TP Hồ Chí Minh: Cử tri lo lắng nhiều cán bộ xuống cấp, tham nhũng

Thành Luân 03/12/2019 16:36

“Tội tham nhũng cũng có khung án tử hình. Từ đầu nhiệm kỳ đến giờ, đã có một ủy viên Bộ Chính trị bị xử tù và nhiều tướng lĩnh, cán bộ cao cấp bị bắt. Phải công nhận nhiệm kỳ vừa qua, công tác phòng chống tham nhũng đã được thực hiện rất nghiêm. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói chưa bao giờ có sự lơi là, dừng lại. Nhưng để kết tội một ai tham nhũng cần có sự cẩn trọng”.

TP Hồ Chí Minh: Cử tri lo lắng nhiều cán bộ xuống cấp, tham nhũng

Các cử tri đại diện người dân của ba quận (1,3,4) phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Hồng Phúc.

Đây là ý kiến trả lời cử tri của đại biểu Quốc hội Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM tại buổi tiếp xúc với cử tri, của tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP HCM, ngày 3/11. Tổ đại biểu Quốc hội gồm các đại biểu Trần Lưu Quang (Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM), Thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa (Chính ủy Bộ Tư lệnh TP) và ông Lâm Đình Thắng (Phó Bí thư Quận ủy quận Bình Thạnh) với ba quận 1, 3 và 4 để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 8 của Quốc hội.

Dân vẫn lo lắng với tham nhũng

Chủ đề được rất nhiều cử tri TP HCM đặc biệt quan tâm tại kỳ tiếp xúc lần này chính là vấn đề cán bộ, lãnh đạo nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương vẫn được phanh phui, với các thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng đối với ngân sách quốc gia.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Hữu Châu (con trai trưởng của cố LS Nguyễn Hữu Thọ, cử tri Q.3) phản ánh, người dân dường như đã quá quen với các thông tin liên quan đến cán bộ, lãnh đạo tham nhũng. Ông mong muốn Quốc hội kỳ này và kỳ tới phải giám sát chặt chẽ, mạnh mẽ hơn, nhất là những vụ án tham nhũng lớn.

Cử tri Nguyễn Hữu Châu cũng kiến nghị, để tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” thì Ban Thường vụ Quốc hội cần hoạch định có lộ trình nhanh chóng nâng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách lên 40-50%. Có như vậy, Quốc hội mới nâng cao chất lượng hoạt động hơn nữa, nhất vao trò giám sát, đặc biệt là đối với các án tham nhũng lớn mới có khả năng đem lại hiệu quả.

Ngoài tham nhũng lớn, tham nhũng vặt cũng được cử tri Nguyễn Kim Hương (Q.4) bức xúc phản ánh, tham nhũng vặt đang xuất hiện ngày càng nhiều ở các cơ quan, đơn vị và địa phương, thậm chí ở cả các cơ quan trung ương. Báo chí đăng tải nhiều, nhưng đến nay tham nhũng vặt vẫn chưa được đẩy lùi. Mới đây nhất, cử tri Hương phản ánh vụ việc 5 cán bộ thanh tra ở Thanh hóa nhận hối lộ nhưng cũng xử lý không đến nơi đến chốn.

Có cử tri cũng chỉ ra hiện tượng tham nhũng trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, mà hiện tượng phổ biến là nhà nước mua đắt bán rẻ, nên cử tri đề nghị Quốc hội vào cuộc giám sát và phải coi đây là dấu hiệu của hành vi tham nhũng.

Có cử tri còn đề xuất, không được đặc xá, giảm án cho tội phạm tham nhũng, bên cạnh đó cần phải coi tội tham nhũng nguy hiểm như tội phản quốc và buôn bán ma túy, cần phải tử hình.

Cử tri Nguyễn Xuân Cường (Q.3) nêu mong mỏi và yêu cầu của người dân, cử tri hiện nay là phải tiêu triệt tội phạm tham nhũng. Càng là lãnh đạo, cán bộ thì càng phải xử nghiêm minh, dân mới tin. Cử tri Cường nhắc về một số trường hợp dân biết sờ sờ là có tham nhũng nhưng cơ quan điều tra nói không xác định được tham nhũng. Do đó, người dân yêu cầu có luật, quy định cụ thể để xác định rõ nguyên tắc nếu cán bộ không chứng minh được nguồn gốc tài sản của mình thì tài sản đó được xem là tài sản bất minh, tài sản tham nhũng.

Nhiều cử tri Q.1,3,4 cũng đề nghị thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản vì cho rằng thực tế chưa có vụ tham nhũng nào được phát hiện từ việc kê khai tài sản. Thế nhưng, cử tri và người dân khẳng định với mức lương và thu nhập được công bố công khai thì cán bộ không thể nào có vài biệt thự, hàng trăm tài sản lên đến rất nhiều tỷ đồng như báo chí phản ánh được.

Nhiều cử tri tại buổi tiếp xúc cũng thiết tha đề nghị, cần phải tiếp tục xử lý các cán bộ giữ trọng trách lớn nhưng phạm pháp, tham nhũng để làm gương.

TP Hồ Chí Minh: Cử tri lo lắng nhiều cán bộ xuống cấp, tham nhũng - 1

Đại biểu Trần Lưu Quang gặp gỡ, tiếp xúc cử tri bên lề Hội nghị. Ảnh: Hồng Phúc.

Xử tội tham nhũng đến tử hình

Trước sự quan tâm, lo lắng rất lớn của cử tri, người dân đối với vấn đề tham nhũng, đại biểu Trần Lưu Quang nói, Tổ ĐBQH - Đơn vị số 1 sẽ ghi nhận và tiếp thu toàn bộ các ý kiến tâm huyết của cử tri và sẽ chuyển đến Quốc hội. Đại biểu này cho rằng không gì tệ hơn nếu cán bộ ở các cơ quan có trách nhiệm phòng chống tham nhũng lại đi tham nhũng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định sẽ xử lý nghiêm các cá nhân ở cơ quan chống tham nhũng mà tham nhũng.

Đại biểu Trần Lưu Quang cũng cho biết, hiện nay tội tham nhũng cũng có khung án tử hình. Từ đầu nhiệm kỳ đến giờ, đã có một ủy viên Bộ Chính trị bị xử tù và nhiều tướng lĩnh, cán bộ cao cấp bị bắt. Phải công nhận nhiệm kỳ vừa qua công tác phòng chống tham nhũng đã được thực hiện rất nghiêm. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói chưa bao giờ có sự lơi là, dừng lại. Nhưng để kết tội một ai tham nhũng cần có sự cẩn trọng.

Theo đại biểu Trần Lưu Quang, công cuộc chống tham nhũng sẽ hiệu quả hơn khi việc kê khai tài sản được thực hiện đúng quy định. Bởi vì ở nước ngoài hiện nay thì hầu như mọi giao dịch được thực hiện qua thẻ, không dùng tiền mặt nên ai tham nhũng là biết liền, kiểm soát tài sản cán bộ cũng dễ hơn.

Cũng tại Hội nghị tiếp xúc cử tri, đại biểu Trần Lưu Quang cũng đã đại diện các ĐBQH thuộc Tổ ĐBQH – Đơn vị số 1 chia sẻ, trả lời ý kiến của cử tri liên quan đến tình hình biển Đông.

Đại biểu này chia sẻ với sự bức xúc của cử tri, người dân về biển Đông và đồng thuận với quan điểm là chúng ta cần phải lên tiếng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc ở biển Đông.

Đại biểu Trần Lưu Quang cũng chia sẻ, tại kỳ họp Quốc hội này thì các đại biểu cũng dành một buổi để nghe về tình hình biển Đông. Các đại biểu đồng tình về giải pháp là trong từng thời điểm, chúng ta sẽ có những giải pháp phù hợp để bảo vệ chủ quyền ở biển Đông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP Hồ Chí Minh: Cử tri lo lắng nhiều cán bộ xuống cấp, tham nhũng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO