TP Hồ Chí Minh qua 1 tuần chống dịch

Nhóm phóng viên 09/06/2021 07:15

Trước tình trạng Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP HCM quá tải do có nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 nặng, Sở Y tế và BV bệnh Nhiệt đới đã làm việc với BV Chợ Rẫy để chuyển bệnh nhân sang điều trị tại đây. Tính đến thời điểm này, TP HCM đã qua 1 tuần chống đợt bùng phát mới của Covid-19.

Tập trung xét nghiệm y tế tại quận Gò Vấp, TP HCM. Ảnh: Nguyễn Kim.

Dịch Covid-19 đã có chiều hướng giảm

Tính đến sáng 8/6, BV bệnh Nhiệt đới TP HCM đang điều trị cho 31 bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó có 17 trường hợp viêm phổi nặng cần được thở máy, lọc máu.

Ngoài ra, có 3 trường hợp rất nặng đang được chạy ECMO, gồm: bệnh nhân số 2983 (từ An Giang chuyển đến), bệnh nhân số 7445 (từ Long An chuyển đến) và bệnh nhân số 8346 (từ Tây Ninh chuyển đến). Đặc biệt, các bệnh nhân số 7455 và số 8346 có tiên lượng rất nặng.

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh tại TP HCM từ chùm lây nhiễm xuất phát từ nhóm truyền giáo Phục Hưng ở quận Gò Vấp. Trước diễn biến phức tạp từ chùm lây nhiễm này, UBND thành phố đã quyết định áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) và Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ trong toàn thành phố từ 0 giờ ngày 31/5.

Với những giải pháp quyết liệt trên và nỗ lực truy vết, khoanh vùng nhanh chóng của ngành y tế, các cơ quan chức năng, sau hơn 1 tuần triển khai, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố đã có chiều hướng giảm, từng bước khống chế được các chuỗi lây nhiễm lớn.

Chùm lây nhiễm xuất phát từ nhóm truyền giáo Phục Hưng (quận Gò Vấp) được ghi nhận những trường hợp đầu tiên từ ngày 26/5 và đến sáng 8/6 đã có 372 trường hợp dương tính được công bố. Kết quả giải trình tự gen SARS-CoV-2 của 7 người bệnh đầu tiên trong chuỗi lây nhiễm này đều thuộc biến chủng phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ, B.1.617.2.

Đáng chú ý, trong số 10 trường hợp nhiễm mới được công bố sáng 8/6 liên quan đến chùm lây nhiễm từ nhóm truyền giáo trên đã có một trường hợp lây nhiễm đến vòng thứ 5. Từ ngày 26/5 đến hết ngày 7/6, lực lượng chức năng thành phố đã lấy 443.081 mẫu xét nghiệm, trong đó 5.824 tiếp xúc gần, 437.257 tiếp xúc khác và mở rộng xét nghiệm.

Cũng từ chuỗi siêu lây nhiễm nhóm truyền giáo Phục Hưng xuất hiện chùm lây nhiễm lớn tại các công ty. Trong đó, Công ty TNHH phát triển giải pháp tầm nhìn IDS (quận Tân Phú) có 37 ca xác định mắc bệnh; từ chuỗi lây nhiễm này đã phát sinh ổ dịch tại tòa nhà SAMCO (Quận 1) với 5 ca bệnh.

Công ty TNHH đầu tư dịch vụ Thiên Tú FN (Văn phòng lầu 4 thuộc tòa nhà Phan Khang, số 1 Hoàng Việt, quận Tân Bình) có 91 ca xác định dương tính với SARS-CoV-2.

Công ty Thiên Tú có 471 nhân viên được chỉ định cách ly tập trung từ ngày 28/5, đã phát hiện 71 người mắc Covid-19, trong đó có 46 người phát hiện trước khi cách ly và 25 người đã được cách ly tập trung, xét nghiệm 1 lần âm tính.

Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy, trong chuỗi lây nhiễm liên quan nhóm truyền giáo Phục Hưng phát hiện 3 ca bệnh là người làm việc trong các khu công nghiệp. Tuy nhiên, nhờ phát hiện sớm, xử lý dập dịch triệt để nên đến nay chưa ghi nhận có lây lan dịch bệnh trong khu vực này.

Từ khi bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 trên địa bàn, đặc biệt liên quan đến chuỗi lây nhiễm từ nhóm truyền giáo Phục Hưng, TP HCM ghi nhận 14 BV và 6 phòng khám đa khoa có ca dương tính từng đến kiểm tra, khám sàng lọc.

Các cơ sở này đều phải tạm ngưng tiếp nhận người bệnh để điều tra, xác minh người tiếp xúc, vệ sinh khử khuẩn đầy đủ trước khi hoạt động bình thường trở lại. Riêng BVĐK Nam Sài Gòn và BV quận Tân Phú có 5 trường hợp nhân viên y tế mắc bệnh, đã được phong tỏa, ngưng hoạt động để kiểm soát nguồn lây nhiễm.

Theo Sở Y tế TP HCM, với chùm ca bệnh liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng, dịch bệnh đã lây truyền âm thầm trong thời gian dài (kể từ ngày 16/5 khi thành viên đầu tiên có triệu chứng đến ngày 26/5 mới được phát hiện mắc bệnh).

Do đó đã có tới 40/55 thành viên của Nhóm truyền giáo Phục Hưng bị lây nhiễm và dịch tiếp tục lây truyền qua nhiều chu kỳ (chuỗi quán cà phê Trung Nguyên đã lây qua 5 chu kỳ). Công tác điều tra dịch tễ để khoanh vùng dập dịch gặp khó khăn, kéo dài do số lượng thành viên hội giáo nhiều, khó tiếp xúc và khai báo chưa đầy đủ từ ban đầu. Số lượng ca bệnh bị lây nhiễm nhiều và nhanh, trải rộng 21/22 địa phương của TP HCM (trừ huyện Cần Giờ chưa ghi nhận ca mắc trong cộng đồng).

Có hình thức cách ly phù hợp cho các “F”

Nhìn lại 1 tuần chống dịch, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, dịch đã bùng phát mạnh trong những ngày đầu, cao điểm ghi nhận 70 ca bệnh/ngày. Nhờ các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt, kịp thời của thành phố, sau 6 ngày áp dụng giãn cách xã hội, số ca bệnh phát hiện hàng ngày đang có dấu hiệu giảm dần, còn khoảng 20-25 ca trong cộng đồng và các ca phát hiện trong khu cách ly hoặc khu phong tỏa.

Theo ông Bỉnh, các chuỗi lây nhiễm đã biết tại thành phố đã từng bước được khống chế. Mặc dù có những ca bệnh chưa rõ nguồn gốc phát hiện trong cộng đồng nhưng trong giai đoạn giãn cách xã hội nên nguy cơ tiếp xúc thấp, không phát tán rộng, chỉ lây lan đến 1, 2 thành viên trong gia đình. Nguồn gốc các ca bệnh này có thể do dịch bệnh đã âm thầm lây lan trong cộng đồng từ trước, do việc tiếp xúc, đi lại nhiều của người dân trong dịp nghỉ lễ.

Liên quan đến công tác điều trị, sàng lọc bệnh nhân Covid-19, Sở Y tế TP HCM đảm bảo đủ năng lực các khu cách ly tập trung và điều trị cho 1.000 người, đồng thời chuẩn bị đầy đủ phương án triển khai trước cho kế hoạch có thể có 5.000 người mắc.

Sở mở rộng khu cách ly tập trung tại mỗi quận, huyện lên 200 giường, riêng thành phố Thủ Đức 600 giường để tiếp nhận, cách ly tạm thời các trường hợp F1 trên địa bàn, trước khi chuyển đi khu cách ly tập trung.

Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch tăng cường năng lực lấy mẫu, tổ chức 920 tổ lấy mẫu với công suất 200 mẫu/tổ/buổi; nâng tổng công suất lấy mẫu toàn thành phố là 184.000 mẫu/buổi, qua đó phát hiện kịp thời các trường hợp mắc Covid-19 để thực hiện giám sát, cách ly, điều trị và xử lý dập dịch triệt để.

Chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 trong những ngày tới, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên lưu ý, hiện nay số lượng người cách ly cao, số chỗ trong các cơ sở cách ly tại địa phương còn ít, một số ca dương tính chưa tìm được nguồn lây và nguy cơ còn tiềm ẩn ngoài cộng đồng. Do vậy, các ngành, cấp không được chủ quan lơ là.

Đối với việc cách ly, thành phố cần xây dựng các phương án dự phòng, tăng cường thêm 30-40% năng lực cách ly để không bị động; có hình thức cách ly phù hợp cho các đối tượng “F” khác nhau, bảo đảm an toàn và chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly.

Cùng đó là cần đảm bảo việc thực hiện “mục tiêu kép”, sản xuất kinh doanh an toàn nhưng không cứng nhắc, có thể nới rộng sản xuất khi đã kiểm soát được dịch bệnh. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa sản xuất vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho đến thời điểm hiện nay cơ bản đã khoanh vùng, khống chế ban đầu được ổ dịch. Tuy nhiên, vẫn còn những ca F1 ở các nhánh, chi nhánh của ổ dịch vẫn chưa khai báo hoặc khai báo chậm nên việc truy vết vẫn còn tiếp diễn. TP HCM cần quyết liệt phát huy tiếp trong 9 ngày tiếp theo để có cơ hội khống chế dịch hoàn toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP Hồ Chí Minh qua 1 tuần chống dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO