viên đi theo ông là những tên tuổi như Tô Vũ (Hoàng Phú, em trai Hoàng Quý), Nhạc sĩ Văn Cao, Canh Thân, Phạm Ngữ đã để lại nhiều ca khúc bất hủ. Với giai điệu hùng ca, Hoàng Quý có những bài nổi tiếng như: Trên sông Bạch Đằng, Gọi bạn lên đường, Tiếng chim gọi đàn, Bóng cờ lau, Nước non Lam Sơn, Lời vọng ngàn xưa, Dưới bóng thông xanh, Chiều xuân, Nắng tươi, Cảm tử quân, Sa trường hành khúc… Còn về trữ tình thì có những bài như: Chiều quê, Đêm trăng trên vịnh Hạ Long, Chùa Hương, Cô láng giềng…

“Người viết cảm tử quân” làm với bao khốn khó từ kinh phí vì kinh phí tự túc, không kinh nghiệm nhưng… “như nụ hôn đầu”. Việt Hương ngây ngất, lâng lâng, như bay bổng giữa hai hàng lính tốt đỏ, tốt đen ở kinh đô Huế nhận giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 12 (tổ chức ở Huế 1999). Chưa hết, sau bộ phim này, Việt Hương được nhận vào làm việc tại Ban Văn nghệ Đài truyền hình Việt Nam.

Nhưng cũng vì “Người viết cảm tử quân”, Việt Hương đã cảm nhận nỗi cực nhọc trong nghề. Mải hòa âm phim đến hơn 3 giờ sáng mới xong, để sáng 28 Tết hôm sau kịp nộp phim cho Cục Điện ảnh, nên về nhà lúc nửa đêm gà gáy, chị đã bị chồng giận, suýt nữa thì không mở cửa, còn bảo: “em đi làm phim luôn đi...”.

Thuở bình minh tân nhạc

Khi làm phim tài liệu “Người viết cảm tử quân”, Việt Hương nhận thấy nhạc sĩ Hoàng Quý đã lớn lao là vậy nhưng cũng chỉ là một nhạc sĩ trong lớp “trầm tích” của một thế hệ nhạc sĩ, những cây đại thụ của nền tân nhạc Việt Nam, như: Nguyễn Văn Tuyên, Lê Thương, Doãn Mẫn, Văn Chung, Lê Yên, Đặng Thế Phong, Lưu Hữu Phước, Phan Huỳnh Điểu, Nguyễn Xuân Khoát, Dương Thiệu Tước… Dù vậy, cũng phải mất 10 năm (1999-2009) tích lũy tư liệu, tích lũy vốn nghề. Đặc biệt là có sự hỗ trợ của nhạc sĩ Thụy Kha, chị mới bắt tay thực hiện được bộ phim “Thuở bình minh tân nhạc”.

Làm phim về một thế hệ nhạc sĩ mới đầu thế kỷ 20 vô cùng gian nan. Cái khó là nhiều nghệ sĩ thời đó đã mất. Với những đại thụ còn sót lại, Việt Hương tranh thủ phỏng vấn ngay như nhạc sĩ Doãn Mẫn, Tô Vũ, Nguyễn Văn Thương, danh ca tài tử Ngọc Bảo, nhạc sĩ Phạm Duy. Và những nhà nghiên cứu, hiểu biết về Tân nhạc như Trần Hoàn, GS tiến sĩ Đình Quang…

Việt Hương khổ công tìm kiếm, sưu tầm nhiều tư liệu, từ bản nhạc in bằng bút thép từ năm 1942, các bản nhạc của các tác giả được xuất bản trong những thập niên 1940. GS. Nhạc sĩ Tô Vũ cho biết bài hát “Cùng nhau đi hồng binh” của Đinh Nhu sáng tác năm 1930 không chỉ là bài hát cách mạng đầu tiên mà còn là một trong những bài hát tân nhạc đầu tiên. Nhưng phần ký âm bài hát là sau này do nhạc sĩ Đỗ Nhuận thực hiện.

Bài “Nghề cinema” năm 1935 của nghệ sĩ vilon Trần Ngọc Quang (người ở phố Ngõ Huyện, Hà Nội) có thể coi là bản tân nhạc được ký âm đầu tiên nhưng sai nhiều. Nhà in Đông Tây số 193 Hàng Bông in bài hát này. Bài hát đầu tiên được ký âm chuẩn xác phải là “Một kiếp hoa” của ca sĩ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên và “Bình minh” của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát phổ thơ Thế Lữ. Hai bài hát này được đăng trên báo Ngày nay ra đời vào mùa thu năm 1938. Trong phim cũng nêu ca sĩ hát tân nhạc đầu tiên là Nguyễn Văn Tuyên. Ông nổi tiếng với chuyến biểu diễn xuyên Việt để cổ vũ cho tân nhạc .

Cây đại thụ thuở tân nhạc không thể không nhắc tới là Lê Thương. Đâu chỉ nổi tiếng với bộ ba “Hòn vọng phu”, Lê Thương còn là người có công dìu dắt nhóm Đồng Vọng.

Mùa thu nổi tiếng trong tân nhạc như “Buồn tàn thu” của Văn Cao; Đêm thu, Giọt mưa thu, Con thuyền không bến của Đặng Thế Phong (1918-1942) gửi gắm bao nhiêu nỗi niềm, bao nhiêu tâm sự. Tất nhiên, mùa Đông Hà Nội cũng trở nên nổi tiếng qua ca khúc “Đêm đông” của nhạc sĩ xứ Huế Nguyễn Văn Thương.

Thế hệ nhạc sĩ ba miền đi vào lịch sử tân nhạc Việt Nam không thể không kể đến như: Cao Hồng Lãnh, Vương Gia Khương, Hoàng Văn Thái, Đỗ Nhuận, Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Doãn Mẫn, Văn Chung, Lê Yên, Thái Thị Lan, Võ Đức Thu, Phan Huỳnh Điểu, La Hối, Dương Minh Minh, Lê Trọng Nguyễn, Huỳnh Tú Mỹ, Văn Giảng, Ngô Lanh, Phạm Duy…

Trong thế hệ đó, Văn Cao vụt lớn với những hùng ca hùng tráng, mà đỉnh cao là bài Tiến quân ca - Bài ca sau đó đã trở thành Quốc ca.

Đền đáp lại lòng yêu nghề, sự khổ công của ê kíp, “Thuở bình minh tân nhạc” giành giải Cánh diều Vàng 2009. Thời điểm đó một đạo diễn truyền hình được giải phim điện ảnh của một hội nghề nghiệp là điều rất hiếm.

Rạng rỡ phim tài liệu ca nhạc nghệ thuật

Từ tân nhạc, Việt Hương ngược tìm nét vàng son trong quá khứ. “Sênh phách rền vang” như một pho sử bằng hình về nghệ thuật ca trù. Phim có những đoạn xúc động ghi lại hình ảnh biểu diễn của NSND Kim Đức, của nghệ nhân Nguyễn Thị Liệu ở Quảng Bình. Một số canh hát cửa đình, hát ca quán công phu được phục dựng. Việt Hương nói: “Nghệ thuật ca trù muốn bảo tồn được thì phải phụ thuộc vào thế hệ trẻ. Mà muốn lớp trẻ yêu ca trù thì không có cách gì ngoài việc chúng ta phải làm cho lớp trẻ hiểu được, thấy được vẻ đẹp của ca trù”.

“Vọng nguyệt” cũng là phim mang dấu ấn vàng son quá khứ. Từ những làn điệu dân ca, ca dao, thậm chí thơ mới của Nguyễn Bính, những bài tân nhạc… Việt Hương đã làm sống lại vẻ đẹp công dung ngôn hạnh của người phụ nữ Việt Nam tảo tần lo cho chồng - sĩ tử được đầy đủ điều kiện để học, đi thi và đỗ đạt, vinh quy về làng…

Bên cạnh chủ đề nghiêng về nét đẹp văn hóa dân tộc, Việt Hương còn chú ý đến chủ đề anh hùng cách mạng, gìn giữ biển đảo, biên cương. Đó là những phim như Khát vọng bình yên, Cây đàn Điện Biên, Tình không biên giới, Tình Biên cương và Gần lắm Trường Sa…

Để có được 40 phút phim “Gần lắm Trường Sa”, cả ê kíp phải lênh đênh trên đại dương mười mấy ngày dưới cái nóng như chảo lửa toàn trên 40 độ để đến các đảo trên quần đảo Trường Sa. Nhiều hôm làm việc từ 4h sáng đến 11h đêm. Ai cũng bị say sóng. Nhưng tình yêu nghề đã vượt lên tất cả. Ai cũng nhanh chóng tranh thủ tác nghiệp như phóng viên thời sự. Bộ phim ca nhạc Gần lắm Trường Sa nói về tình quân dân của người hậu phương với người lính đảo do ca sĩ Khánh Hòa thể hiện đã giành được Huy chương Vàng tại Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2012.

“Khát vọng bình yên” cho Việt Hương những trải nghiệm quý báu về nghề. Đại cảnh bom rơi, đạn nổ, bắn đạn thật, dàn trận như thật là chuyện chưa từng có ở phim ca nhạc truyền hình. Một số cảnh quay ngược sáng tạo càng làm tôn thêm vẻ đẹp lãng mạn, anh hùng ca…

Vinh quang đôi khi đến cùng đau buồn. “Cây đàn Điện Biên” – phim kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ca ngợi trí thức Hà Thành tham gia chiến dịch, đang làm dở thì bố Việt Hương qua đời. Sau đó, dù phim giành Huy chương Vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc và giải VTV Awarts lần thứ nhất do khán giả bình chọn là phim xuất sắc ở thể loại Văn hóa xã hội, Tài liệu khoa học và Giáo dục nhưng chị vẫn chưa thể nguôi ngoai thương bố…

Còn “Tình không biên giới” đến nay vẫn là bộ phim về văn hóa, nghệ thuật ca múa nhạc duy nhất về mối quan hệ Việt – Lào. Phim làm nhân dịp kỷ niệm 55 năm quan hệ hữu nghị hai nước đã gắn kết keo sơn chia ngọt sẻ bùi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ đến ngày hôm nay.

14 bộ phim với 7 giải Vàng, 7 giải Bạc và 2 giải xuất sắc nhất do khán giả bình chọn qua các cuộc liên hoan có lẽ sẽ có nữ đạo diễn khác đạt tới. Nhưng cái chính là có ai sẽ làm các phim theo một dòng tài liệu nghệ thuật ca nhạc như NSND Việt Hương?...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tỏa sáng một dòng phim

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO