TP HCM: Nhiều nhân viên y tế nghỉ việc vì thu nhập không như mong đợi

Thanh Giang 05/04/2022 19:11

Chiều ngày 5/4, báo cáo với UBND TP HCM về tình hình nhân sự y tế trên địa bàn thành phố, ông Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TP HCM thừa nhận có tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc tại các bệnh viện.

Bỏ việc vì thu nhập không như mong đợi

“Các bác sĩ không bỏ nghề đâu, chẳng qua là chuyển dịch từ cơ sở y tế này sang cơ sở y tế khác mà thôi”, ông Tăng Chí Thượng nhấn mạnh.

Theo ông Tăng Chí Thượng, con số nhân viên y tế nghỉ việc trong 3 tháng đầu năm là 396 trường hợp, tăng so với quý 1 năm 2021. Quý 1/2021 chỉ có 217 trường hợp nhân viên y tế xin nghỉ việc. Trong 396 trường hợp đó có 128 trường hợp ở khối bệnh viện quận – huyện, còn 268 trường hợp là ở các bệnh viện của thành phố.

Nhân viên y tế phải làm việc nhiều trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Nhân viên y tế phải làm việc nhiều trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát.

Làn sóng nhân viên y tế nghỉ việc đang diễn ra ở nhiều bệnh viện trên địa bàn TP HCM. Theo đại diện Sở Y tế TP HCM, 3 tháng đầu năm có khoảng 400 nhân viên y tế xin nghỉ việc. Đây là con số không hề nhỏ so với thời điểm trước đây. Năm 2020, thành phố có 595 nhân viên y tế cơ sở công xin nghỉ việc. Năm 2021 có tổng cộng 968 trường hợp xin nghỉ - con số cao nhất tại TP HCM sau thời gian dài gồng mình chống dịch. Giờ 3 tháng đầu năm số nghỉ việc chiếm 70% so với năm 2021.

Trước đó, theo thống kê của Sở Y tế TP HCM, trong 10 tháng của năm 2021, có gần 1.000 nhân viên y tế xin nghỉ việc, chủ yếu ở một số bệnh viện và tuyến trạm y tế.

Trả lời chất vấn đại biểu Hội đồng nhân dân TP HCM tại Kỳ họp thứ 4 (Khóa X), ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, nhân viên y tế kiệt sức và nhiều tháng chưa được nghỉ ngơi nhưng lại nhận được mức thu nhập quá thấp, là lý do khiến nhiều nhân viên y tế nghỉ việc.

Mặc dù làm việc cật lực trong dịch bệnh nhưng bác sĩ, điêu dưỡng điều vui vẻ, lạc quan.
Mặc dù làm việc cật lực trong dịch bệnh nhưng bác sĩ, điêu dưỡng điều vui vẻ, lạc quan.

Thông tin với báo chí tại cuộc họp báo mới đây về việc vừa qua vì sao nhiều nhân viên y tế Bệnh viện thành phố Thủ Đức nộp đơn nghỉ việc, bà Lê Thiện Quỳnh Như - Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM cho biết, hàng năm các bệnh viện công lập đều có tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc vì nhiều lý do như: nhà xa, môi trường làm việc không phù hợp. Bên cạnh đó cũng có lí do thu nhập chưa như mong đợi. Trải qua đợt dịch, tình trạng kinh tế, nguồn thu nhập của các bệnh viện, cơ sở y tế đều sụt giảm do đó nhân viên y tế nghỉ việc là điều không thể tránh khỏi.

Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Tăng Chí Thượng khẳng định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhân viên y tế thi nhau nghỉ việc. Song, nguyên nhân chính là do thu nhập không cao. Hiện nay chỉ có tiền chống dịch và hỗ trợ chống dịch còn tiền lương tăng thêm không có.

Với góc nhìn của chuyên gia trong ngành, PGS. TS Đỗ Văn Dũng – Trưởng Khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TP HCM cho rằng: “Ngoài nguyên nhân về thu nhập, theo tôi áp lực công việc, khối lượng công việc gia tăng kèm theo những stress về cảm xúc, tâm lý. Những stress này dẫn đến tình trạng nhân viên y tế bị kiệt sức, hay kiệt quệ với nghề nghiệp. Nguyên nhân thứ ba không kém phần quan trọng, đó là việc công nhận vai trò của nhân viên y tế chưa thật đầy đủ nhưng sai sót chút lại bị khiển trách, chê bai nên có điều kiện họ cũng bỏ việc”.

Giải quyết cho được những khó khăn nội tại

Ông Đỗ Văn Dũng quan ngại, tình trạng nhân viên y tế bỏ việc hay chuyển việc làm rất ảnh hưởng đến ngành y tế. Đầu tiên là ảnh hưởng đến tổ chức đơn vị, vì một người đi thì đơn vị đó phải tìm người mới, huấn luyện, giao việc, thử việc, tốn kém trong đào tạo việc. Khó khăn thứ hai, đối với những người còn lại do phải choàng, gánh công việc, quá tải công việc. Thậm chí, bị giao những việc khác nên không hài lòng và chất lượng công việc kém đi ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng chăm sóc sức khỏe người bệnh.

Nhân viên y tế ngày đêm chống dịch bệnh Covid-19.
Nhân viên y tế ngày đêm chống dịch bệnh Covid-19.

“Ngành y tế đã và đang đối phó với đại dịch nên nhu cầu chăm sóc sức khỏe cao hơn trước. Ngoài ra, trong thời gian vừa qua có nhiều bệnh nhân không được chăm sóc như: bệnh nhân ung thư, bệnh nhân sàng lọc, rồi bệnh nhân hậu Covid-19,... Điều này đồng nghĩa hiện nay nhu cầu chăm sóc y tế đang tăng”, ông Dũng trăn trở.

Để giải quyết bài toán giữ chân nhân viên y tế hiệu quả, vị chuyên gia này cho rằng, ngoài tăng thu nhập là cần thiết phải đánh giá cán bộ y tế trong bối cảnh hiện nay là bị stress, phải công nhận những cống hiến vì có những lúc tốt, có những lúc chưa tốt. Làm tốt thì công nhận, khen thưởng; làm việc chưa thật hiệu quả thì động viên, chia sẻ. Làm sao cải thiện cả sức khỏe tâm thần cho cán bộ y tế nếu họ bị sang chấn tâm lý. Trường hợp giải quyết đồng loạt những yếu tố trên chắc chắn giải quyết được mâu thuẫn bên trong của nhân viên y tế.

Hình ảnh chiến sĩ áo trắng trong dịch bệnh để lại nhiều tình cảm, sự thương mến cho bệnh nhân, người dân.
Hình ảnh chiến sĩ áo trắng trong dịch bệnh để lại nhiều tình cảm, sự thương mến cho bệnh nhân, người dân.

Chia sẻ về giải pháp níu chân nhân viên y tế trước làn sóng bỏ việc, bà Bà Lê Thiện Quỳnh Như - Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế cho biết, ngành y tế đang tập trung tham mưu với Thành phố các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhân viên y tế. Trong tuần này, HĐND TP HCM sẽ họp thông qua một số chính sách để hỗ trợ nhân viên y tế, đặc biệt nhân viên y tế tuyến cơ sở.

Về vấn đề này, ông Tăng Chí Thượng cho biết, Sở Y tế TP HCM đang kiến nghị Sở Tài chính duy trì tiền hỗ trợ cho nhân viên y tế vì dịch chưa hết, nếu cắt khoản này đời sống nhân viên y tế khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP HCM: Nhiều nhân viên y tế nghỉ việc vì thu nhập không như mong đợi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO