Trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng

H.Vũ 11/02/2023 13:00

Dự kiến, tại phiên họp tháng 2 diễn ra vào tuần tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5.

Quyền lợi người tiêu dùng cần được bảo vệ mạnh mẽ hơn. Ảnh: Quang Vinh.

Sau gần 12 năm thực thi, bên cạnh các kết quả tích cực thì đến nay các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã bộc lộ những bất cập. Nhất là với sự phát triển nhanh của công nghệ thông tin, luật đã bộc lộ nhiều hạn chế, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử. Chưa kể, các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa được quy định phù hợp để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng được bảo vệ hiệu quả.

Theo đánh giá của ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường của Quốc hội, hiện có một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành. Trong đó có các quy định quan trọng liên quan đến phạm vi, đối tượng điều chỉnh, giao dịch giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng, giải quyết tranh chấp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong khi đó, ông Trần Mạnh Hùng (Công ty Luật quốc tế Baker McKenzie Việt Nam) cho rằng, để đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ của hệ thống pháp luật và hiệu quả trong quá trình thực thi các quy định pháp luật, cần xem xét loại bỏ các quy định trùng lặp, chồng chéo trong dự án luật với các quy định trong Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân liên quan đến trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng. “Điều này là phù hợp với chủ trương, nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo ra một khung khổ pháp lý chung, thống nhất trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu của cá nhân” - ông Hùng cho hay.

Theo ông Quàng Văn Hương - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, người yếu thế có thể rất dễ bị tổn thương nếu như quyền lợi của họ không được đảm bảo hoặc không được quan tâm khi mua bán sản phẩm, hàng hóa. Do đó, trong dự án luật cần nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ người tiêu dùng là người yếu thế như người khuyết tật, người nghèo.

Bà Thái Quỳnh Mai Dung - Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng cho rằng, để bảo vệ người tiêu dùng là người yếu thế hiệu quả hơn, trong dự án luật cần quy định rõ các tổ chức, đơn vị phải có trách nhiệm, không được từ chối bảo vệ người tiêu dùng là người yếu thế, dễ bị tổn thương.

Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ quan điểm, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ thông tin, hình thức kinh doanh phi truyền thống, buôn bán xuyên biên giới ra đời, nhưng chưa được luật điều chỉnh. Luật xác định nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội. Tuy nhiên những quy định vẫn chưa đủ để tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phát triển và hoạt động hiệu quả.

Theo ông Hùng, người tiêu dùng thường là bên yếu thế nên những khả năng thành công khi xảy ra tranh chấp với tổ chức, cá nhân kinh doanh là thấp. Khi cần sự giúp đỡ từ cơ quan Nhà nước thì không phải ở đâu và lúc nào cũng được đáp ứng kịp thời... Trong khi những tranh chấp có thể xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi, như ở vùng sâu, vùng xa hay thời gian ngoài giờ hành chính. Do đó cần bổ sung, sửa đổi Khoản 1, Điều 33 theo hướng: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng trong trường hợp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do mình cung cấp có khuyết tật, không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng, an toàn, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh đã đăng ký, công bố, niêm yết, quảng cáo, cam kết”.

Ông Hùng cũng cho rằng, cần tạo điều kiện để các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hình thành, phát triển và hoạt động có hiệu quả cũng như tạo điều kiện để Hội Bảo vệ người tiêu dùng phát triển đến 63/63 tỉnh, thành phố và huyện, thị, phường, xã. “Có như vậy người tiêu dùng mới có điều kiện tiếp cận khi cần” - ông Hùng gợi mở.

Theo đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình), cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng, thể hiện cụ thể các nội dung về chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế bảo vệ người tiêu dùng, phát huy đầy đủ vai trò của người tiêu dùng, các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm quy định của pháp luật, nâng cao đạo đức kinh doanh, văn hóa tiêu dùng. Nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Bên cạnh đó, bổ sung quy định rõ cơ chế chịu trách nhiệm và phối hợp thật rành mạch, rõ ràng giữa các cơ quan có trách nhiệm tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Nam (đoàn Thừa Thiên Huế) cho rằng, trong bối cảnh thương mại điện tử, nền tảng số phát triển mạnh đã xuất hiện những tình trạng lộ lọt thông tin, dữ liệu cá nhân, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Do đó cần đồng bộ các luật để xử lý các bất cập, chồng chéo, rà soát, thống nhất giữa các luật để phù hợp với Bộ luật Dân sự, Luật Giá về niêm yết giá của hàng hóa, dịch vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO