TP Hồ Chí Minh: Hài hòa di sản kiến trúc trước xu hướng phát triển 'nóng'

Thành Luân 30/07/2019 08:00

Cùng quá trình đô thị hóa nhanh, TP HCM nằm trong nhóm các đô thị được cảnh báo dễ bị “loạn quy hoạch” hoặc phát triển thiếu bền vững, nếu không có kế hoạch cho bảo tồn các di sản kiến trúc, văn hóa, lịch sử…

TP Hồ Chí Minh: Hài hòa di sản kiến trúc trước xu hướng phát triển 'nóng'

Dinh Thượng Thư từng là một kiến trúc cổ được đề xuất đập bỏ để xây mới gây bức xúc dư luận tại TP HCM.

Theo các kiến trúc sư (KTS) người Pháp, cách đây gần 140 năm Pháp đã cho xây dựng tuyến đường nối Sài Gòn và Chợ Lớn (nay là Trần Hưng Đạo). Đây được coi là con đường di sản, có giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất này trong suốt tiến trình lịch sử của nó. Ngày nay, riêng Chợ Lớn còn bảo tồn được 19 di tích, trong đó có đến 11 di tích cấp quốc gia. Việc bảo vệ các công trình di sản này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh TP HCM đang thực hiện quá trình đô thị hóa với tốc độ cao.

Mới đây, PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đô thị và Phát triển đã lên tiếng trước thực trạng xuống cấp nhanh chóng của các công trình này. Có nhiều công trình đã đi vào lòng người và mang tính biểu tượng cho TP HCM, như chợ Bến Thành, chợ Tân Định, nhà thờ Đức Bà, trụ sở UBND TP thì đến nay cũng chưa được xếp hạng.

Cùng ý kiến này, KTS Nguyễn Văn Biểu cho biết, do nhu cầu về xây dựng hạ tầng giao thông nên một số công trình như tại vòng xoay Hàng Xanh trước đây, nay đã bị phá bỏ. Điều này là rất đáng tiếc vì một thời gian dài Hàng Xanh được coi như cửa ngõ phía Đông vào TP HCM và gắn liền với thành phố này như một biểu tượng. Do đó, ông Biểu cho rằng khi chính quyền muốn phá bỏ một công trình cổ nào để xây mới thì bắt buộc phải hỏi ý kiến của người dân và có báo cáo về tác động văn hóa - lịch sử, môi trường hiện, như một cách để ngăn chặn việc xâm phạm thô bạo vào di tích.

Một nghiên cứu cũng thông kê về gần 110 thiết chế văn hóa nằm ở khu vực Q.5 (trung tâm văn hóa Chợ Lớn xưa) như lăng, nhà cổ, khu phố cổ, bia tưởng niệm, hội quán, đền, miếu mạo,… cũng đang nằm ngoài các kế hoạch bảo tồn của thành phố, dù rằng nhiều lần UBND TP đã thực hiện việc kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa… Điều này là rất đáng báo động, khi các di sản này có nhiều giá trị về mặt lịch sử chính trị, văn hóa, góp phần giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc, định hướng nhân cách và lối sống tốt đẹp trong nhân dân.

Theo KTS Nguyễn Văn Biểu, Luật Di sản văn hóa có hiệu lực cách đây gần 20 năm với việc khuyến khích xã hội hóa trong bảo tồn di sản văn hóa. Ngoài ra, Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa chống xuống cấp di tích cũng đã được thực hiện ở nhiều địa phương, đem lại cơ hội cho việc tham gia vào bảo tồn, tu bổ di tích, huy động được từ nhiều nguồn lực xã hội, đồng thời cũng giúp tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho các di tích.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn, trong đó có KTS Ngô Viết Nam Sơn cảnh báo, nếu TP HCM chờ sửa đổi, bổ sung Luật Di sản (đang tồn tại nhiều hạn chế) thì sẽ có không ít các di sản sẽ bị phá hủy hết. Do đó, TP cần vận dụng ngay cơ chế đặc thù (Nghị quyết 54) để cho phép được cải tạo, chỉnh trang các di tích để bảo tồn kịp thời nhiều công trình cổ có giá trị nhưng đang bị xuống cấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP Hồ Chí Minh: Hài hòa di sản kiến trúc trước xu hướng phát triển 'nóng'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO