“Cách chăm sóc sức khoẻ hậu Covid-19 – Những vấn đề cần biết” là chuyên đề vừa được Khối thi đua số 3 thuộc Liên đoàn Lao động TP HCM tổ chức thảo luận, đóng góp ý kiến, trong đó đặt ra hồi chuông báo động về các nguy cơ tiềm ẩn của di chứng hậu Covid-19.
Qua trao đổi chuyên đề, TS.BS Nguyễn Nam Hà, chuyên gia Phòng khám Đa khoa Phạm Ngọc Thạch TP HCM đã có những chia sẻ tổng quan về kiến thức chăm sóc sức khỏe và điều trị toàn diện các di chứng do hậu Covid-19 gây ra. Bác sĩ cho biết, về đặc điểm sinh học, SARS-CoV-2 tồn tại trong cơ thể người khoảng từ 4 tuần kể từ khi xâm nhập.
Ngoài môi trường, SARS-CoV-2 rất dễ chết bởi ánh sáng, tia cực tím và nhiệt độ cao. Bên cạnh đó, ở môi trường lạnh, ẩm, mặt phẳng kim loại, SARS-CoV-2 có thể tồn tại khoảng từ 1-3 ngày.
Về đường truyền nhiễm của virus SARS-CoV-2, TS.BS Nguyễn Nam Hà khẳng định, khả năng lây nhiễm qua đường tiêu hóa của SARS-CoV-2 là rất thấp. Nguyên nhân của hậu Covid-19 kéo dài là do tự kháng thể vẫn còn tồn tại trong cơ thể người bệnh. Cơ chế tự kháng thể vẫn hiện diện trong cơ thể bệnh nhân vốn đã phục hồi và theo một số nghiên cứu, tỉ lệ bệnh nhân Covid-19 “tăng mạnh phản ứng tự kháng thể” so với các nhân viên y tế khỏe mạnh.
Để làm rõ hơn về khái niệm “hậu Covid-19”, TS.BS Nguyễn Nam Hà nhấn mạnh về mặt lâm sàng, các triệu chứng sau Covid-19 được chia thành 02 giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng sẽ kéo dài từ 4-12 tuần sau khi mắc bệnh, hay còn gọi là Covid-19 kéo dài.
Giai đoạn tiếp theo gọi là hậu Covid-19, bao gồm các triệu chứng kể từ khi nhiễm Covid-19 kéo dài sau 3 tháng. Theo đó, hậu Covid-19 xảy ra ở người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2, thường là 3 tháng từ khi bắt đầu nhiễm Covid-19 thể hiện rõ qua các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể lý giải bằng các chẩn đoán khác. Các triệu chứng phổ biến ở người trong giai đoạn hậu Covid-19 gồm: mệt mỏi quá mức, khó thở, mất ngủ, đau cơ, đau ngực,... hay một số các triệu chứng khác cần được kể đến như: rối loạn thính giác, “sương mù não”, giảm trí nhớ, rụng tóc, rối loạn tâm thần,...
Bàn về chăm sóc sức khỏe và điều trị toàn diện hội chứng hậu Covid-19, TS.BS Võ Thành Liêm - Phó trưởng phòng khám đa khoa, Phó trưởng bộ môn Y học gia đình Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, về cơ bản, hậu quả sau khi nhiễm Covid-19 được thể hiện thông qua bốn nhóm hội chứng lớn: hội chứng tổn thương tim - phổi; di chứng của hồi sức; hội chứng bệnh vẫn tiếp tục diễn biến và hội chứng hậu siêu vi.
Theo TS.BS. Võ Thành Liêm, việc bệnh nhân từng được điều trị bằng thở oxy cao áp cũng chính là một phần nguyên nhân khiến phổi bị tổn thương, làm sơ niêm mạc phổi gây tình trạng ho kéo dài.
Chia sẻ về vấn đề chăm sóc và điều trị toàn diện các di chứng của hậu Covid-19, TS.BS Võ Thành Liêm cho rằng người bệnh cần tham vấn ý kiến từ bác sĩ, các nhân viên y tế có chuyên môn nhằm xác định rõ tình trạng bệnh lý của mình.
Theo đó, chăm sóc sức khỏe toàn diện được hiểu thông qua 3 phương diện: sinh học, tâm lý và xã hội. Nhằm đáp ứng đủ các khía cạnh đó, mô hình bác sĩ gia đình đang dần trở nên phổ biến hơn tại Việt Nam với mục đích giúp người bệnh theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe bản thân thông qua kế hoạch chăm sóc chuyên biệt.
Qua chuyên đề này, Ban Tổ chức đánh giá hậu Covid-19 không còn là một khái niệm xa lạ đối với tất cả chúng ta nhưng để hiểu một cách bài bản và tường tận về hội chứng này cũng như cách thức chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19 vẫn còn là một vấn đề đáng được quan tâm.
Nhiều nguồn thông tin thiết thực về hội chứng hậu Covid-19, cách thức điều trị cùng những vấn đề liên quan cũng giúp ngành y tế TP HCM dự báo, đánh giá được những vấn đề hậu Covid-19 để định hướng công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân và ứng phó với các đại dịch phát sinh trong tương lai.