TP Hồ Chí Minh: Chống sạt lở ven sông... gặp khó

Đoàn Xá 03/08/2019 08:00

Tình trạng sạt lở ven sông ngòi, kênh rạch ở TP Hồ Chí Minh vẫn diễn ra phức tạp khó lường. Nhiều vụ sạt lở, sụt lún ven sông, kênh rạch rất nguy hiểm. Trong khi đó, dù có nhiều dự án chống sạt lở nhưng hiệu quả chưa cao, thường xuyên chậm tiến độ.

TP Hồ Chí Minh: Chống sạt lở ven sông... gặp khó

Cần nhiều giải pháp đồng bộ chống sạt lở.

Thống kê của Sở Giao thông vận tải TP HCM, thành phố hiện có khoảng 40 điểm sạt lở nguy hiểm, cần giải quyết ngay. Trong đó, huyện Nhà Bè là địa phương có số lượng điểm sạt lở nhiều nhất, khoảng 12 điểm, gồm 8 điểm đặc biệt nguy hiểm. Mấy năm gần đây, hầu như năm nào ở huyện Nhà Bè cũng xảy ra các vụ sạt lở, cuốn trôi nhà dân hay gây sụt lún đường sá. Hầu hết trong số đó diễn ra bất ngờ.

Kế đến là huyện Cần Giờ với 6 điểm. Cũng như Nhà Bè, các điểm sạt lở ở Cần Giờ rất nguy hiểm vì địa bàn rộng lớn, giáp biển. Như năm 2018 một vụ sạt lở ở khu vực Tắc Sông Chà (xã Bình Khánh) đã cuốn trôi gần 200 mét đường ven kênh, rất may không gây thiệt hại về người. Trong khi đó, các địa phương khác như Thủ Đức, Bình Chánh, Bình Thạnh, Hóc Môn… có số điểm sạt lở ít hơn nhưng mức độ nguy hiểm cũng không hề kém bởi tình trạng xây dựng trái phép, lấn chiếm hành lang sông rạch tràn lan. Nhiều hộ dân ven sông Sài Gòn hay sông nhánh dù phát hiện tình trạng sạt lở ở khu vực nhà mình nhưng không báo cho chính quyền địa phương bởi gia đình xây dựng lấn chiếm. Chỉ đến khi sạt lở xảy ra, gây nguy hiểm an toàn mới báo chính quyền khiến việc ngăn chặn khó khăn hơn.

Theo đại diện Sở GTVT TP HCM, trong số khoảng 40 địa điểm sạt lở có thống kê ở trên, hầu hết đều có dự án gia cố, cải tạo, xây bờ kè… kèm theo nhằm giải quyết. Năm 2017 đã hoàn thành xong 1,6km đê bờ kè ven huyện Nhà Bè và quận 4. Năm 2018 khởi công 10 dự án bờ kè, đê bao gia cố. Năm 2019 tiếp tục khởi công 11 dự án bờ kè, đê bao gia cố với tổng chiều dài hơn 15km. Tuy nhiên, hầu hết các dự án này dù cấp bách nhưng không hoàn thành đúng theo kế hoạch ban đầu đề ra. Dù sống trong tình trạng phập phồng lo sợ có thể bị “Hà Bá” cuốn trôi nhà cửa nhưng nhiều hộ dân nằm trong vùng dự án chống sạt lở vẫn chậm bàn giao đất mặt bằng do chưa đồng thuận mức bồi thường. Những địa điểm này, dù người dân có xây nhà để ở nhưng thường chỉ được bồi thường theo giá đất nông nghiệp với quy định thấp hơn thị trường rất nhiều. Thế nên, nhiều hộ chấp nhận sống cùng nguy hiểm, tự ý thuê người gia cố ven bờ bằng cừ tràm còn hơn phải di dời đi nơi khác trong khi tiền đền bù không đủ mua nhà mới. Tất nhiên hậu quả của nó là khu vực sạt lở vẫn tiếp tục sạt lở trong mùa mưa.

Ngoài việc các dự án chống sạt lở chậm trễ, một chuyên gia về hạ tầng đô thị cho biết, mặc dù thành phố có nhiều dự án nhưng nhìn chung, phương pháp chống sạt lở hiện vẫn manh mún, chắp vá. Địa điểm nào xảy ra tình trạng sạt lở thì mới bắt đầu thống kê, thành lập dự án để giải quyết. Như vậy thì luôn luôn chỉ giải quyết hậu quả chứ không ngăn chặn được tình trạng sạt lở từ gốc. Với hơn 1.000 km sông ngòi kênh rạch, việc chống sạt lở như vậy sẽ diễn ra liên miên mà kết quả không như mong muốn. Theo nghiên cứu, nguyên nhân sạt lở ở TP HCM chủ yếu gồm khai thác cát ven sông và xây dựng trái phép hành lang bờ sông. Vì thế, song song với các dự án chống sạt lở, việc giải quyết dứt điểm 2 tình trạng trên sẽ ngăn chặn tình trạng sạt lở diễn ra ở các mùa mưa tiếp theo, khiến công tác này hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP Hồ Chí Minh: Chống sạt lở ven sông... gặp khó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO