TP Hồ Chí Minh: Những đối tượng nào không cần giấy đi đường từ nay đến 30/9?

17/09/2021 09:20

Chiều 16/9, Công an TP Hồ Chí Minh đã ban hành thông báo số 3660 để triển khai, thực hiện công văn 3072 của UBND TP Hồ Chí Minh, trong đó có các quy định về giờ giấc đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, giảng viên, giáo viên... và nhóm này không cần giấy đi đường.

Chiều 16/9, UBND TP Hồ Chí Minh và Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo định kỳ thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.

Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh trong chiều 16/9, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đã ban hành thông báo số 3660 để triển khai, thực hiện công văn 3072 của UBND TP Hồ Chí Minh.

Đáng chú ý, thông báo 3660 có các quy định về giờ giấc đối với cán bộ công chức, viên chức, người lao động... và nhóm đối tượng này cũng không cần giấy đi đường khi lưu thông trên đường.

Cụ thể, đối với nhân viên các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không đang làm việc “3 tại chỗ” tại Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất được phép di chuyển thay ca làm việc, thời gian lưu thông từ 12h đến 14h hàng ngày; kiểm tra khai báo y tế trên phần mềm của Bộ Công an.

Đối với cán bộ, công nhân viên, người lao động ngành tài chính ngân hàng, chứng khoán sẽ được lưu thông đổi ca làm việc hàng tuần, thời gian di chuyển từ 16h30 đến 18h ngày thứ Sáu và 6h30 đến 8h ngày thứ Hai.

Đối với nhân viên doanh nghiệp xăng dầu, gas được lưu thông đổi ca làm việc từ 13h đến 15h ngày Chủ nhật hàng tuần.

Người lao động thuộc các doanh nghiệp nhà nước (điện lực, bưu điện, viễn thông…) được lưu thông đổi ca làm việc, thời gian từ 15h đến 17h thứ Bảy và 6h đến 7h30 thứ Hai hàng tuần.

Đặc biệt, khi lưu thông trên đường tất cả các nhóm trên phải mặc đồng phục nhận diện của ngành, doanh nghiệp, đeo thẻ nhân viên, có lịch đổi ca của đơn vị và khai báo y tế qua phần mềm của Bộ Công an.

Đối với công nhân làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao: Phải nghỉ việc về nhà khi nhà máy ngưng hoạt động; người lao động đến nhà máy đổi ca làm việc (thời gian đổi ca không dưới 7 ngày/1 lần) hoặc người lao động đến làm việc tại công ty, nhà máy mở cửa hoạt động được phép lưu thông trong thời gian từ 9h đến 11h hoặc từ 14h đến 16h.

Các shipper giao hàng cho người dân đang sinh sống tại quận Bình Thạnh sau khi được phép hoạt động liên quận từ 0h ngày 16/9.

Trong đó, công nhân lưu thông từ nhà máy, công ty đến nơi cư trú; nhân viên công ty, doanh nghiệp được Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao xác nhận và ghi rõ thời gian lưu thông như trên; có xét nghiệm âm tính trong thời gian 5 ngày; có khai báo y tế trên phần mềm của Bộ Công an.

Đối với nhân viên bưu cục, giáo viên vận chuyển sách đến nhà cho học sinh phải mặc đồng phục ngành, đeo thẻ ngành; có sách hoặc lịch, danh sách địa điểm giao sách; khai báo y tế trên phần mềm của Bộ Công an.

Đối với giảng viên, giáo viên lưu thông đến trường hoặc điểm dạy học trực tuyến được lưu thông phù hợp với lịch dạy học, mang thẻ ngành; có lịch giảng dạy được ban giám hiệu nhà trường ký duyệt; thực hiện khai báo y tế trên phần mềm của Bộ Công an.

Ngoài ra, theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, từ ngày 16/9, shipper cũng được phép hoạt động liên quận nhưng phải đảm bảo các quy định phòng dịch, tiêm ít nhất 1 mũi vaccine Covid-19, xét nghiệm mẫu gộp 2 ngày/lần.

Nhân viên giao nhận hàng hóa của doanh nghiệp hoạt động trong quận, huyện theo chỉ đạo UBND TP Hồ Chí Minh; phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch và thực hiện xét nghiệm mẫu gộp 3 người, tần suất 2 ngày/lần; kinh phí xét nghiệm do doanh nghiệp, hộ kinh doanh tự chi trả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP Hồ Chí Minh: Những đối tượng nào không cần giấy đi đường từ nay đến 30/9?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO