Trả nghĩa đồng đội

Hải Nhi 21/07/2017 10:05

Đối với những người lính trong thời bình, không gì vui sướng bằng làm được một ngôi nhà cho đồng đội nhưng tìm được mộ đồng đội đưa về quê hương thì niềm hạnh phúc ấy càng được nhân lên gấp bội. Đó cũng là cảm xúc của Đại tá Nguyễn Thanh Truyền, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Sư đoàn 5 miền Đông Nam Bộ các tỉnh phía Bắc chia sẻ với chúng tôi khi ngày 27-7 đang tới gần.

Các thành viên của Hội trong một chuyến khảo sát xây nhà tình nghĩa hỗ trợ đồng đội tại tỉnh Hòa Bình.

Xây nhà tặng đồng đội – khó mấy cũng làm

Thực hiện nguyện vọng của các cựu binh Sư đoàn 5, năm 1999 “Hội bạn chiến đấu, CCB Sư đoàn 5 phía Bắc” được thành lập. Theo Đại tá Nguyễn Thanh Truyền, đến nay hội đã tập hợp được trên 3.000 hội viên sinh hoạt ở 24 tỉnh, thành phố.

“Khẩu hiệu hành động của chúng tôi là “Trọn nghĩa nước non, vẹn tình đồng đội”. Trọn nghĩa nước non chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, giờ chúng tôi đang thực hiện vế thứ hai vẹn tình đồng đội, đây là vế thực sự rất khó khăn”, Đại tá Truyền chia sẻ.

Nhưng khó mấy cũng phải làm, theo Đại tá Truyền, đầu tiên Hội giúp đỡ đồng đội thương binh, chất độc da cam. Một số anh em có điều kiện đóng góp, rồi vận động tài trợ để tặng quà các thương binh, người nhiễm chất độc da cam. Hội không câu nệ vào dịp 27-7 mà là cả năm, hễ cứ có điều kiện xin được tài trợ là lên đường giúp đồng đội.

Việc tiếp theo là làm nhà tình nghĩa cho đồng đội. “Chúng tôi đi đến các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hòa Bình... thấy rất nhiều anh em đang sống vất vả. Họ là những người thương binh, người nhiễm chất độc da cam, về phục viên cuộc sống khó khăn, sức khỏe yếu... Không ít người bị thương, bị nhiễm chất độc da cam mà không làm được thủ tục để hưởng trợ cấp. Cuối cùng đành phải ngậm ngùi vậy thôi”, Đại tá Truyền tâm tư.

Cho đến nay Hội đã giúp xây được 45 nhà, ngôi nhà thứ 46 đang triển khai, từ nay đến 2/9 tới sẽ hoàn thành, phấn đấu từ nay đến cuối năm 2017 sẽ làm được từ 2-3 nhà cho đồng đội.

Hiện Đại tá Truyền cũng đang giữ hơn 10 hồ sơ có hoàn cảnh rất khó khăn, ngay ở Hà Nội cũng có trường hợp cần hỗ trợ.

Đưa đồng đội về bằng trí nhớ

Với Hội Cựu chiến binh Sư đoàn 5, việc tìm hài cốt đồng đội và giúp các thân nhân tìm mộ liệt sỹ là một việc làm đầy nhân văn. Đây cũng là câu chuyện hay, ly kỳ.
Có những trường hợp đưa đồng đội về bằng trí nhớ. Như Đại tá Vũ Ngọc Bút chia sẻ: Đây là điều đau đáu trong lòng, vì mình được may mắn trở về, nên cũng mong muốn đồng đội mình được trở về.

Theo Đại tá Bút, tại trận chiến đấu ở Đập Ông Tải, xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, người hy sinh là liệt sỹ Quách Đại Vinh, quê ở Thanh Xá, Thanh Hà, Hải Dương. Ông Bút nhớ như in nơi chôn cất người đồng đội. Nhưng địa hình thay đổi sau nhiều năm, vậy tìm bằng cách nào?!

“Hôm đó, rất may tôi tìm được người trưởng ấp lúc đó cụ 86 tuổi. Thấy tôi hỏi thăm, ông cụ bảo: Có phải các anh tìm cái anh bị bắn chết vỡ đầu không? Trước chôn anh ấy ở dưới gốc dừa nhà tôi đây, khi làm nhà tôi chuyển anh ấy sang một chỗ khác. Và ông cụ dắt tôi đến chỗ cách nhà chừng 3km. Tôi gọi cho anh ruột của liệt sỹ Vinh là anh Quách Đại Liên, và thông báo với các anh trong ban liên lạc đưa liệt sỹ về quê. Và chúng tôi đã đưa liệt sỹ Vinh về đến quê hương Hải Dương”, Đại tá Vũ Ngọc Bút nhớ lại.

Cũng theo đại tá Vũ Ngọc Bút, việc tìm mộ đồng đội cũng dựa vào nhật ký của từng trận đánh từ khi thành lập của quân khu và sư đoàn. Đơn vị nào, đánh vào đâu? Giờ nào? thì sẽ biết chính xác nơi các chiến sỹ hy sinh.

Hay trường hợp của Liệt sĩ Đỗ Văn Mông, ở huyện Kiến Thụy, Hải Phòng gia đình được tin là hy sinh ở Quảng Trị. Nhưng nhờ trang web của chúng tôi mới liên hệ hỏi lại thì đồng chí Mông hy sinh ở Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho xưa. Gia đình anh Mông vào đó tìm, thử ADN và có kết quả chính xác.

“Chúng tôi đưa anh Mông về, lúc đó mẹ anh đã 97 tuổi sống trong căn nhà xiêu vẹo. Gia đình anh Mông có 2 liệt sỹ nhưng mẹ chưa được phong tặng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Chính về thế, chúng tôi đề nghị tỉnh, Trung ương nên giải quyết chế độ Mẹ Việt Nam anh hùng, đồng thời cũng xin tài trợ để làm nhà hỗ trợ mẹ liệt sỹ Đỗ Văn Mông”, Đại tá Bút cho biết.

Câu chuyện của đại tá Bút cũng chỉ là một trong rất nhiều những câu chuyện cảm động về hành trình trả nghĩa đồng đội của Hội Cựu chiến binh sư đoàn 5.

“Dịp 27-7 này, chúng tôi đón 2 liệt sỹ trở về, một ở Thái Nguyên đưa từ Đồng bằng sông Cửu Long. Một liệt sĩ đưa ra từ sân bay Biên Hòa về quê Thái Bình. Đó là điều hạnh phúc nhất. Sứ mệnh của chúng tôi vẫn còn tiếp diễn…”, Đại tá Vũ Ngọc Bút khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trả nghĩa đồng đội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO