TP Hồ Chí Minh: Giãn cách xã hội, bình tĩnh dập dịch

THANH GIANG - ĐOÀN XÁ 09/07/2021 06:51

Trước tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP HCM diễn biến hết sức phức tạp,  với quyết tâm sớm khống chế, dập dịch, UBND TP HCM quyết định thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ 0h hôm nay, ngày 9/7.

Trong ngày 8/7, ghi nhận của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, các cấp chính quyền TP HCM và người dân đã và đang có sự chuẩn bị khá chu đáo, với quyết tâm dập dịch sớm nhất có thể.

Người dân mua thực phẩm chuẩn bị thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Chủ động “ở nhà” để phòng, chống dịch

Trái với những thông tin hoang mang lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người dân ở TP HCM cho biết đã có sự chuẩn bị trước việc chính quyền thành phố áp dụng việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Văn Hùng, 41 tuổi, chủ một cơ sở sản xuất ống nhựa tại xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) cho biết: “Từ hai tuần nay công nhân tại xưởng đã luân phiên làm việc. Riêng 2 tuần tới mình sẽ cho toàn bộ công nhân nghỉ việc theo khuyến cáo của chính quyền. Thời gian này mọi người nên ở nhà để tạo sự an tâm cho bản thân, gia đình và những người xung quanh. Chắc chắn sẽ khó khăn nhưng dù sao cũng tốt hơn là làm việc trong bất an”.

Bà Lê Thị Tuyết, 37 tuổi ngụ ở một chung cư phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân) chia sẻ, hàng ngày vẫn theo dõi sát thông tin tình hình dịch bệnh, lo lắng khi số ca nhiễm tại thành phố liên tục tăng cao trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, thành phố quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 bà thấy yên tâm hẳn.

Bà Tuyết bày tỏ: “15 ngày giãn cách là khoảng thời gian không ngắn nhưng sẽ thực hiện đóng cửa trong nhà cho an toàn. Hy vọng thời gian tới tình hình dịch bệnh sẽ được kiểm soát tốt hơn. Ai cũng thực hiện tốt quy định phòng, chống dịch chắc chắn thành phố sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh”.

Với việc áp dụng Chỉ thị 16, thêm nhiều hoạt động thông thường ở TP HCM sẽ bị hạn chế, cấm hoạt động, khiến không ít người mong muốn trở về quê, nhất là người dân ở các tỉnh thành lân cận. Một số ý kiến cho rằng, ở thành phố mà không làm việc sẽ tốn nhiều chi phí hơn so với ở quê. Vì vậy, giải pháp “rời phố về quê” cũng là một phương án được áp dụng trong tình hình khó khăn hiện nay.

Những ngày gần đây và nhất là ngày 8/7 trước giờ “G”, rất nhiều người đã sử dụng xe gắn máy cá nhân để di chuyển từ TP HCM ra các tỉnh thành lân cận cùng với tờ giấy xét nghiệm nCoV - tờ thông hành để nhập tỉnh, thành khác.

Điều tiết và kiểm soát thị trường

Lo ngại dịch bệnh căng thẳng không ai bán hàng hoặc tiếp tục khan hiếm nguồn cung ứng, từ chiều ngày 7 đến sáng ngày 8/7, rất nhiều người dân TP HCM tiếp tục mua hàng hóa về tích trữ để “ngủ đông” 15 ngày giãn cách xã hội. Từ sáng sớm 8/7, giống như khá nhiều người dân khác, bà Trần Hoàng Hoa (ngụ tại Khu phố Ông Nhiêu, phường Long Trường, Thủ Đức) vội vàng tìm điểm mua rau và ngạc nhiên là có rất nhiều người còn đi chợ sớm hơn.

“Rau củ quả 2 ngày nay đắt như tôm tươi, khách cứ lựa rồi người bán cho lên cân cả đống để tính tiền theo kiểu đồng giá. Hỏi giá cụ thể từng loại thì mặt hàng nào cũng ngất ngưởng” - bà Hoa cho hay và thêm rằng số tiền mua rau củ quả cho gia đình lên đến gần 700.000 đồng và tập trung chủ yếu là những loại củ, quả để được lâu.

Từ 0h ngày 9/7, UBND TP HCM yêu cầu tạm dừng bán vé số (đại lý vé số và vé số dạo) cũng như tạm dừng các dịch vụ ăn uống mang về trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 9/7.

Theo Chỉ thị số 16, gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, khu phố cách ly với khu phố, xã phường thị trấn cách ly với xã phường thị trấn, quận huyện cách ly với quận huyện.

Với người dân trên địa bàn, nếu tự tiện ra khỏi nhà không đúng quy định, không có lý do chính đáng sẽ bị lực lượng chức năng phạt theo quy định.

Trường hợp ra khỏi nhà (trong các hoạt động được phép) phải đeo khẩu trang, khử khuẩn; không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 m.

Ghi nhận của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, trước thông tin TP HCM áp dụng Chỉ thị 16 để giãn cách xã hội từ 0h ngày 9/7, cùng với 3 chợ đầu mối và khá nhiều chợ truyền thống đóng cửa, giá cả hàng hóa ở các chợ truyền thống, điểm bán lẻ đã tăng lên, đặc biệt mặt hàng rau xanh.

Ông Lâm Thanh Quốc - Tổng Giám đốc Satrafoods cho biết, do lượng khách mua hàng trong những ngày qua tăng mạnh dẫn đến tình trạng thiếu hụt cục bộ trong cung ứng. Đơn vị đã tăng cường thêm nhân viên để kịp thời cung cấp hàng hóa lên kệ.

Tương tự, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cũng thông tin, đơn vị đã tiến hành tăng trữ lượng hàng hóa thiết yếu. Ngoài bán hàng trực tiếp, đơn vị này còn đẩy mạnh bán hàng qua điện thoại, bán hàng qua app nhằm tạo thuận tiện cho người dân, đồng thời tránh tụ tập đông người.

Còn theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TP HCM, việc tập trung lượng người mua sắm tại cùng một thời điểm đã tạo nên sự thiếu hụt nhất định. Tuy nhiên, người dân không nên lo lắng về việc thiếu hụt lương thực trong mọi tình huống. Sở đã làm việc với các chuỗi cung ứng để kịp thời tăng nguồn hàng, tăng thời gian hoạt động của các điểm bán hàng.

Nhằm bảo đảm thị trường hàng hóa không bị khan hàng và biến động về giá, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP HCM chỉ đạo Sở Công thương và Sở Tài chính phải nắm bắt tình hình. Lãnh đạo thành phố yêu cầu Sở Công thương tham mưu cho UBND thành phố xem xét, phê duyệt phương án điều tiết hàng hóa thông qua việc chuyển đổi phương thức vận chuyển, giao nhận để đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt đến với người tiêu dùng trên địa bàn. Không để xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa. Tiếp tục triển khai chương trình bình ổn thị trường, đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, đảm bảo nguồn cung ứng.

Lãnh đạo thành phố giao Sở Tài chính theo dõi tình hình giá cả, tham mưu cho UBND thành phố kịp điều chỉnh kịp thời các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong chương trình bình ổn thị trường phù hợp với tình hình, đảm bảo định hướng và dẫn dắt thị trường. Đặc biệt, Sở Tài chính cần phối hợp với các bên liên quan triển khai công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm về giá.

Tận dụng thời gian giãn cách để tăng cường dập dịch

Thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, Chủ tịch UBND TP HCM cũng yêu cầu Sở Y tế thành phố chuẩn bị kế hoạch tổ chức để kiểm soát dịch bệnh trong 15 ngày giãn cách, kể từ 0h ngày 9/7. Theo ông Nguyễn Thành Phong, với 2.000 đội lấy mẫu, thành phố có thể lấy 1,3 mẫu xét nghiệm nCoV mỗi ngày. Cần tập trung lấy mẫu có trọng tâm, trọng điểm, trong đó chú ý đến những địa bàn có nguy cơ cao.

Lãnh đạo thành phố cho biết, năng lực xét nghiệm của thành phố hiện đạt 400.000 mẫu gộp một ngày. Lực lượng chức năng cần tăng cường thực hiện quy trình, gồm xác định các mốc dịch tễ, bộ phận điều phối truy vết, triển khai truy vết F1, rà soát và hoàn tất danh sách F1, tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm.

Sở Y tế cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng chống dịch. Kết nối camera giám sát lắp đặt tại tất cả khu cách ly tập trung, triển khai các giải pháp khai báo y tế điện tử, hỗ trợ điều tra dịch tễ bằng mã QR nhằm quản lý thông tin của tất cả người từng đi đến các địa điểm, giúp truy vết, điều tra dịch tễ nhanh chóng, chính xác khi phát hiện trường hợp nhiễm.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM cho hay, trong đợt dịch thứ 4, tính từ ngày 27/4 đến trưa ngày 8/7, thành phố đã ghi nhận hơn 8.300 ca nhiễm trong cộng đồng đã được Bộ Y tế công bố.

Đặc biệt trong 10 ngày gần đây, trung bình mỗi ngày phát hiện 500 - 600 trường hợp nhiễm mới. Số ca bệnh trong cộng đồng tăng hàng ngày, nhất là các trường hợp có triệu chứng đi khám các cơ sở y tế. Điều này cho thấy, tác nhân gây bệnh đã có ở khắp thành phố.

TP HCM sẽ quyết tâm tận dụng thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong 15 ngày tới cùng với các giải pháp đồng bộ phù hợp, quyết liệt hơn để kiểm soát dịch bệnh.

Theo đại diện HCDC, thành phố phải tận dụng ưu điểm của xét nghiệm kháng nguyên; xét nghiệm tầm soát có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với năng lực xét nghiệm; nâng cao khả năng cách ly và điều trị.

Nhiều người tập trung ở giáp ranh Long An và TP HCM.

Sáng ngày 8/7, tình trạng ùn tắc cục bộ hàng ngàn phương tiện ô-tô, xe gắn máy đã diễn ra ở các vùng giáp ranh giữa TP HCM và Long An kéo dài gần 10 km. Nguyên nhân chính là do chính quyền tỉnh Long An yêu cầu toàn bộ người từ địa bàn TP HCM qua phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19.

Tại cầu Tỉnh lộ 9 nối đường Nguyễn Văn Bứa (huyện Hóc Môn, TP HCM) và đường Tỉnh lộ 824 (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), nhiều phương tiện xe gắn máy, ô-tô đã phải vất vả quay đầu vì không có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19. Trong khi đó nhiều phương tiện không thể di chuyển vì ùn tắc, kéo dài tới tận khu vực Ngã Ba Giống của huyện Hóc Môn. Một số người dân cho biết họ làm việc ở khu công nghiệp Xuyên Á (huyện Đức Hòa) nhưng ở trọ bên xã Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn), hàng ngày vẫn đi làm bình thường nhưng nay bắt buộc phải có giấy xét nghiệm. Hầu hết công nhân đều không có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 và phải gọi điện xin nghỉ việc. Nhiều người dân ngụ tại địa phận tỉnh Long An cũng không thể qua địa bàn TP HCM.

Anh Trần Văn Hiệu, chủ một vựa thủy sản cho biết sáng nay anh đưa hàng lên TPHCM nhưng thấy các chốt Covid-19 kiểm soát gắt gao đành phải quay về. “Mình giờ lên thành phố thì được nhưng lúc về lại không có giấy xét nghiệm. Đợi tìm bệnh viện mà xét nghiệm được chắc tới mai. Thôi quay về rồi xem tình hình tính tiếp” - anh Hiệu cho biết.

Tương tự, tại quốc lộ 1A đoạn giáp ranh giữa huyện Bến Lức (Long An) và huyện Bình Chánh (TP HCM) tình trạng ùn tắc kẹt xe cũng diễn ra, kéo dài. Hàng ngàn phương tiện chủ yếu là xe tải chở hàng hóa bị ách tắc lại vì quy định bắt buộc phải có “giấy xét nghiệm âm tính”. Nhiều tài xế cũng không dám di chuyển vì sợ tình trạng “có đi mà không về được” do giấy này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP Hồ Chí Minh: Giãn cách xã hội, bình tĩnh dập dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO