Chiều 30/8, tại họp báo công tác phòng, chống dịch của TP HCM; tình hình kinh tế - xã hội tháng 8, ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Công thương TP HCM thông tin như trên.
Đề cập đến tình trạng những ngày qua nhiều tỉnh - thành lại xuất hiện hiện tượng một vài cây xăng treo biển hết hàng, nghỉ bán, ông Nguyễn Nguyên Phương khẳng định, thành phố vẫn đảm bảo cung ứng xăng dầu trên địa bàn.
Theo lãnh đạo Sở Công thương thành phố, từ đầu năm sở đã có kế hoạch kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh, buôn bán xăng dầu. Hiện nay, Thanh tra Sở cũng đang tiếp tục triển khai đúng kế hoạch, tập trung ở đầu mối và đơn vị phân phối.
“Riêng công tác kiểm tra bán lẻ được các đơn vị tập trung triển khai mở rộng, thường xuyên và giao trách nhiệm cho các đội phụ trách địa bàn”, ông Phương nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Nguyên Phương cho rằng, Sở Công thương thành phố sẽ tổ chức kiểm tra ngay lập tức nếu phát hiện cửa hàng nào ngưng bán hàng. Theo quy định mỗi cửa hàng xăng dầu bán lẻ muốn ngưng bán hàng phải có văn bản chấp thuận của Sở Công thương.
“Hiện trên địa bàn thành phố có 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, thời gian qua có 2 cửa hàng ở quận 7 và Bình Tân đã đăng ký với Sở Công thương tạm ngưng hoạt động để sửa chữa đường bơm và bồn chứa từ 24.8 tới 19.9. Tuy nhiên, 1 cửa hàng đã sữa chữa xong sớm hơn sẽ hoạt động trở lại từ 9/9”, ông Phương cho hay.
Liên quan đến việc kinh doanh xăng dầu, mới đây 25 doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đồng loạt ký vào trong văn bản kiến nghị gửi đến Bộ Công thương, UBND TP HCM, Sở Công thương TP HCM và các cơ quan ban ngành trên địa bàn thành phố.
Doanh nghiệp trong ngành đề xuất tăng mức hoa hồng để giảm lỗ, bỏ trích quỹ bình ổn, điều hành giá trong vòng 24 giờ và rút giấy phép vĩnh viễn các công ty đầu mối không tuân thủ theo quy định về an ninh năng lượng.
Văn bản của 25 doanh nghiệp đồng ký tên cũng nêu các bất cập đang tồn tại và người tiêu dùng quan tâm hiện nay đó là việc trích lập quỹ bình ổn xăng dầu.
Dẫn kỳ điều hành định kỳ vừa qua (ngày 22/8), 25 doanh nghiệp này đặt ra vấn đề: "Tại sao phải trích quỹ bình ổn? Trích quỹ bình ổn kỳ này có đúng mục đích Chính phủ đề ra không và có phục vụ tốt cho xã hội chưa?".
Theo nhiều người tiêu dùng, bản chất của trích lập quỹ bình ổn xăng dầu là chính người tiêu dùng phải ứng tiền ra trước cho doanh nghiệp, rồi sau đó bù lại cho người tiêu dùng thì hỏi rằng có lợi ở đâu?
Về mức hoa hồng, doanh nghiệp cho rằng, với mức hoa hồng trên mỗi lít xăng dầu chỉ 0 đồng, hoặc là 200 đồng các đại lý không đủ để duy trì hoạt động kinh doanh; chưa kể, hiện nay nguồn cung cũng rất hạn chế. Trong khi chi phí mặt bằng, chi phí vận tải, kho bãi, nhân viên, điện nước... đã khiến cho việc kinh doanh của các đại lý bán lẻ xăng dầu bị lỗ nặng.
“Càng bán càng lỗ nhưng đại lý vẫn phải mở cửa bán xăng dầu, bởi nếu đóng cửa sẽ bị cơ quan chức năng rút giấy phép”, nội dung văn bản thể hiện.
Về cơ chế giá thành bán lẻ, doanh nghiệp kiến nghị doanh nghiệp đầu mối chiết khấu hoa hồng tối thiểu 600-800 đồng/lít cho các cửa hàng bán lẻ để đủ sức duy trì hoạt động.
Cũng theo 25 doanh nghiệp xăng dầu nói trên, hiện nay mỗi doanh nghiệp bán lẻ chỉ được phép ký hợp đồng với một doanh nghiệp đầu mối khi có sự cố thì doanh nghiệp bán lẻ không được lấy hàng từ đầu mối khác.
Doanh nghiệp kiến nghị, cơ quan chức năng cho các cửa hàng bán lẻ được ký hợp đồng nhiều doanh nghiệp đầu mối để vừa tăng sức cạnh tranh, vừa đáp ứng được nguồn hàng.