Tổng thống Jacques Chirac (1932-2019): Nhân vật khổng lồ của nền chính trị Pháp

Tuấn Tú - Hoành Oanh 27/10/2019 12:10

Một lần, khi trả lời phỏng vấn cho tờ báo Anh Financial Times về việc ai trong số các nhà lãnh đạo quốc gia trên thế giới mà ông khâm phục hơn tất cả, tổng thống Nga Vladimir Putin đã đáp, đó là Piotr Đại đế. Khi nhà báo đế vào là “Nhưng Piotr Đại đế đã qua đời lâu rồi” thì người đứng đầu Điện Kremli đã bật cười và nói: “Ngài ấy sẽ còn sống một khi sự nghiệp của ngài ấy vẫn còn tiếp tục tồn tại, cũng như sự nghiệp của mỗi một người trong chúng ta.

Chúng ta sẽ còn sống khi sự nghiệp của chúng ta còn tồn tại”… Và cũng chính ông Putin đã thổ lộ rằng, trong số các chính trị gia đương đại, ông có ấn tượng hơn cả với nguyên Tổng thống Pháp Jacques Chirac. Theo nhận xét của Tổng thống Nga, “Khi còn làm Tổng thống, về bất cứ vấn đề gì, ông Chirac cũng có quan điểm riêng, ông ấy biết cách bảo vệ quan điểm riêng của mình và luôn ứng xử một cách trân trọng ý kiến của các đối tác”. Ông Putin cũng cho rằng, ông Chirac là “một trí tuệ và một giáo sư đích thực, và cũng là một con người rất thú vị và rất cẩn trọng”.Ông Jacques Chirac vừa qua đời ngày 26-9-2019 tại nhà riêng của mình ở Paris, giữa những người thân. Ông từng làm chủ điện Elysee từ năm 1995 tới năm 2007.

Tổng thống Jacques Chirac (1932-2019): Nhân vật khổng lồ của nền chính trị Pháp

Những chặng đường

Muốn nói gì thì nói, trong lịch sử hiện đại của nước Pháp, ông Chirac thực vẫn là một trong những nhân vật gây được ấn tượng mạnh mẽ nhất. Đứng ở bất cứ góc độ nào thì cũng phải công nhận, đây là một chính trị gia có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của nước Pháp nói riêng và thế giới nói chung trong những thập niên cuối cùng của thế kỷ XX.

Jacques Chirac sinh ngày 29-11-1932 trong một gia đình có cha là viên chức làm việc trong ngân hàng và mẹ là người nội trợ. Ông là người con duy nhất của cha mẹ mình vì người chị gái Jacqueline đã mất sớm lúc còn nhỏ khi ông mới ra đời. Ông nội và ông ngoại của vị Tổng thống tương lai đều là giáo viên dù họ xuất thân từ những gia đình nông dân chính hiệu. Jacques Chirac là một tín đồ Cơ đốc giáo La Mã…

Theo lời kể của Pierre Godefroy, một trong những nghị sĩ cao niên nhất của Pháp, Chirac đã chịu ảnh hưởng rất sâu sắc của ông nội mình ngay từ nhỏ. Những kỳ nghỉ hè về quê Correze cùng ông nội ở tỉnh miền núi Auvegne nằm ở giữa trái tim nước Pháp đã ghi đậm những dấu ấn không thể mờ phai vào tâm trí cậu bé Jacques. Ông nội của vị Tổng thống tương lai là một trí thức nông thôn, xuất thân dòng dõi nông dân. Ông rất tin vào tự do, bình đẳng, bác ái và ủng hộ khẩu hiệu của những người thợ dệt: “Thà chết đứng còn hơn là sống quỳ!” Còn về các vấn đề quốc gia đại sự, thì ông nội của ông, trong tinh thần của chủ nghĩa tự do truyền thống của dân tộc Pháp, coi chính quyền như “chú chó gác đêm”. Nói cách khác, tức là theo ông, nhà nước chỉ có quyền can thiệp vào đời sống người dân khi người dân lên tiếng yêu cầu. Khác đi, chính quyền lúc nào cũng có nguy cơ bắt dân phải xếp hàng tư đi đồng hành… Sau này, sở dĩ Chirac đạt được những thành tựu to lớn trên cương vị Thị trưởng Paris chủ yếu là nhờ ông đã quan tâm không chỉ về sự sạch sẽ của đường phố mà vì ông đã chăm lo hết lòng cho việc xây dựng và phát triển chế độ tự quản tại chỗ của người dân thủ đô, đặt toà thị chính và các đơn vị quản lý đô thị nằm dưới quyền kiểm soát chặt chẽ và mọi mặt của các công dân Paris, thuyết phục họ tin rằng chính họ mới là chủ nhân đích thực của “kinh đô ánh sáng”…

Khi Jacques lên 7 tuổi, quân đội Đức phát xít đã xâm lăng Paris và chiếm đóng tới cả nửa lãnh thổ Pháp. Ông đã phải cùng gia đình sơ tán xuống miền nam. Tất nhiên, những sự kiện như thế đã không thể không để lại dấu ấn trong lòng Chirac. Khi trở thành Tổng thống, ông đã luôn coi việc bảo toàn lãnh thổ và nền độc lập quốc gia là nhiệm vụ hàng đầu của mình…

Thuở nhỏ, Chirac đã theo học ở các trường Lycee Carnot và Louis le Grand tại Parris, chính ở tuổi vị thành niên, vị Tổng thống tương lai của nước Pháp đã có hạnh ngộ được làm quen với một người Nga di cư sang Pháp sống và kể từ đó, tâm hồn ông đã có những mối dây liên hệ bền chặt với nước Nga. Theo chính lời Chirac sau này kể lại, thuở nhỏ, hay tới tham quan Viện Bảo tàng Quốc gia Nghệ thuật châu Á Guimet ở quận 16 Paris, tại đó ông đã có cơ hội làm quen với một người Nga đứng tuổi cũng yêu nghệ thuật phương Đông như mình. Đó là một người đàn ông goá vợ, vốn là một nhà ngoại giao, từ Nga sang sống ở Paris sau Cách mạng Tháng Mười, Vladimir Belanovich. Hai người trở nên thân thiết đến mức Chirac đã nói với cha mẹ mình để cho Belanovich, ở thời điểm đó cũng như nhiều người Nga khác đang phải sống đời ly xứ hết sức bần hàn nơi đất khách quê người, tới tá túc miễn phí trong căn phòng áp mái vốn vẫn để không trong nhà của họ. Chàng trai Jacques vốn muốn học tiếng Phạn, tuy nhiên đã gặp quá nhiều khó khăn trong việc chinh phục thứ tiếng cổ xưa của Ấn Độ, nên Belanovich đã đề nghị người bạn trẻ tuổi thử nghiên cứu tiếng Nga “cho vui” (!). Thế là từ đó, nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của Belanovich, Chirac đã thu nhận được không chỉ những kiến thức về tiếng Nga mà cả hồn vía của văn hoá Nga. Hai người đã duy trì tình bạn cho tới tận khi ông Belanovich qua đời...

Chàng trai trẻ Jacques đã đặc biệt thích đại thi hào Nga Puskin, chính vì thế nên dù không phải là một người làm văn học chuyên nghiệp nhưng ngay từ thời thanh niên đã dịch tác phẩm nổi tiếng của Puskin “Yevgueni Onegin” ra tiếng Pháp và đã đánh bạo gửi tập trường ca dịch đó tới nhiều nhà xuất bản lớn ở Pháp. Tuy nhiên, họ đều từ chối in và dĩ nhiên, điều này đã khiến chàng trai Jacques thất vọng vô cùng. Cho tới năm 1974, khi Chirac được đưa lên làm Thủ tướng, một số nhà xuất bản đã gọi điện thoại tới cho ông và xin phép được in bản dịch của ông kèm theo một lời giới thiệu thích hợp. Lần này ông đã từ chối lời đề nghị muộn màng của họ...

Tốt nghiệp tú tài, Chirac đã làm việc ba tháng trên một con tàu chở than như một thủy thủ…

Bước chân vào các hoạt động chính trị từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước, Chirac được coi là chịu ảnh hưởng từ tướng Charles de Gaulle (người sáng lập ra nền đệ ngũ cộng hòa Pháp và từng làm chủ điện Elysee từ năm 1959 tới năm 1969). Ông từng gia nhập đảng Cộng sản Pháp và tham gia phát hành báo L’Humanite (Nhân đạo)…

Năm 1953, sau khi tốt nghiệp Sciences Po (Học viện Chính trị Paris), Chirac đã theo học trường mùa hè của Đại học Harvard. Ông từng được huấn luyện để trở thành sĩ quan dự bị tại trường Kỵ binh thiết giáp ở Saumur, sau đó đã bị gọi đi lính và tham gia cuộc chiến tranh ở Algeria trong khoảng thời gian 1956-1957. Và ông đã bị thương nặng tại đó…

Năm 1957, Chirac đã vào học tại trường Quốc gia Hành chính Pháp (École Nationale d'Administration, ENA), lò đào tạo các nhân viên dân sự cao cấp nhất của Pháp. Năm 1959, rời khỏi ENA, ông làm việc tại toà án Auditors. Tháng 4-1962, Chirac được chỉ định làm người đứng đầu văn phòng của Thủ tướng Pháp lúc đó là Georges Pompidou (nhiệm kỳ Thủ tướng của ông này là từ năm 1962 tới 1968). Ông đã đóng vai trò rất quan trọng trong các chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống của tướng De Gaulle năm 1965 và của ông Pompidou năm 1968 (ông Pompidou làm Tổng thống Pháp từ năm 1969 tới năm 1974). Chính Pompidou đã đặt cho Chirac những biệt danh mang tính hài hước như “chiếc xe ủi” và “máy bay trực thăng”, như một lời khen ngợi cho sự năng nổ và hiệu quả trong công việc. Còn trong chính giới Pháp, người ta gọi ông là một “quái chính”… Một đồng sự của Chirac ở thời điểm đó đã nhận xét về ông như sau: “Jacques là một chú ngựa đua tuyệt vời, có thể phi qua bất cứ một chướng ngại vật nào. Thế nhưng, vấn đề của anh ấy là ở chỗ anh ấy vẫn tiếp tục nhẩy trong khi từ lâu đã cần phải dừng chân đứng tại chỗ”…

Những phẩm chất cá nhân vượt trội đã giúp cho Chirac thăng tiến rất nhanh: năm 34 tuổi, ông đã là Quốc vụ khanh về các vấn đề xã hội, rồi Quốc vụ khanh về các vấn đề ngân sách… Dưới thời Tổng thống Pompidou, Chirac trong thành phần nội các của Thủ tướng Pierre Messmer đã giữ chức Bộ trưởng Giao hữu Nghị viện từ tháng 1-1971 tới tháng 7-1972, làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp từ tháng 7-1972 tới tháng 2-1974, rồi Bộ trưởng Bộ Nội vụ từ tháng 2 tới tháng 5-1974. Nếu ông Pompidou không bất ngờ qua đời năm 1974, hẳn ngay ở giai đoạn đó, Chirac đã trở thành người nhận chức Thủ tướng…

Chirac đã rất đau đớn khi người thầy và người bạn vong niên thân thiết của mình từ giã cõi trần vì bạo bệnh. Để tưởng nhớ tới cố Tổng thống Pompidou, ông đã đeo cà vạt đen liên tục một năm liền. Và ông đã trở thành thủ lĩnh của phe cánh hữu theo De Gaulle (tổng thư ký Liên minh Dân chủ De Gaulle vì nền Cộng hòa). Ông đã ủng hộ chiến dịch tranh cử của Tổng thống Valery Giscard D’Estaing và đổi lại, đã nhận được chức Thủ tướng Pháp trong giai đoạn từ ngày 27-5-1974 tới ngày 28-8-1976. Thế rồi ông bị chính Tổng thống Giscard cách chức nên đành phải đi vào hoạt động đối lập và đứng đầu đảng Tập hợp vì nền Cộng hòa (1976). Từ ngày 20-3-1977 cho tới khi được bầu làm Tổng thống tháng 5-1995, Chirac đã là người đứng đầu tòa thị chính Paris theo một quyết định của Tổng thống Giscard. Cơ quan này vốn bị đình chỉ từ thời Công xã Paris năm 1781 vì các lãnh đạo của nền đệ tam cộng hòa (1871-1940) đã sợ quyền lãnh đạo thủ đô sẽ khiến cho vị Thị trưởng nắm trong tay mình quá nhiều quyền lực…

Thị trưởng Chirac, nói một cách công bằng, đã làm được rất nhiều việc để phát triển “kinh đô ánh sáng”. Chính trong những năm ông làm Thị trưởng, Paris đã từ chỗ là một trong những thủ đô bẩn nhất châu Âu trở thành một thành phố xanh, sạch, đẹp, rất tiện nghi đối với mọi người. Thị trưởng Chirac đã thực hiện được một chương trình cho phép xây dựng hàng trăm, hàng nghìn ngôi nhà mới đầy đủ tiện nghi hiện đại nhưng lại rất hài hòa với hình ảnh lịch sử truyền thống của Paris. Ông đã mở ra hàng nghìn việc làm mới cho các cư dân ở thủ đô. Ông cũng đã thiết lập lại trật tự, bằng bàn tay sắt trấn áp được những đốm lửa khủng bố nhập khẩu từ bên ngoài vào thủ đô Pháp. Và ông đã đạt được mục tiêu chính yếu: thuyết phục các cử tri Pháp trong việc bầu Thị trưởng Paris (là ông!) làm Tổng thống… Trước đó, ông đã giữ chức Thủ tướng dưới thời Tổng thống Giscard và cả dưới thời Tổng thống cánh tả Francois Mitterand…

Đắc cử Tổng thống lần đầu vào năm 1995 và tái đắc cử lần 2 vào năm 2001, ông Chirac đã tiến hành nhất quán chính sách theo chủ nghĩa De Gaulle (Gaullisme), nâng cao vị thế của nước Pháp trên vũ đài châu Âu, duy trì khoảng cách hợp lý trong các mối quan hệ với Washington… Ông cũng là người đã chuyển được quân đội Pháp sang cơ chế chuyên nghiệp hoàn toàn. Có người lý giải là sở dĩ ông quyết tâm thực hiện tới cùng nhiệm vụ này vì thời trẻ, khi đã là một chuyên gia có bằng cấp đại học, ông vẫn bị gọi đi quân dịch và đã bị thương nặng trên chiến trường Algeria. Ấn tượng nặng nề đó đã khiến ông ngay sau khi trở thành Tổng thống, kiên quyết bãi bỏ chế độ gọi thanh niên đi làm nghĩa vụ quân sự…

Tổng thống Jacques Chirac (1932-2019): Nhân vật khổng lồ của nền chính trị Pháp - 1

Tổng thống Pháp Jacques Chirac chụp ảnh với người dân trong chuyến thăm Amiens, miền bắc nước Pháp (2006). Ảnh: AP.

Độc lập tư duy

Paris dưới thời Tổng thống Chirac (tháng 5-1999 - tháng 5-2007) đã từ chối ủng hộ chiến dịch quân sự do Mỹ phát động ở Iraq. Cùng với Thủ tướng Đức lúc đó là ông Gerhard Schroeder, ông Chirac đã là một trong những lãnh đạo hàng đầu lên tiếng phản đối cách hành xử “ông kẹ” và quan phương của Nhà trắng với Tổng thống George Bush trong quan hệ với đất nước Iraq dưới chính thể của Tổng thống Hussein. Ông đã phê phán quan điểm trong một nghị quyết được đưa ra trình Hội đồng Bảo an LHQ dưới sức ép khổng lồ từ phía Washington, cho phép dùng vũ lực để loại bỏ cái gọi là vũ khí hủy diệt hàng loạt mà phương Tây cho rằng đang được Iraq sở hữu. Ngày 18-3-2003, với tư cách Tổng thống Pháp, ông Chirac đã thẳng thừng tuyên bố: “Iraq ngày nay không phải là một mối đe doạ trước mắt khiến cần phải có một cuộc chiến lập tức”… Tất nhiên, Paris không phải sức mạnh có thể cản trở được Washington tiến bước trong những tham vọng siêu cường của họ nhưng dẫu sao, một thái độ cứng cỏi như vậy của người đứng đầu nước Pháp khi đó cũng làm gia tăng thêm sự tôn trọng đối với họ từ phía cộng đồng quốc tế…

Cũng phải nói rằng, cá nhân ông Chirac chưa bao giờ giấu giếm những sự không thiện cảm đối với nước Mỹ. Thời trẻ, vị Tổng thống tương lai từng tham gia chiến dịch thu thập chữ ký ở Paris ủng hộ cho Yêu cầu Stockholm nhằm vận động việc cấm thử vũ khí hạt nhân. Washington đã đưa tên ông vào danh sách những người có cảm tình với chủ nghĩa cộng sản và đã gây khó khăn cho việc ông vào Mỹ để du học. Có lần, ông thổ lộ tâm sự: “Tôi không giấu giếm rằng tôi luôn luôn có những vấn đề đối với những người Mỹ, những người rất ngoan cố trong việc áp đặt các quan điểm của mình… Tôi chưa bao giờ cảm thấy hào hứng với những băng đảng đã đi sang châu Mỹ để tàn phá ở đó. Đấy không phải là khoảnh khắc vĩ đại của lịch sử. Hơn thế nữa, câu chuyện này không được củng cố bởi những chứng cứ lịch sử. Bởi lẽ, không phải Columb đã phát hiện ra châu Mỹ mà chính những người Normandi đã làm việc đó trước ông ấy tới năm thế kỷ. Nhưng họ đã không gây nên những tai bay vạ gió nhiều như thế mà lặng lẽ, lịch sự rời đi…” Những người Normandi, ai cũng biết, là xuất thân từ tỉnh Normandie của nước Pháp…

Tổng thống Chirac đã kịch liệt phản đối việc đưa vào hiến pháp liên minh châu Âu quy định về Thiên chúa giáo hay về văn hoá Thiên chúa giáo. Theo ông, bất cứ quốc gia nào cũng không được áp đặt tín ngưỡng cho các công dân của mình, lại càng không thể áp đặt họ phải sống thiên theo cung cách riêng của bất cứ một nền văn hoá nào… Trong Điện Elysee, Tổng thống Chirac không chú trọng nhiều tới những bữa tiệc chính thức xa hoa, mà thích duy trì mối liên hệ với xã hội bằng những hoạt động thân mật, ấm cúng hơn. Một nhà báo Pháp đã từng đưa ra thống kê, trong 15 tháng đầu tiên sau khi trở thành nguyên thủ quốc gia, ông Chirac chỉ tổ chức 4 buổi tiếp tân lớn và một số bữa trưa chính thức tiếp các nhà lãnh đạo quốc gia. Thế nhưng, ông đã tham gia rất nhiều “cuộc gặp thính phòng” với các văn nghệ sĩ, với đại diện giới trí thức Pháp và quốc tế. Theo ông, gặp họ thú vị hơn vì họ giúp ông thấu hiểu được không khí nghệ thuật trí thức đương đại…

Những học vấn đa dạng và sâu sắc thu nhận được từ thời trẻ, cộng với những điều mà ông luôn luôn trau dồi từ thực tế trong suốt cuộc đời hoạt động chính trị của mình đã giúp cho Chirac được tiếng là một trí tuệ thuộc loại hàng đầu ở châu Âu trong thời hiện đại. Trò chuyện với bất cứ một chuyên gia nào, ông cũng không cảm thấy mình là người ngoại đạo. Ông quan tâm tới rất nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Chính vì thế nên không ai cảm thấy ngạc nhiên khi giữa những huân huy chương rất nhiều của ông, lại có những thứ có vẻ như không nên ở cùng một chỗ, thí dụ như cây thánh giá quân sự, huân chương Vì những công trạng trước nền nông nghiệp và huân chương về văn học nghệ thuật… Không nhiều người được nhận một trong ba vinh dự này, trong khi đó thì Chirac có cả ba… Đã có lần nhà toán học vĩ đại người Pháp Blaise Pascal (1623-1662) đã nhận xét: “Nếu nước Pháp bị 300 nhà trí tuệ rời bỏ thì nó sẽ trở thành đất nước của những người ngu ngốc”. Có lẽ ông Chirac cũng có tên trong danh sách 300 nhà trí tuệ đó… Thậm chí có nhà nghiên cứu còn cho rằng ông là người cuối cùng trong danh sách 300 nhà trí tuệ đó…

Sau khi rời khỏi chính trường năm 2007 cho tới khi qua đời, ông Chirac vẫn luôn là một nhân vật thu hút được sự chú ý cao ở Pháp. Theo một cuộc điều tra xã hội do Viện Quốc gia IFOP tiến hành năm 2009, ông được bình chọn là chính trị gia được yêu thích nhất với 78% số phiếu ủng hộ giữa những người được hỏi ý kiến. Trong khi đó vị Tổng thống Pháp lúc đó là ông Nikolas Sarkozy chỉ được xếp ở vị trí 29… Còn theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận xã hội Odoxa-Dentsu, tiến hành năm 2018 về những vị Tổng thống xuất sắc nhất nước Pháp trong 40 năm qua, ông Chirac đã được xếp ở vị trí thứ hai, sau Tổng thống Francois Mitterand.

Helena Perroud, một học giả mang trong mình hai dòng máu Nga và Pháp, từng làm Điện Elysee trong những năm từ 1996 tới 2005 (chuyên chấp bút các bài phát biểu cho Tổng thống), nhận xét về ông Chirac như sau: “Ông có khả năng kỳ lạ trong việc thực sự cuốn hút những người khác lại với mình. Khi tiếp xúc với ông, ta cảm thấy mình cũng là người thú vị đối với ông và đó không phải là trò “giả lễ” mà thực sự bẩm sinh là như vậy. Ông luôn đối xử với các nhân viên một cách đầy thiện ý và nhờ thế khích lệ họ một cách tự nhiên, cống hiến tối đa. Là một người cần mẫn vĩ đại, ông luôn tìm thấy niềm vui trong công việc. Cũng phải nói thêm rằng, về khía cạnh này, ông rất giống với Vladimir Putin. Và tất nhiên, ông Chirac cũng là người có những hiểu biết và văn hóa rộng rãi mà theo tôi không hẳn là thuộc về trường phái cổ điển hay hàn lâm. Đặc biệt là trong những lĩnh vực không quá phổ biến trong giới tinh hoa cùng thế hệ. Ông hiểu rất sâu lịch sử các nền văn minh ở châu Á, đặc biệt là Nhật Bản và Trung Hoa”.

Tất nhiên, cũng có những ý kiến trái chiều khi nhận xét về Tổng thống Chirac. Có những nhà quan sát đánh giá ông đã bớt năng nổ khi vào làm chủ Điện Elyssee. Jean Deniot, viện sĩ, chính trị gia, một trong những gương mặt nổi bật nhất trên chính trường nước Pháp những năm 70-80 của thế kỷ trước, đã đưa ra giả thuyết: “Với tất cả sự năng nổ của mình, Jacques Chirac vẫn là một con người rất thiếu tự tin và hà tiện những sáng kiến cá nhân. Ông ấy sinh ra không đúng thời của mình. Ông ấy thích hợp hơn với việc phi ngựa trong thời chinh chiến của hoàng đế Napoleon, thực hiện những nhiệm vụ quan trọng, dẫn đoàn kỵ sĩ vào cuộc tấn công, tham gia các buổi tiệc tùng hoành tráng thân ái liền tù tì ba bốn bận một ngày… Ông ấy là một chiến binh chứ không phải là nhà lập trình trong phòng kín và càng không phải là chuyên gia của những trò chơi hậu trường”...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tổng thống Jacques Chirac (1932-2019): Nhân vật khổng lồ của nền chính trị Pháp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO