Tổn thương đến từ đại dịch

Xuân Mai 13/09/2020 09:00

Đại dịch Covid-19 tuy vẫn hoành hành nhưng bước đầu đã được kiểm soát tại một số quốc gia. Nhưng cú sốc do nó gây ra thì vẫn còn đó, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, từ đó dẫn tới nạn thất nghiệp và nghèo đói.

Số người thất nghiệp vẫn không giảm khi mà các nền kinh tế vẫn đóng cửa.

Báo cáo của Liên hợp quốc, trong quý II/2020, có tới 195 triệu người trên khắp thế giới mất việc do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh Covid-19, “nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái với tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói cao chưa từng có trong lịch sử”.

Kể từ tháng 12/2019, khi Covid-19 xuất hiện tại Vũ Hán (Trung Quốc), nó đã như một bóng ma đe dọa loài người. Tuy nhiên, vài tháng sau đó, châu Âu và nhất là Mỹ vẫn chủ quan. Họ tự tin vào hệ thống y tế mạnh mẽ của mình và cũng không lường tới mức độ lây lan của nó vượt qua các dại dương. Vì vậy, có thể coi là mốc thời gian từ tháng 4/2020, chính các quốc gia hùng hậu đã phải nếm vị chua cay khi tăng trưởng kinh tế suy giảm rõ rệt, nạn thất nghiệp bắt đầu.

Tiếp đó, cho tới tận tháng 9/2020, kinh tế toàn cầu càng lún sâu vào sụt giảm, trong đó nền kinh tế hàng đầu thế giới là Hoa Kỳ bị tổn thương nặng nề.

Kênh CNBC trích dẫn dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ (DOL) cho hay, số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại nước này lên tới hơn 7,1 triệu (tháng 9), nâng số lượng đơn xin trợ cấp vượt quá 40 triệu, có nghĩa là tương đương so với cuộc đại suy thoái (1929-1933). Theo các chuyên gia, cuộc khủng hoảng lần này đã cướp đi việc làm của khoảng 20,6% tổng số lao động nước Mỹ - con số cao nhất kể từ năm 1934; trong khi nạn thất nghiệp chỉ hai lần vượt quá 10%, vào năm 1982 và 2009.

Một báo cáo của Tổ chức Lao động thế giới cho rằng Covid-19 đẩy thế giới vào cuộc “khủng hoảng chưa từng thấy” từ sau thế chiến thứ II, ảnh hưởng đến 80% người trong tuổi lao động trên thế giới. 1,25 tỷ người lao động trên toàn cầu bị đe dọa mất việc và giảm lương.

Trở lại với nước Mỹ, Bộ Lao động nước này cho biết chỉ trong tuần cuối cùng của tháng 8/2020 đã ghi nhận thêm 881.000 người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Nhưng đó liệu đã phải là con số đáng tin cậy? Mark Hamrick- nhà phân tích kinh tế cấp cao của trang Bankrate.com, cho rằng: “Thực tế, đây là những con số tượng trưng vì chúng ta sẽ còn chứng kiến tình trạng mất việc làm trong những tuần và tháng tới”.

Để chứng minh, M.Hamrick dẫn con số từ một báo cáo của Công ty Tư vấn việc làm và đào tạo Challenger, Gray & Christmas công bố hôm 3/9 cho thấy tình hình cắt giảm việc làm tại Mỹ từ đầu năm tới thời điểm hết tháng 8 đã tăng vọt: Tổng cộng có 29,2 triệu người Mỹ nhận trợ cấp thất nghiệp vào cuối tháng 8.

Theo ông Greg Jensen - đồng Giám đốc phụ trách thông tin của Công ty Quản lý đầu tư Bridgewater Associates (Mỹ), để có thể phục hồi, Chính phủ cần bơm tiếp khoảng 1.700 tỷ USD vào nền kinh tế. “Cách hỗ trợ trực tiếp này sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt, thay vì chỉ dùng những gói hỗ trợ để ngăn chặn các tác động tiêu cực có thể xảy ra” - ông G.Jensen nhận xét.

Còn tại châu Âu, tuy rằng Covid-19 không còn quá dữ dội nhưng sự ngưng trệ của nền kinh tế vẫn hiện hữu. Thực tế ấy được phản ánh qua những con số thống kê về tỷ lệ thất nghiệp, tăng trưởng kinh tế âm tại nhiều nước. Mạng lưới nợ tiêu dùng châu Âu (ECDN) ước tính 10% hộ gia đình trong Liên minh châu Âu “đang có vấn đề”. Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chính sách Bruegel (Bỉ) cho biết gần 1/3 hộ gia đình châu Âu đã không đủ tiền cho các chi phí phát sinh. Các hộ gia đình tại các quốc gia Nam Âu thậm chí còn khó khăn hơn.

Vấn đề đặt ra đâu là lối thoát? Trước tiên, người ta hy vọng cơn bão dịch Covid-19 sớm đi qua và vaccine đặc chủng sớm có. Và trên hết, giới chuyên gia kinh tế cho rằng cho dù dịch bệnh vẫn còn thì cũng không thể tiếp tục đóng cửa biên giới giữa các quốc gia. Vì rằng sự phụ thuộc lẫn nhau của các nền kinh tế là rất lớn. Thực tế ấy cho thấy trong khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn tiếp đưa ra khuyến cáo đại dịch thì nhiều quốc gia vẫn đành phải gỡ bỏ phong tỏa, giãn cách để vực dậy nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tổn thương đến từ đại dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO