Tôn vinh các tài năng nghệ thuật tuồng và dân ca kịch

Minh Quân 31/10/2020 10:00

Sau 7 ngày so tài, Cuộc thi “Tài năng diễn viên tuồng và dân ca kịch toàn quốc 2020” chính thức khép lại bằng lễ bế mạc và trao giải, tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định.

BTC trao Huy chương Vàng cho các diễn viên xuất sắc.

Sau 7 ngày diễn ra sôi nổi với 41 trích đoạn đến từ 6 đơn vị tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp trên cả nước, các nghệ sĩ đã mang đến sân khấu tình yêu nghề nồng cháy, thắp lên ánh sáng huyền diệu của hình tượng tuồng, hình tượng dân ca kịch dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng cùng với những sáng tạo tuyệt vời để làm cho các trích đoạn sinh động, hấp dẫn lôi cuốn người xem.

Hội đồng Giám khảo gồm 5 thành viên là những nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, quản lý nghệ thuật có uy tín, tài năng và có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn đã đánh giá một cách công tâm, hiểu biết và thẩm thấu, có cả tranh luận để đi tới sự thống nhất về định hướng chính thống và chất lượng nghệ thuật của từng trích đoạn.

Trong khuôn khổ Liên hoan, BTC đã phát động các đại biểu, nghệ sĩ, nhân dân tỉnh Bình Định chung tay, chia sẻ khó khăn với bà con vùng lũ. Tại Lễ bế mạc, BTC đã công bố số tiền thu được là 9.383.000 đồng, gửi tặng Ủy ban MTTQ tỉnh Bình Định để chuyển tới người dân miền Trung.

Phát biểu Tổng kết, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật đã ghi nhận, ở mảng đề tài truyền thống được các đơn vị nghệ thuật tuồng đầu tư khá kỹ. Nhiều trích đoạn được khai thác dựa vào các yếu tố cơ bản của nghệ thuật đậm chất tự sự, kịch tính, trữ tình. Những yếu tố này là cơ sở để cho nghệ thuật biểu diễn phát huy được sức mạnh tổng hợp của thanh - sắc - thục - tinh - khí - thần. Người nghệ sĩ cùng một lúc vừa diễn vừa tả nhân vật, có lúc nhập hồn thắp sáng ngọn lửa sáng tạo, đánh thức cảm xúc của khán giả, vươn tới giá trị chân - thiện - mỹ.

Qua các trích đoạn Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Nhị khí Chu Du, Kỷ Lan Anh lạc đẻ, Lỗ Lâm đề cơ, Kim Lân qua đèo, Đào Tam Xuân đề cơ, Chung Vô Diệm… ở mảng đề tài lịch sử - dân gian, có nhiều tiết mục đã biết khai thác thế mạnh của tính tự sự, trữ tình để phô diễn tài năng. Về mảng đề tài hiện đại, đây là thế mạnh của nghệ thuật dân ca kịch. Với những trích đoạn “Đồng đội”, “Vì nghĩa quên thân”, “Trạm xá tiền phương”, “Đứa bé tìm mẹ”, “Một mạng người”, “Chuyện tình bên dòng sông Thu”, “Đôi dòng sữa mẹ”… đã tạo nên một sắc màu sinh động cho cuộc thi.

Diễn viên Kim Ngân (Nhà hát Tuồng Việt Nam) trong vai Nguyệt Cô, trích đoạn Nguyệt Cô hóa cáo.

Sân khấu là nghệ thuật tổng hợp có nhiều yếu tố hợp thành. Thành công của các trích đoạn trong cuộc thi (ngoài tìm chọn trích đoạn mẫu mực có đất diễn) một điều quan trọng nữa phải kể đến dàn nhạc phối hợp. Chúng ta thấy dàn nhạc của các đơn vị nghệ thuật đã ngày đêm phục vụ đắc lực để những làn điệu truyền thống và sáng tác mới bay bổng.

Bên cạnh đó, NSND Lê Tiến Thọ cũng chỉ ra những hạn chế trong cuộc thi lần này. Đó là, trong Quy chế chấm thi và khen thưởng, BTC đã đề ra là phải hát đúng và chuẩn các làn điệu, không chênh phô, phải tròn vành rõ chữ và có sức truyền cảm, kết hợp nhuần nhuyễn, tinh tế hành động tâm lý và hình thể. Bộc lộ rõ tình cảm, tính cách, hình tượng nhân vật và có những tìm tòi, sáng tạo mới lạ độc đáo trong việc thể hiện kỹ thuật biểu diễn để hình tượng nhân vật đạt hiệu quả cao. Về sáng tạo mới của các thí sinh trong cuộc thi này BGK chưa phát hiện được trích đoạn của thí sinh nào có sáng tạo mới. Cũng có một số chi tiết thêm thắt của các thầy và cách biểu diễn của các thí sinh nhằm “thêm mắm thêm muối” trong một số trích đoạn.

Diễn viên Trần Tuấn Hiệp (Nhà hát Tuồng Việt Nam) trong vai Kim Lân, trích đoạn Kim Lân qua đèo.

Bên cạnh đó trong cuộc thi còn bộc lộ một số thiếu sót trong dàn dựng biểu diễn. Vấn đề đầu tiên đó là diễn tả tính chân thực. Một số tình tiết được diễn trong trích đoạn còn khá đơn giản, diễn viên thể hiện cái đau không chân thật do không có sự chuẩn bị về yếu tố chân thật. Về xử lý không gian, thời gian trên sân khấu cũng chưa được quan tâm. Câu chuyện được diễn ban đêm nhưng hành động, động tác như giữa ban ngày. Về yêu cầu hát và nói tròn vành rõ chữ như trong quy chế đã nêu nhưng trong cuộc thi có những thí sinh nói rất khó nghe. Có trích đoạn vẫn còn giữ rất nhiều câu Hán Việt chưa chuyển ngữ làm khán giả ngồi xem rất khó hiểu. Trong khi đó có một số trích đoạn dùng kèn, trống tạo không khí nhưng không biết tiết chế làm cho trích đoạn ồn ào căng thẳng không đáng có.

Đồng thời, NSND Lê Tiến Thọ cũng đưa ra những kiến nghị về các cuộc thi tài năng trẻ sân khấu như cần nâng cao tính sáng tạo, thi tài năng trẻ sắp tới, ngoài những trích đoạn đăng ký dự thi nên có những bài thi bắt buộc ngoài các vai diễn truyền thống đã được học kỹ. Trong cuộc thi diễn viên phải bốc thăm để thể hiện một số trích đoạn mẫu theo quy định. Mỗi một trích đoạn mẫu này được biểu diễn trong 15 phút để bộc lộ tài năng. Chứ cuộc thi tài năng hiện nay, diễn viên đang trả bài đã học từ các thầy mà thiếu đi nhiều tính sáng tạo mới, hạn chế tính đa dạng vì chỉ thể hiện mỗi một nhân vật; Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VHTTDL cần xây dựng kế hoạch tập huấn nâng cao tay nghề cho các diễn viên theo từng loại hình nghệ thuật ở cấp toàn quốc và khu vực.

BTC đã trao các giải thưởng gồm: 6 HCV, 14 HCB, 1 giải diễn viên xuất sắc và 4 giải phụ.

Trong đó, 6 HCV được trao cho diễn viên Quỳnh Liên (Nhà hát Tuồng Việt Nam); Thành Việt, Thái Anh (Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Bình Định); Kim Thoa, Sơn Hà (Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Khánh Hòa); Linh Giang (Đoàn ca kịch Quảng Nam).

Giải thưởng diễn viên xuất sắc được trao cho Trần Tuấn Hiệp (Nhà hát Tuồng Việt Nam).

Bên cạnh đó Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng trao tặng phần thưởng và Bằng khen cho 7 diễn viên ấn tượng tham gia cuộc thi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tôn vinh các tài năng nghệ thuật tuồng và dân ca kịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO