TP Hồ Chí Minh: Thách thức của ngành vận tải công cộng

LÊ ANH 24/12/2021 13:00

Hoạt động cầm chừng kể từ đầu tháng 10 đến nay do “ế khách”, ngành vận tải hành khách công cộng TP HCM đang đứng trước nhiều thách thức. Cùng đó, những tồn đọng và khó khăn trong thời gian giãn cách kéo dài gần 6 tháng qua, đến nay cũng chưa được giải quyết dứt điểm.

Hoạt động vận tải hành khách công cộng bắt đầu hoạt động trở lại kể từ khi TP HCM thực hiện nới lỏng giãn cách và chuyển sang giai đoạn bình thường mới. Cụ thể, từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 11, ngành xe buýt thành phố khôi phục hoạt động tại gần 100 tuyến quan trọng, bao gồm cả trợ giá và không trợ giá. Thế nhưng, tình trạng chung tại các tuyến xe buýt trung tâm đều chỉ đạt khoảng 50% công suất hoạt động.

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP HCM, hiện nay trên địa bàn thành phố duy trì hoạt động 126 tuyến xe buýt, bao gồm 90 tuyến trợ giá và 36 tuyến không trợ giá. Do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid-19, kể từ giữa tháng 6/2021 toàn bộ các tuyến xe buýt đã phải tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch.

Từ đầu tháng 10 đến nay, đã có 84 tuyến xe buýt trợ giá hoạt động lại. Cho đến thời điểm hiện tại, thống kê sơ bộ về số chuyến/ngày đã giảm sâu tới 61%, trong khi lượng hành khách/ngày giảm tới 41% so với trước thời điểm giãn cách xã hội. Ngành GTVT TP HCM dự báo hoạt động xe buýt trên địa bàn trong cả năm 2021 chỉ đạt hơn 2,7 triệu chuyến. Con số này giảm tới hơn 2,4 triệu chuyến so với dự toán được duyệt.

Đến thời điểm này, Sở GTVT TP HCM vẫn đang loay hoay giải quyết những tồn đọng, khó khăn của ngành vận tải hành khách công cộng thành phố.

Không chỉ đối mặt với thách thức do dịch bệnh, nhiều năm nay TP HCM đang “đau đầu” tìm hướng phát triển của ngành vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố. Dự án xe buýt nhanh (BRT) từng là cứu cánh của ngành này, nhưng ngày càng lạc lõng trước sự xuất hiện của nhiều loại hình di chuyển thông minh đang được đầu tư bài bản. Tình trạng “ế ẩm” buộc Sở GTVT kiến nghị tạm hoãn thực hiện đối với dự án xe buýt nhanh cho đến khi đảm bảo đồng bộ các điều kiện về hạ tầng, kết nối giao thông cần thiết.

Trước đó không lâu, ngành GTVT cũng muốn “xé rào” với đề xuất về xe buýt mini vì loại hình này phù hợp các đường nhỏ trên địa bàn, tăng tiếp cận người dân. Với đề xuất này, Bộ GTVT cũng đã có ý kiến yêu cầu phải rà soát tính khả thi khi xe buýt từ 12 - 17 chỗ hoạt động trên địa bàn thành phố. Sau khi các yếu tố đảm bảo khả thi mới báo cáo Thủ tướng xem xét cho thí điểm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, đề xuất này vẫn còn nằm trên giấy.

Sở GTVT TP HCM mới đây tiếp tục kiến nghị UBND TP HCM về việc rà soát một số nội dung dự án phát triển loại hình giao thông xanh trên địa bàn. Dự án này trên cơ sở xây dựng tuyến xe buýt nhanh BRT (số 1), tận dụng từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới, còn lại là vốn đối ứng trong nước để triển khai, dự kiến hoàn thành vào năm 2022.

Phương án này cũng là giải pháp thay thế cho xe buýt BRT số 1 trong thời gian tạm hoãn, đồng thời tranh thủ nguồn vốn đã được tài trợ. Hiện nay, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM chịu trách nhiệm báo cáo phương án tiếp tục triển khai dự án phát triển giao thông xanh thành phố để gửi UBND thành phố xem xét, quyết định.

Giới chuyên gia đánh giá, việc đổi mới hoạt động ngành vận tải hành khách công cộng tại các đô thị lớn như TP HCM và Hà Nội là vấn đề nan giải, đòi hỏi sự phát triển đồng bộ cả về mặt cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông và yếu tố con người (điều hành, chất lượng phục vụ,…).

Việc đổi mới là rất cấp thiết để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân cũng như xu hướng phát triển nhiều loại hình giao thông thông minh hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP Hồ Chí Minh: Thách thức của ngành vận tải công cộng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO