TP Thủ Đức: Khó vận hành do xáo trộn bộ máy

LÊ ANH 17/02/2022 07:17

Sau hơn một năm thành lập, bộ máy chính quyền, hành chính của TP Thủ Đức còn nhiều xáo trộn, thiếu cả nguồn lực con người lẫn cơ chế đặc thù để hoạt động.

Một góc đô thị trung tâm của TP Thủ Đức hiện nay. Ảnh: Hồng Phúc

Một trong những kỳ vọng hàng đầu của thành phố là được Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm thông qua cơ chế đặc thù để vận hành phù hợp với quy mô của một đô thị hơn một triệu dân, cùng áp lực duy trì mức đóng góp 30% tổng sản phẩm GRDP cho TP HCM và 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho cả nước.

Thiếu hụt nhân lực

Tại hội thảo khoa học về cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Thủ Đức mới đây, ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức cho biết, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay để vận hành chính quyền đô thị mới là vấn đề về cơ chế hoạt động của TP Thủ Đức vẫn đang tương đương với chính quyền cấp quận, huyện.

Vì vậy, thành phố không đủ yếu tố con người để vận hành và hoạt động hiệu quả. Do đó, mong muốn lớn nhất của thành phố là sớm được phân cấp, ủy quyền mạnh để tạo thuận lợi phát triển, giải quyết các bức xúc trước mắt của người dân và doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn.

Giải thích rõ hơn về những bất cấp, tồn tại sau một năm thành lập TP Thủ Đức, ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết, do chưa có một cơ chế đặc thù phù hợp với quy mô của một đô thị loại 1 nên còn các vấn đề tồn tại về nhân lực, bộ máy vận hành, ngân sách cho đầu tư phát triển, công tác thực hiện quy hoạch,...

Dẫn chứng một vấn đề cụ thể, ông Hoàng Tùng cho biết, năm 2021 số kết dư của TP Thủ Đức chỉ khoảng 200 tỷ đồng và nếu với mức này thì sau 5 năm thành phố chỉ có thể xây được 3 trường trung học, trong khi mới chỉ tính riêng tiền xây dựng, chưa tính tới các chi phí về đền bù giải phóng mặt bằng.

Việc thiếu cơ chế hoạt động đúng nghĩa đối với quy mô đô thị hơn một triệu dân dẫn đến nguồn lực con người của thành phố thiếu trầm trọng. Theo Đề án thành lập TP Thủ Đức quy định số lượng biên chế năm 2022 chỉ là 459 người trên cơ sở nhân lực của 3 quận 2, 9 và Thủ Đức sau sáp nhập.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết, số lượng nhân lực này là không đủ để đáp ứng khối lượng công việc lớn của thành phố, vốn phải quản lý một địa bàn rất rộng và đông dân. Trong khi đó, khi rà soát để tinh giảm hay đưa về phường, cán bộ rất trăn trở, thậm chí không ít cán bộ xin nghỉ.

Đơn cử tại một số phường tại Quận 2 (cũ) có nơi cán bộ chủ chốt xin nghỉ vì áp lực công việc tăng gấp đôi nhưng lương vẫn dậm chân tại chỗ.

Tại phường An Khánh (Quận 2 cũ), ông Hồ Hải Phong, Chủ tịch UBND phường này cho biết, sau khi sáp nhập vào TP Thủ Đức thì 2 phường Bình An và Bình Khánh sáp nhập thành phường An Khánh hiện nay, cùng với việc khối lượng công việc cũng tăng gấp đôi.

Trong năm qua, các xáo trộn và sức ép công việc đã khiến một nhóm cán bộ, nhân sự của phường phải nghỉ việc. Ngoài thu nhập thấp (khoảng 3-4 triệu/tháng) những người xin nghỉ việc còn không chịu nổi áp lực giải quyết số lượng hồ sơ hành chính tăng cao.

Cần cơ chế đặc thù

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, thời gian qua dù tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng thành phố vẫn duy trì mức đóng góp rất đáng kể cho TP HCM và cả nước.

Theo ông Ngân, TP Thủ Đức đóng vai trò hạt nhân sự tăng trưởng của TP HCM và coi đây là động lực tăng trưởng mới của đô thị lớn nhất cả nước kể từ khi được gộp vào từ 3 quận phía Đông của thành phố. Tuy nhiên, vấn đề rất quan trọng hiện nay là phải tìm ra cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP Thủ Đức đúng như kỳ vọng và mong đợi của chính quyền và nhân dân thành phố.

Hiện nay, do những vấn đề còn tồn tại trong vận hành TP Thủ Đức, UBND TP HCM đã và đang chủ động phối hợp cùng các bộ ngành Trung ương để xây dựng Đề án cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Thủ Đức. Từ đó, Chính phủ có cơ sở đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Thủ Đức trong thời gian sớm nhất.

Tại buổi làm việc mới nhất với Sở Nội vụ TP HCM, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chỉ đạo Sở này tập trung vào nghiên cứu cơ chế đặc thù để vận hành một đô thị có vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi vì, TP Thủ Đức phải có cơ chế đặc thù vượt trội mới đáp ứng được quy mô cũng như sự đóng góp của đô thị này.

“Nếu không giải quyết mối quan hệ này cho tốt thì cơ chế TP Thủ Đức sẽ bị đụng với TP HCM” - ông Mãi thẳng thắn chỉ ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP Thủ Đức: Khó vận hành do xáo trộn bộ máy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO