Trà Vinh: Rộn rã mùa xuân từ đất liền ra biển khơi

Quốc Trung - Gia Phước 17/02/2021 14:00

Những cánh đồng đến độ lúa chín rực rỡ một màu vàng, xanh mướt những thửa rau… với tiếng cười rộn rã trên những phum sóc. Phía biển, cơn sóng bỗng dưng hiền hòa như sợ làm lệch đi nhịp vòng quay tua-bin điện gió. Trà Vinh những ngày cuối năm 2020 đầu năm Tân Sửu 2021, từ đất liền tới biển khơi, một mùa xuân ấm áp, tràn đầy sức sống đang về…

Biểu tượng cửa ngõ vào TP Trà Vinh nhìn từ trên cao.

Phum, sóc đổi thay

Vừa tranh thủ dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa chuẩn bị đón Tết, anh Tăng Trãi ngụ tại xã Đại An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh hồ hởi khoe: Từ lúc được tham gia vào tổ tự quản giảm nghèo, kinh tế gia đình từng bước khá lên, cuộc sống dần ổn định”.

Anh Trãi kể lại: Khoảng 4 năm trước, UBND huyện Trà Cú cho thành lập mô hình “Tổ tự quản giảm nghèo” trong đồng bào Khmer tại ấp Giồng Lớn A, xã Đại An. Với tinh thần tự nguyện, các thành viên của tổ chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng, qua đó kịp thời phản ánh, kiến nghị đến xã, huyện trong thực hiện các chính sách, hỗ trợ vốn cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo phù hợp với điều kiện sản xuất của từng gia đình.

“Có lần, từ nguồn vốn hỗ trợ, tui định chăn nuôi heo, nhưng các thành viên trong tổ đã ngăn cản. Họ góp ý, đang đợt bệnh dịch tả lợn Châu Phi, nếu nuôi heo sẽ cầm chắc thua lỗ, và đề nghị tui chuyển qua trồng khoai môn, kết hợp chăn nuôi bò. Tui về suy nghĩ, thấy gia đình chỉ có 2 công đất, mần lúa cũng không hiệu quả, nên tui quyết định nghe lời của anh em trong tổ. Nhờ được hướng dẫn, giúp đỡ kỹ thuật, mỗi năm gia đình tui thu nhập từ 25 đến 30 triệu đồng. Ngoài ra tui được xã cho vay vốn mua 1 con bò nuôi sinh sản, đến nay đàn bò của gia đình đã có được hơn 3 con”.

Anh Trãi cho biết thêm: “Tham gia vào tổ, những người đi trước, có kinh nghiệm không ngần ngại chia sẻ lại cho những người sau. Khi một hộ nghèo trình bày về dự tính làm ăn, sẽ được các thành viên góp ý trồng cây gì, nuôi con gì ở thời điểm đó sẽ hiệu quả. Cùng với đó là sự hỗ trợ của mọi người dành cho nhau. Với phương thức hoạt động như trên chỉ sau 2 năm 4 hộ nghèo trong tổ đã thoát bền vững, có hộ vươn lên khá”.

Từ những hiệu quả đó, mô hình giảm nghèo tự quản ở ấp Giồng lớn A đã được huyện Trà Cú nhận rộng ra toàn huyện với hơn 63 tổ, trên 1.200 hộ thành viên. Hầu hết các tổ đều hoạt động hiệu quả, phát huy được tinh thần tương trợ, giúp nhau về vốn, khoa học kỹ thuật để cải thiện kinh tế gia đình và thoát nghèo bền vững.

Tổ tự quản giảm nghèo bền vững ấp Trà Sất C, xã Long Hiệp cũng được nói đến như một điển hình trong hoạt động hiệu quả. Được thành lập với 25 thành viên; trong đó, 8 hộ nghèo, 9 hộ cận nghèo, 5 hộ mới thoát nghèo, 3 hộ cộng đồng tham gia. Cơ cấu hoạt động gồm 1 Tổ trưởng, 1 Tổ phó và còn lại là thành viên. Tổ trưởng là hộ đã thoát nghèo bền vững, nên khi họ chia sẻ lại kinh nghiệm thực tiễn, luôn được các hộ dân tin tưởng.

Tổ hoạt động với hình thức định kỳ vào lúc 13h30 phút, ngày 27 hàng tháng tại trụ sở Ban nhân dân ấp; với các nội dung như: Thông tin thời sự, pháp luật, báo cáo kết quả đạt được tháng qua, thông tin các mô hình làm ăn có hiệu quả từ các địa phương khác, các gương điển hình tiêu biểu trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình, gương người tốt việc tốt để các tổ viên nắm và lựa chọn mô hình khả thi, phù hợp với tổ, với hộ. Qua đó, giúp nâng cao ý thức, nhận thức cho các thành viên nói chung, hộ nghèo nói riêng luôn chăm chỉ làm ăn, xóa bỏ tư tưởng, trông chờ, ỷ lại nêu cao ý chí quyết tâm thoát nghèo bền vững.

Dự án điện mặt trời của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam sẽ đi vào hoạt động năm 2021.

Bên cạnh đó, thực hiện quy ước hoạt động của tổ, hàng tháng mỗi thành viên tham gia đóng góp thực hiện vốn xoay vòng 100.000đ/tổ viên, tổng số tiền 2.500.000đ/tháng, sẽ bốc thăm chọn ra người nhận để sử dụng trang trải, giải quyết khó khăn trước mắt. Tuy số tiền không lớn nhưng các tổ viên đều sử dụng đúng mục đích và hiệu quả từ việc làm cụ thể như: Bổ sung thức ăn dinh dưỡng trong nuôi bò, mua vật tư sản xuất nông nghiệp, mua bán nhỏ…Hàng tháng, mỗi tổ viên đóng quỹ của tổ 10.000 đồng, cộng với nguồn hỗ trợ khác dùng vào mục đích thăm hỏi những gia đình tổ viên có người đau yếu, bệnh tật và các hoạt động chung của tổ.

Ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Trà Vinh cho biết: “Trà Vinh là một tỉnh còn nghèo ở ĐBSCL với tỉ lệ đồng bào Khmer lên tới hơn 30%. Việc nâng cao đời sống người dân luôn là mối quan tâm hàng đầu của tỉnh. Giúp người dân thoát nghèo là một chuyện, nhưng làm sao để họ không tái nghèo đó mới là câu chuyện mà địa phương cần phải tính toán kỹ lưỡng. Do vậy, tỉnh chủ trương trao “cần câu” chứ không trao trực tiếp “con cá” cho người dân. Cùng với đó là những mô hình, cách làm để làm sao khơi dậy ý chí tự lực để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Cũng theo Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn vốn huy động để thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh gần 9.500 tỷ đồng; trong đó, đã triển khai xây dựng gần 600 công trình đầu tư cơ sở hạ tầng, duy tu, bảo dưỡng trên địa bàn huyện nghèo, xã, ấp đặc biệt khó khăn; triển khai thực hiện 432 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình hỗ trợ cho 6.634 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo hưởng lợi; hỗ trợ cho gần 182.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số… vay vốn ưu đãi với tổng doanh số cho vay hơn 3.000 tỷ đồng…

Tỉnh cũng thực hiện tốt công tác thu hút đầu tư, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vận động quỹ an sinh xã hội, tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức phi Chính phủ đầu tư cho công tác giảm nghèo. Bên cạnh đó, cùng với những nỗ lực phấn đấu, phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành trong tỉnh và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân nên tốc độ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã được đẩy nhanh, tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn tỉnh từ 13,23% chỉ còn 3,22% ở thời điểm cuối năm 2019 (bình quân hàng năm giảm 2,50%), tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số từ 23,12% giảm còn 5,94% (bình quân hàng năm giảm 4,17%; dự kiến tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020 theo kết quả rà soát cuối năm 2020 còn 1,67%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn dưới 4%. Các hộ nghèo từng bước ổn định, khá giả…

Khẩn trương hoàn tất các bước để dự án điện mặt trời đi vào hoạt động trong năm 2021.

Tập trung vào “năng lượng xanh”

Trà Vinh là tỉnh Duyên Hải của vùng ĐBSCL, nằm ở phần cuối cù lao “kẹp” giữa sông Tiền và sông Hậu. Riêng phần phía nam của tỉnh là vùng đất thấp, bị các giồng cát hình cánh cung chia cắt thành nhiều vùng trũng cục bộ, không có nhiều tài nguyên, nhiều nơi chỉ ở độ cao 0,5-0,8 m nên hàng năm thường bị ngập mặn 0,4-0,8 m trong thời gian 3 đến 5 tháng, và chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu.

Xác định được điều đó, nhiều năm qua, tỉnh đã tập trung vào những tiềm năng biển sẵn có để phát triển. Với bờ biển dài 65 km, Trà Vinh xác định điện gió là những yếu tố then chốt tạo nên nền “công nghiệp xanh” thu hút đầu tư, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm, an sinh xã hội. Hiện Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam đang triển khai các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Cụ thể trong năm 2021 Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam sẽ chính thức cho hoạt động dự án Điện mặt trời tại xã Dân Thành, TX Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh với diện tích 171,17 ha, số lượng pin hơn 440.000 tấm; công suất: 140 Mwac; sản lượng điện trung bình: 250 triệu kWh/ năm…

Ông Lâm Hữu Phúc, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Trà Vinh thông tin, năm 2015, tỉnh Trà Vinh được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Trà Vinh giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 tại Quyết định số 13309/QĐ-BCT ngày 04/12/2015, tổng công suất điện gió của Trà Vinh đạt khoảng 1.608 MW nhằm khai thác lợi thế về tài nguyên gió, đất đai, góp phần đầu tư phát triển ngành công nghiệp điện gió; bổ sung nguồn điện góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phục vụ mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

“Để khai thác tối đa tiềm năng nguồn năng lượng gió của tỉnh, UBND tỉnh Trà Vinh đã đề nghị Bộ Công Thương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung 17 dự án điện gió, tổng công suất 2.400 MW vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh; gắn với phê duyệt bổ sung xây dựng trạm biến áp và đường dây 500kV để giải tỏa công suất cho các nhà máy điện gió và phê duyệt 2 dự án điện gió, công suất khoảng 4.000 MW vào Quy hoạch điện VIII, giai đoạn 2020 – 2025; bổ sung một số dự án điện vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến năm 2030, với tổng công suất 396 MW. Thời gian qua, tỉnh Trà Vinh cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư 06 dự án điện gió với tổng công suất là 370 MW, trong đó: 05 dự án đã khởi công xây dựng, dự kiến cuối năm 2021 đi vào vận hành. Thời gian tới, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư sớm triển khai dự án, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục pháp lý có liên quan để triển khai thi công đúng theo quy định; chỉ đạo các ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng...” – ông Lâm Hữu Phúc cho biết.

Chia sẻ với Đại đoàn kết về những lợi thế từ các dự án năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời, ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh: Theo đánh giá, tua bin điện gió ngoài khơi là loại hình công nghệ năng lượng tái tạo mạnh nhất, khi chỉ cần một tua bin 8 MW có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện hàng năm cho 43.000 hộ gia đình của Việt Nam. Ngành công nghiệp điện gió phát triển sẽ không chỉ là nguồn cung cấp năng lượng sạch, góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu, mà còn tạo ra một số lượng lớn việc làm cho người dân địa phương, đồng thời tạo ra nền kinh tế biển mới và thu hút nguồn đầu tư lớn, từng bước phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trà Vinh: Rộn rã mùa xuân từ đất liền ra biển khơi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO