TP Hồ Chí Minh: Kinh doanh vẫn chật vật

ĐOÀN XÁ 10/11/2021 07:30

Sau hơn một tháng được phép mở cửa kèm theo các điều kiện, nhiều dịch vụ kinh doanh ăn uống, giải khát, cà phê ở TP HCM đang rơi vào cảnh ế ẩm, ít khách. Trong khi đó, một số dịch vụ kinh doanh loại hình tương tự nhưng ở mức bình dân lại có xu hướng đông khách hơn.

Khảo sát các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê trên tuyến đường Lê Trọng Tấn, quận Tân Phú (TP HCM) mấy ngày gần đây cho thấy, lượng khách đến rất ít. Đây là tuyến đường tập trung nhiều quán ăn, nhà hàng lớn trong khu vực, thường rất đông đúc khi chưa có dịch bệnh. Chủ một quán lẩu nướng hải sản cho biết, hiện nay quy định về bán hàng của thành phố vẫn chưa thống nhất, luôn có sự thay đổi nên việc kinh doanh của người dân gặp khó.

“Để mở cửa một nhà hàng cần nhập nguyên vật liệu, tuyển nhân viên, đầu bếp, trang trí lại bàn ghế, phòng ốc cũng như hệ thống đèn điện. Thời gian này dịch bệnh nên kinh doanh khó khăn. Nhiều chủ quyết định đóng cửa nhà hàng do tiền thuê mặt bằng không kham được. Còn mở cửa thì có nhiều khoản khác phải gánh, trong khi chưa rõ nhu cầu người dân ra sao. Như quán của tôi mở lại cách đây 3 tuần. Mấy ngày đầu còn có khách, sau thưa dần vì người dân hạn chế tập trung đông người và tình hình dịch bệnh liên tục thay đổi, ảnh hưởng tới tâm lý, chi tiêu” – vị chủ quán chia sẻ.

Theo ghi nhận, nhiều nhà hàng, quán ăn ở khu vực này và khu vực quận Tân Phú, Gò Vấp, Tân Bình... vẫn chưa mở cửa trở lại, dù thành phố đã cho phép. Anh Nguyễn Ngọc Duy, 34 tuổi, chủ một nhà hàng hải sản lớn ở phường Tân Chánh Hiệp (quận 12) cho biết sau một thời gian cân nhắc anh quyết định chưa mở lại quán.

“Hồi còn giãn cách do dịch, tôi cùng mấy nhân viên trong quán mở bán thực phẩm online, đăng ký xe luồng xanh rất đông khách. Hải sản ngày nào cũng được vận chuyển từ Long Hải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) lên giao cho khách đặt trực tuyến. Thời gian này tôi thấy kinh doanh như vậy phù hợp hơn nên quyết định chưa mở cửa nhà hàng. Bởi chi phí để duy trì một nhà hàng là rất lớn”, anh Duy cho biết.

Theo khảo sát của PV, hiện nay nhiều nhà hàng, quán ăn sang trọng có vị trí đẹp đã chuyển sang kinh doanh thực phẩm, rau củ quả đồ ăn tươi sống. So với nhu cầu ăn uống tại chỗ, việc mua hàng mang về đang thu hút đông đảo người dân hơn so với trước.

Trái ngược với những quán ăn, nhà hàng ế ẩm thì dịch vụ cà phê, quán ăn sáng bình dân ở TP HCM lại khá đông khách. Bà Đặng Thị Chi, 45 tuổi, chủ quán bún bò Út Chi ở phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân) cho biết, thời gian gần đây chị bán khá tốt.

“Hầu hết khách đặt trực tuyến và mang về. Có ngày tôi bán được tới 35 ký bún, nhiều khi tối muộn còn có khách đặt hàng”, bà Chi kể. Theo chủ quán bún bò Út Chi thì, nguyên nhân khiến quán đông khách hơn là do nhiều quán khác trong khu vực chưa mở cửa trở lại. Được biết, không riêng gì quán của bà Chi, nhiều dịch vụ bán đồ ăn, đồ uống bình dân hiện nay ở TP HCM rất đông khách, đặc biệt là thời gian buổi sáng do nhiều người hạn chế chi tiêu sau thời gian dịch bệnh.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, sau gần 2 tuần thí điểm cho phép kinh doanh ăn uống tại chỗ, chính quyền TP HCM đang cân nhắc để đưa ra quyết định có tiếp tục cho phép hình thức kinh doanh này hay không vào ngày 15/11.

Theo ông Mãi, sau thời gian thí điểm thành phố nhận được nhiều ý kiến trái chiều về việc kinh doanh ăn uống tại chỗ cũng như số ca nhiễm Covid-19 tăng cao, dịch bệnh có chiều hướng phức tạp hơn. Ngoài ra, ông Mãi cũng cho biết, do cấp độ dịch ở các quận huyện thành phố trực thuộc khác nhau và người dân lại được di chuyển tự do nên việc quyết định kinh doanh ăn uống tại chỗ thời gian tới sẽ theo tinh thần của Nghị quyết 128 của Thủ tướng Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP Hồ Chí Minh: Kinh doanh vẫn chật vật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO