Trà Phương mảnh đất địa linh lưu giữ 2 bảo vật quốc gia

CÔNG KHA 11/02/2021 08:00

Cuối năm 2020, dân làng Trà Phương (xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) vui mừng đón tin vui khi Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận 2 bảo vật quốc gia là tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung và Phù điêu Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn. Hai bảo vật này cùng có niên đại thế kỷ XVI và được thờ tại chùa Trà Phương.

Tượng Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn tại Nhà truyền thống của làng Trà Phương. Ảnh: Công Kha.

Ngược dòng lịch sử, mới thấy làng Trà Phương (xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) là mảnh đất giàu giá trị văn hóa, lịch sử. Nơi đây lưu giữ nhiều chứng tích của triều Mạc (1527-1593) cũng như truyền thuyết về một vị Thái Hoàng Thái Hậu đẹp người, đẹp nết – Vũ Thị Ngọc Toàn.

Sử sách ghi lại tên của làng Trà Phương trước đây vốn được gọi là Trà Hương thuộc huyện Nghi Dương, xứ Hải Dương. Vào năm 1813, do kiêng húy nên nhà Nguyễn đã đổi tên thành làng Trà Phương.

Làng Trà Phương hiện cách thị trấn Núi Đối (trung tâm huyện Kiến Thụy) chừng 3 km. Làng Trà Phương có phong cảnh hữu tình cùng đồng ruộng trù phú, phía Đông dựa vào núi Trà (núi Chè), phía Tây nhìn ra dòng sông từ làng Hoà Liễu chảy xuống Cổ Trai đổ ra Đồ Sơn. Chân núi Trà có đền thờ Linh Quy Đại Vương với khối đá thiêng và giếng ngọc quanh năm nước trong vắt, tươi mát. Theo các bậc trưởng thượng của làng, sở dĩ núi được gọi là núi Trà vì trước có nhiều cây chè cổ thụ, với mùi vị thơm ngon là một sản vật của địa phương.

Bảo vật Quốc gia.

Trước kia, khi đứng ở trên núi Trà nhìn xuống, người dân sẽ thấy ruộng hình dải yếm, bên cạnh đó còn có các thửa ruộng hình chiếc gương và mảnh lược… Người dân làng Trà Phương cho biết đây chính là địa thế phong thủy trời cho để làng Trà sở hữu nhiều cô gái đẹp nghiêng nước nghiêng thành.

Lịch sử và truyền thuyết ghi lại, vào giữa thế kỷ XVI, tại làng Trà Phương có cô thiếu nữ Vũ Thị Ngọc Toàn nổi danh khắp vùng vì vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành. Sau này bà trở thành chính phi của Mạc Thái Tổ Mạc Đăng Dung. Hoàng hậu Vũ Thị Ngọc Toàn không chỉ nổi tiếng về nhan sắc mà còn cả về đức độ. Khi ở ngôi mẫu ghi thiên hạ, bà là một nhân vật đặc biệt trong suốt 65 năm trị vì của nhà Mạc ở Thăng Long.

65 năm ấy, 5 vua nhà Mạc đều chết trẻ, các thế hệ hoàng hậu, cung phi trong nội cung đều do bà trông nom, giáo dục, sắp đặt mọi việc. Đặc biệt, bà cũng là người “truyền cho” dân lễ minh thệ, để chống trộm cắp, tham nhũng. Với quê hương, Hoàng hậu Vũ Thị Ngọc Toàn đã giúp dân làng Trà Phương mở mang đất đai, sinh cơ, lập nghiệp. Sau khi Mạc Thái Tổ Đăng Dung nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh (Mạc Thái Tông) hoàng hậu Vũ Thị Ngọc Toàn trở thành Thái hậu. Năm 1540, Mạc Thái Tông mất, Mạc Đăng Dung lập cháu nội là Mạc Phúc Hải (Mạc Hiến Tông) lên ngôi, Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn trở thành Thái Hoàng Thái Hậu.

Nhà truyền thống làng Trà Phương. Ảnh: Công Kha.

Dân làng Trà tới nay còn lưu truyền câu chuyện, thuở hàn vi Mạc Đăng Dung trong một lần bị kẻ thù truy sát, nhờ ẩn nấp trong chùa làng mà thoát nạn. Ngôi chùa này vốn được xây dựng từ tời Lý (thế kỷ XI) với tên gọi ban đầu là chùa Bà Đanh. Khi dựng lên đế nghiệp, nhớ ơn xưa, vị Thái tổ triều Mạc đã ban chiếu cho trùng tu, mở rộng chùa và đổi tên thành Thiên Phúc tự.

Sau đó, chùa được Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn cùng 25 thân vương, công chúa, quận công nhà Mạc góp công trùng tu, tôn tạo. Bia đá tại chùa có tên “Tu tạo Bà Đanh tự” khắc vào năm 1562 - Thuần Phúc sơ niên – đời vua Mạc Mậu Hợp ghi việc này.

Không chỉ có ngôi chùa Trà nổi tiếng, vào thế kỷ XIX, XX, làng Trà Phương còn nổi tiếng với ngôi đình rộng 5 gian thiết kế chữ Đinh, với cột đình bằng gỗ lim to hơn một người ôm, hiên được lát đá xanh dài hàng mét. Đình làng Trà thờ 3 vị thành hoàng gồm Thiên thần Vọng Hào, Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn và Linh Quy Đại Vương. Tuy nhiên vào năm 1947, đình làng Trà Phương bị tháo dỡ theo lệnh tiêu thổ kháng chiến. Sau khi đình bị phá, người dân đã đưa tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung và Phù điêu Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn vào chùa Trà Phương để thờ cúng tới ngày nay.

Trải qua nhiều biến động của lịch sử, ngôi đình làng Trà Phương không còn nữa. Tới năm 2018, dân làng Trà Phương đã phục dựng lại Nhà truyền thống và nơi thờ Thành Hoàng làng Trà Phương để làm nơi thờ phụng các bậc thành hoàng cùng các vị tiên liệt làng. Người dân làng Trà cùng bà con xa quê và khách thập phương đã quyên góp được 2,6 tỷ đồng để xây dựng một công trình văn hóa có tổng diện tích 250 m2 với 5 gian khang trang tọa lạc ở trung tâm làng.

Nhà truyền thống và nơi thờ Thành Hoàng làng Trà Phương không chỉ đã trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng của người dân, các đoàn thể, tổ chức trên địa bàn mà còn thể hiện sự tiếp nối truyền thống văn hóa và tinh thần đoàn kết của thế hệ mai sau đối với mảnh đất địa linh đang lưu giữ hai bảo vật Quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trà Phương mảnh đất địa linh lưu giữ 2 bảo vật quốc gia

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO