Ngày 5/11, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022 - 2023.
Việc tổ chức Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần cổ vũ, tôn vinh, biểu dương và tiếp thêm động lực cho những người làm báo cả nước, kịp thời phát hiện, đấu tranh, lên án những hiện tượng, hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh; ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Trưởng ban Chỉ đạo Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các vị Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và TP. Hà Nội, các cơ quan thông tấn báo chí, các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm được trao Giải.
Vinh danh 54 tác phẩm báo chí xuất sắc
Kể từ khi chính thức phát động vào năm 2017, Giải Báo chí toàn quốc "Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí" (nay là Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực) đã nhận được sự quan tâm và tham gia tích cực của phóng viên các cơ quan báo chí và nhân dân.
Trong mùa giải thứ tư, Ban Tổ chức Giải đã nhận được 1.078 tác phẩm dự thi hợp lệ của 4 thể loại: Báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình của trên 100 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương. Theo đánh giá của Ban Tổ chức Giải, các tác phẩm tham dự năm nay đã bám sát với chủ đề và tiêu chí Thể lệ Giải. Nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, tính phát hiện cao, thể hiện sự dấn thân, đeo bám tới cùng vụ việc tham nhũng, tiêu cực của các nhà báo, tạo hiệu ứng tác động xã hội rất lớn, đem lại hiệu quả tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua những đề tài khá phong phú, sinh động theo phong cách làm báo hiện đại, phản ánh toàn diện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ Trung ương đến các địa phương.
Tại chương trình, Ban Tổ chức Giải đã trao 4 Giải A; 10 giải B; 12 giải C; 28 giải Khuyến khích cho các tác giả, nhóm tác giả của 54 tác phẩm báo chí xuất sắc. 4 giải A được trao gồm loạt bài 5 kỳ: Vụ phá rừng tự nhiên ở Bắc Kạn, tác giả Nguyễn Hồng Nguyên đăng trên Báo Bảo vệ pháp luật; Loạt bài 5 kỳ: Ngang nhiên "phân lô" mua bán đất nghĩa trang trái phép tại Hà Nội của nhóm tác giả: Nguyễn Quán Tuấn, Trần Văn Quốc, Quách Hà Đương đăng trên Báo điện tử Nhà báo và Công luận; Loạt 3 bài: Thuốc nào trị "bệnh sợ sai"? của nhóm tác giả: Nguyễn Thị Tuyết Mai, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Lại Thị Hoa phát sóng trên kênh VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam; Tác phẩm phim tài liệu: Không lùi bước của nhóm tác giả: Nguyễn Nhật Duy, Phan Ý Linh phát sóng trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam.
Tác phẩm loạt 3 bài: Dự án "khủng" hành dân của nhóm tác giả Hồ Xuân Hoàng, Đặng Thị Hạnh, Đặng Viết Sơn - báo Đại Đoàn Kết được trao Giải Khuyến kích Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023.
Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và báo chí
Phát biểu tại Lễ trao giải, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước ta, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai với quyết tâm chính trị cao, ngày càng quyết liệt theo phương châm kiên quyết, kiên trì, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, được dư luận quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, công tác thông tin truyền thông về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng được đẩy mạnh với nhiều nội dung, biện pháp và các giải pháp hết sức phong phú và hiệu quả. Nổi bật là duy trì thường xuyên Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và sau ba năm đã được tổ chức thành công rất tốt đẹp. Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022 - 2023 là hoạt động nhằm nâng cao và phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của báo chí, của MTTQ Việt Nam và các tầng lớp nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; góp phần cổ vũ, tôn vinh, biểu dương và tiếp thêm động lực cho những người làm báo cả nước kịp thời phát hiện, đấu tranh, lên án những hiện tượng, hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Với 1.078 tác phẩm từ 121 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương, giải báo chí quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, tiếp tục khẳng định uy tín, vị thế, sức lan tỏa, thu hút sự quan tâm, tham gia đông đảo từ các cơ quan báo chí, phóng viên, nhà báo trong cả nước. Các tác phẩm tham dự đã phản ánh sinh động, trung thực, khách quan về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, nhất là công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Nhiều tác phẩm báo chí có nội dung sâu sắc, được thể hiện công phu, sáng tạo, có sức lan tỏa và hiệu ứng cao trong xã hội. Từ những thông tin do báo chí và nhân dân phản ảnh đã giúp cho các cơ quan chức năng phát hiện, điều tra và xử lý nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm. Qua đó, báo chí đã góp phần quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hoàn thiện thể chế, chính sách, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh, nâng cao hình ảnh và vị thế đất nước trên trường quốc tế.
"Có thể thấy, đằng sau những tác phẩm báo chí được Ban tổ chức Giải vinh danh hôm nay là tinh thần lao động đầy trách nhiệm, là sự dấn thân, là bản lĩnh của các nhà báo với quyết tâm đưa ra ánh sáng và công luận những vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Các nhà báo thường xuyên phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, những cám dỗ về vật chất, thậm chí bị đe dọa cả về tinh thần. Điều đó đòi hỏi mỗi nhà báo không chỉ có năng lực, nghiệp vụ chuyên môn sâu mà cần có đạo đức trong sáng, bản lĩnh vững vàng để vượt qua khó khăn, nguy hiểm, tạo ra những tác phẩm báo chí có giá trị, đóng góp thiết thực cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực", ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và các cơ quan, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam đã tổ chức giải báo chí có ý nghĩa này. Đồng thời nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng các tác giả, nhóm tác giả của 54 tác phẩm xuất sắc nhất được biểu dương, tôn vinh tại lễ trao giải hôm nay.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, tăng cường hơn nữa vai trò xung kích, tiên phong của báo chí trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước để báo chí cách mạng Việt Nam hoạt động đúng định hướng, tham gia tích cực, có hiệu quả vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội của báo chí, người dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ của đảng viên và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phản ánh và phê phán mạnh mẽ tình trạng đùn đẩy, thoái thác, sợ trách nhiệm, không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Cùng với đó cần tăng cường phối hợp và đồng hành giữa giữa MTTQ Việt Nam với các cấp, các ngành, các cơ quan báo chí nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thông tin, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; từng bước xây dựng văn hóa tiết kiệm, văn hóa liêm chính, không tham nhũng, lãng phí. Trước hết, trong cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, chú trọng tăng cường sự đồng thuận xã hội, tạo sự gắn bó khăng khít giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm xã hội của đội ngũ những người làm báo trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực; chú trọng tuyên truyền gương người tốt, việc tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đề cao báo chí giải pháp, báo chí kiến tạo để kịp thời đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, khắc phục vướng mắc với những kẽ hở của chính sách pháp luật, xử lý căn cơ, tận gốc, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đề nghị, các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà báo, của hội viên trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức về trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo đối với công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đồng thời có cơ chế khen thưởng, khích lệ, động viên, tôn vinh kịp thời, xứng đáng với cơ quan báo chí, những người làm báo có tinh thần dấn thân, đóng góp tích cực, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục đổi mới công tác tổ chức trao giải báo chí phòng, chống tiêu cực để các nhà báo có điều kiện tham gia tích cực hơn, với nhiều tác phẩm chất lượng, tạo hiệu ứng trong xã hội, góp thêm sức mạnh trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tin tưởng, Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín, nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo các cơ quan báo chí, các nhà báo và nhân dân cả nước, đóng góp tích cực vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn.