Tổng kết 20 năm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Ninh Bình

Nguyễn Chung 12/05/2023 17:45

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khẳng định: Có được kết quả như vậy là do có được sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp ở địa phương, cơ sở, cùng với đó là sự phối hợp, tạo điều kiện của HĐND, UBND và tổ chức thành viên các cấp trong triển khai công tác Mặt trận nói chung và việc tổ chức Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” nói riêng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong 20 năm qua.

Chiều ngày 12/5, tại TP Ninh Bình, Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Bình đã tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”, giai đoạn 2003 - 2023. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã về dự và chỉ đạo hội nghị.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam dự và chỉ đạo hội nghị tại Ninh Bình.

Trong phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Văn Kiên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Bình khẳng định: Qua 20 năm tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả to lớn. Ngày hội đã góp phần tích cực xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ VN và các đoàn thể nhân dân trong tỉnh ngày càng vững mạnh.

Ông Lê Văn Kiên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Bình báo cáo tổng kết 20 năm Ngày hội Đại đoàn kế toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh có trên 2.000 nhà Đại đoàn kết được xây mới và bàn giao cho các hộ gia đình nhân dịp tổ chức ngày hội; gần 1.000 căn nhà được sửa chữa; các chi hội khuyến học, dòng họ khuyến học trao tặng quà khuyến học cho các em học sinh có thành tích trong học tập. Ngoài ra, còn có 484 người đã hiến tặng giác mạc khi qua đời, 15.000 người đăng ký hiến tặng giác mạc (Ninh Bình là tỉnh dẫn đầu cả nước về hiến giác mạc, 2 người hiến mô tạng)…

Ông Đỗ Việt Anh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Bình đề nghị các cấp, các ngành, các tổ chức thành viên của Mặt trận tiếp tục nỗ lực để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Từ việc tổ chức Ngày hội, tinh thần đoàn kết, gắn bó, tương thân, tương ái của các tầng lớp nhân dân tại cộng đồng dân cư được củng cố và phát huy, thực hiện tốt các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, khơi dậy tinh thần tự chủ, tự giác của nhân dân địa phương trong xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp ở khu dân cư, đấu tranh, phê phán các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, các tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, củng cố tình đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm ở địa phương góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội của địa phương, của tỉnh.

Đại biểu phát biểu tham luận tại hội nghị.

Hằng năm, toàn tỉnh có trên 1.500 tập thể và trên 100.000 cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu được biểu dương tại Ngày hội. Tính đến hết năm 2022, có 7/8 huyện, thành phố của tỉnh đã đạt chuẩn NTM. Nhiều mô hình tự quản có hiệu quả trong nhân dân được xây dựng, nhân rộng... Nhiều nhà văn hóa ở khu dân cư (thôn, xóm, phố) được phát huy hiệu quả trở thành nơi để gắn kết tình làng, nghĩa xóm ở địa phương thông qua các hoạt động tập luyện thể dục thể thao, giao lưu văn hóa, văn nghệ,... góp phần giảm tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống văn minh của cộng đồng dân cư ở địa phương. Việc tổ chức Ngày hội ở khu dân cư trong 20 năm qua đã từng bước khẳng định vị trí, vai trò của MTTQ các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân đoàn kết, thi đua yêu nước và phát huy vai trò chủ thể của người dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tại hội nghị, các đại biểu đã lắng nghe nhiều ý kiến phát biểu tham luận. Hầu hết các ý kiến đều ghi nhận và đánh giá cao những hiệu ứng xã hội, có tác động trực tiếp, tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội mà ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đem lại trong suốt thời gian qua.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng biểu dương thành tích mà MTTQ các cấp tại Ninh Bình đã đạt được trong 20 năm thực hiện Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đã bày tỏ niềm vui và chúc mừng những kết quả mà Ninh Bình đã đạt được thông qua việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết trong suốt 20 năm qua. Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng khẳng định: Để đạt được kết quả như vậy là do có được sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp ở địa phương cơ sở, cùng với đó là sự phối hợp, tạo điều kiện của HĐND, UBND và tổ chức thành viên các cấp trong triển khai công tác Mặt trận nói chung và việc tổ chức Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” nói riêng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong 20 năm qua.

Ông Đỗ Việt Anh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Bình tặng bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong 20 năm chỉ đạo, tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị: UBMTTQ các cấp tại Ninh Bình cần làm tốt hơn một số nội dung như: Vai trò tham mưu giúp Thường trực Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam, về trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; về giá trị và ý nghĩa thực tiễn của Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” để cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thức rõ được trách nhiệm của mình, chủ động tham gia triển khai Chương trình phối hợp, thống nhất hành động của MTTQ Việt Nam và hoạt động của Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” tại địa phương; Tăng cường củng cố và phát huy vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đề cao vai trò làm chủ của Nhân dân, tinh thần tự quản của cộng đồng trong tổ chức Ngày hội nói riêng và tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thị đua yêu nước nói chung.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam các cấp cần chủ động đề xuất giải pháp mới, tạo điểm nhấn tích cực trong tổ chức, lựa chọn chủ đề hằng năm phù hợp để Ngày hội trở nên hấp dẫn, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia, góp phần quan trọng, tạo động lực thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng tại các địa phương; MTTQ các cấp cần bám sát yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, hàng năm xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức Ngày hội trên những địa bàn có tính chất đặc thù, địa bàn có đông đồng bào tôn giáo, vùng đồng bào dân tộc, địa phương còn nhiều khó khăn. Đa dạng hình thức huy động nguồn lực hỗ trợ cho các địa phương tổ chức Ngày hội; chú trọng phát hiện, tôn vinh và biểu dương những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp, các mô hình hữu ích cho cộng đồng... làm cơ sở thu hút, tập hợp và phát huy các giá trị trong tổ chức Ngày hội tại mỗi địa phương.

Ghi nhận sự đóng góp cho thành công chung, nhân dịp này, UBND tỉnh, UBMTTQ tỉnh Ninh Bình đã trao tặng bằng khen cho 20 tập thể và 30 cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong 20 năm chỉ đạo, tổ chức Ngày hội. Đây là những điển hình, những cách làm hay cần tiếp tục được nhân rộng trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Đỗ Việt Anh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Ninh Bình khẳng định, trong 20 năm qua, MTTQ các cấp trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực tổ chức thành công Ngày hội, từng bước để Ngày hội trở thành kỳ sinh hoạt chính trị - xã hội sâu rộng ở cộng đồng dân cư, là nét đẹp văn hóa truyền thống, là mái nhà chung của ngôi nhà đại đoàn kết, đưa công tác Mặt trận về với cộng đồng dân cư, hướng đến từng gia đình và mỗi người dân.

Trong thời gian tới, ông Đỗ Việt Anh đề nghị các cấp, các ngành, các tổ chức thành viên của Mặt trận bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của địa phương, của ngành và kế hoạch công tác hàng năm của MTTQ các cấp, quan tâm phối hợp, tạo điều kiện để tổ chức Ngày hội được tổ chức thành công và đi vào nề nếp hơn nữa, trọng tâm là 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong dự thảo báo cáo và ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đã phát biểu chỉ đạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tổng kết 20 năm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại Ninh Bình