Trách nhiệm giới thiệu

Hoài Vũ 23/06/2020 06:00

Cuối tuần qua, nhiều ĐBQH cử tri cả nước đã phấn khỏi khi với 87,37% đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Theo đó, Luật quy định số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số ĐBQH.

Việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Ảnh: TTXVN.
Việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Ảnh: TTXVN.

Cũng xin nhắc lại rằng, đây cũng là kiến nghị của nhiều ĐBQH trong nhiều năm, trải qua rất nhiều hội nghị bàn thảo cũng như thảo luận tại nghị trường Quốc hội.

Ngay Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng việc tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH, nâng tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% đã thể hiện sự cân nhắc, tính toán kỹ nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự để giới thiệu tham gia ứng cử làm ĐBQH hoạt động chuyên trách.

Từ đó tăng cường tính chuyên nghiệp, góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Và đây cũng là cơ sở để trong thời gian tới, Đề án bầu cử ĐBQH khóa XV sẽ cụ thể hóa các nội dung liên quan cũng như xem xét việc bố trí hợp lý số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách ở từng địa phương.

Thế nhưng để bảo đảm tổ chức thành công cuộc bầu cử, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra, ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân, thì rất cần phát huy cao độ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp uỷ đảng, chính quyền và toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

Chính vì vậy, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Tại Chỉ thị này, Bộ Chính trị nêu rõ: “Gắn kết quả nhân sự của đại hội Đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ tham gia làm ĐBQH và đại biểu HĐND”.

Nghị quyết cũng yêu cầu: Kiên quyết không giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước.

Để tránh tình trạng, “vận động” không lành mạnh, Bộ Chính trị cũng yêu cầu điều chỉnh, bổ sung cụ thể, chặt chẽ các quy định về trách nhiệm, quyền hạn và sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị phụ trách tổ chức bầu cử; quy trình đề cử, ứng cử; việc phân bổ người ứng cử ĐBQH do Trung ương giới thiệu; việc thẩm định hồ sơ người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND; việc tuyên truyền, vận động bầu cử; giải quyết khiếu nại, tố cáo. Quy định cụ thể đối với việc tự ứng cử, phải có quy trình thật chặt chẽ, đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. Quy định rõ việc gì được làm, việc gì không được làm trong vận động bầu cử; tránh tình trạng “vận động” không lành mạnh.

Những quy định trên là rất cụ thể. Có điều cần triển khai thực hiện cho đúng. Trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, điều được nhiều cử tri còn tâm tư là làm sao lựa chọn được những ĐBQH xứng tầm.

Có như vậy thì hoạt động của Quốc hội mới gần dân, sát thực tế. Trong thời gian qua, tình trạng luật vừa mới ban hành đã phải sửa đổi, chỉnh sửa khiến dân và doanh nghiệp phải “chạy” theo luật. Rất nhiều doanh nghiệp không dám “đầu tư lớn” bởi khi chính sách vội vã thay đổi, e rằng sẽ...mất trắng.

Và đó cũng là một trong những rào cản khiến khó thu hút đầu tư nước ngoài. Bởi lẽ, điều đầu tiên mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm chính là sự ổn định của hệ thống pháp luật, sự thông thoáng trong thủ tục cấp phép đầu tư, sau đó mới đến chất lượng nhân công giá rẻ.

Cũng dễ hiểu, chất lượng luật cũng nằm ở yếu tố “tầm” và “tài” của ĐBQH. Việc một vài ĐBQH khóa XIV bị bãi nhiệm, kỷ luật đã cho thấy điều đó. Khi chất lượng ĐBQH chưa tương xứng, ngồi vào cho đủ “cơ cấu” thì việc góp ý xây dựng luật và bấm nút thông qua cũng chỉ là yếu tố mang tính thủ tục.

Để phấn đấu giới thiệu, lựa chọn bầu được những ĐBQH và đại biểu HĐND thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, thì bên cạnh việc nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng trong giới thiệu người ứng cử ĐBQH, rất cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quá trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp. Nhất là tăng cường hoạt động giám sát ĐBQH theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về giám sát đại biểu dân cử. Bởi đây là cơ sở để góp ý với đại biểu trong việc thực hiện nhiệm vụ ĐBQH, là cơ sở để tiến hành hiệp thương người ứng cử ĐBQH.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trách nhiệm giới thiệu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO