Trong số 3 nhà khoa học Việt Nam được vinh danh lần này, PGS Trần Xuân Bách (Đại học Y Hà Nội) là nhà khoa học của Việt Nam duy nhất có mặt trong top 10 nhà khoa học đầu bảng (xếp hạng 3), lĩnh vực Y học cộng đồng. Ông chính là PGS trẻ nhất Việt Nam ở tuổi 32 vào năm 2016 với hơn 300 bài báo trên các tạp chí quốc tế được đánh giá cao về khoa học sức khỏe toàn cầu. Còn PGS.TS Phùng Văn Phúc, Đại học Công nghệ TPHCM xếp hạng 958, lĩnh vực Kỹ thuật cơ khí và Hàng không vũ trụ. PGS Phúc là nhà khoa học Việt quen thuộc trong các bảng xếp hạng thế giới, ông có 4 năm liền vào danh sách 100.000 nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới. Và PGS.TS Lê Hoàng Sơn - Đại học Quốc gia Hà Nội, xếp hạng 190, lĩnh vực Khoa học máy tính. Ông lọt vào top 10.000 nhà khoa học xuất sắc của thế giới trong 3 năm liên tiếp 2019, 2020, 2021
Đợt xếp hạng lần này, Research.com đã xem xét dữ liệu của 166.880 nhà khoa học có nhiều công bố và trích dẫn hàng đầu thế giới.
Cùng thời điểm này, nhóm GS Đại học Stanford (Mỹ) cũng công bố một xếp hạng 10.000 nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới, trong đó Việt Nam có 37 người. Còn với bảng xếp hạng 100.000 nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới theo thành tựu trọn đời, Việt Nam có 7 nhà khoa học, gồm: GS Nguyễn Minh Thọ (Trường Đại học Tôn Đức Thắng), Trần Tịnh Hiền (Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford), GS Nguyễn Xuân Hùng (Trường Đại học Công nghệ TPHCM), GS Nguyễn Đình Đức (ĐHQG Hà Nội), PGS Lê Hoàng Sơn (ĐHQG Hà Nội), cố GS Hoàng Tụy (Viện Toán học) và GS Nguyễn Bá Ân (Viện Vật lý và điện tử, Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam).
Không như những người thường được gọi là “người của công chúng”, các nhà khoa học chân chính đều làm việc âm thầm, ít người biết đến. Họ đi trên con đường hẹp và cũng không mong gì sự nổi tiếng hay là tiền tài vật chất và cũng chính vì sự hy sinh ấy mà họ đã thành công.
Vào khoảng cuối năm 2021, khi tạp chí PLoS Biology công bố danh sách 100.000 nhà nghiên cứu có trích dẫn khoa học hàng đầu thế giới, trong đó có GS Nguyễn Đình Đức. Nói với báo chí, ông tâm sự mình hoàn toàn bất ngờ vì thực sự làm khoa học không ai nghĩ đến việc để xếp hạng. Theo bảng xếp hạng này có 28 nhà khoa học người Việt đang công tác tại Việt Nam có ảnh hưởng nhất trong năm 2021. Điều đó cho thấy kết quả đáng mừng về sự lớn mạnh và chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học của Việt Nam. GS Đức cũng cho biết, nếu cách đây 15-20 năm, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam đứng gần như cuối cùng trong khu vực Đông Nam Á thì tính đến năm 2020, công bố quốc tế của Việt Nam đã đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN (chỉ sau Singapore và Malaysia), đứng thứ 49 trên thế giới.
Tuy nhiên, GS Đức cũng cho rằng khi chúng ta quan tâm và triển khai nhiều chính sách cho khoa học công nghệ (tỷ lệ đầu tư của Việt Nam chỉ khoảng 0,6% GDP) thì thành tựu sẽ đến nhiều hơn vì khoa học công nghệ giữ vai trò là động lực cho sự phát triển của đất nước.
Với câu hỏi làm thế nào để các công trình nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học Việt Nam không để “ngăn kéo”? GS Đức nói rằng muốn thế thì phải có sự đồng hành của doanh nghiệp theo mô hình “4 nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà khoa học và Doanh nghiệp. Đồng thời, phải đổi mới cách thức giao và đặt hàng các đề tài khoa học; phải hướng tới thực tiễn và phục vụ thực tiễn.
Tự hào về thành tựu của các nhà khoa học Việt Nam, nhưng cùng đó là mong ước “bệ đỡ” cho họ phát huy tài năng trí tuệ. Từ lâu, nhiều nhà khoa học đã nói về niềm tin. Bất luận tuổi tác, họ cần được tin tưởng, được giao việc, có môi trường tốt để cống hiến.
Trí tuệ của người Việt Nam đã được thế giới ghi nhận. Du học sinh Việt Nam luôn đạt thành tích cao, kể cả tại các nước có nền giáo dục, khoa học tiên tiến. Vấn đề còn lại là chiến lược đầu tư ra sao ra sao, môi trường làm việc thế nào để các nhà khoa học, đặc biệt là người trẻ vững niềm tin dấn thân trên con đường nghiên cứu, phát minh đầy nhọc nhằn. Vì rằng, như người ta vẫn nói, làm khoa học chân chính là lữ khách độc hành trên con đường hẹp. Những bộ óc tài năng âm thầm cống hiến...