Trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu phải tương xứng

Nguyên Khánh 03/05/2019 23:00

Sáng 3/5, tại Bộ Nội vụ, Viện Khoa học tổ chức Nhà nước chủ trì hội thảo khoa học “Trách nhiệm người đứng đầu trong cơ quan hành chính nhà nước”.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến đề nghị: Cần tăng trách nhiệm người đứng đầu ở các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, đồng thời đi đôi với trách nhiệm và quyền hạn cũng phải được phân cấp tương xứng. Có như vậy, người đứng đầu mới làm hết trách nhiệm và mang lại hiệu quả tốt nhất.

Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức Nhà nước Nguyễn Ngọc Vân cho rằng, ngoài đời, mọi người thường nói “thủ trưởng nào phong trào đó”, tuy nhiên điều này cần có cơ sở minh chứng. Trong thực tế công tác, chưa xác định được cơ sở căn cơ để nói về trách nhiệm người đứng đầu nên văn bản ban hành ra một thời gian lại sửa đổi. “Phải rõ việc này, đồng thời làm rõ cơ sở, điều kiện thực hiện trách nhiệm người đứng đầu. Điều kiện pháp lý phải đồng bộ, thống nhất, chứ không để tình trạng ai cũng nói trách nhiệm người đứng đầu, nhưng thực ra họ không có điều kiện để thực hiện. Phải thông suốt giữa quyền và trách nhiệm” - ông Vân cho biết.

GS. TS Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, cho rằng người đứng đầu phải luôn luôn nghĩ tới trách nhiệm, trách nhiệm liên quan tới quyền hạn. “Vai trò của người đứng đầu phải dẫn dắt được tổ chức để hoàn thành nhiệm vụ, dẫn dắt định hướng người lao động. Người đứng đầu có tư chất xác định trách nhiệm của mình làm là cho tổ chức, cho công việc rồi mới đến bản thân” - GS. Khiển nêu ý kiến.

Trong khi đó, GS.TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, cần rà soát vị trí, vai trò của người đứng đầu hiện nay ra sao, và việc thực hiện trách nhiệm này ở Việt Nam thế nào. Mỗi cấp hành chính, mỗi đơn vị phải quy định rõ chỉ một người đứng đầu, không thể tiếp tục tình trạng mỗi đơn vị có nhiều người đứng đầu, nhiều người chịu trách nhiệm như hiện nay. Người đó phải là người chịu trách nhiệm chính về tổ chức hoạt động của cơ quan mình. Từ chỗ xác định vị trí, vai trò thì mới xác định được chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu trong cơ quan đó, đã phân công rõ ràng chưa?

Đáng chú ý, PGS.TS Văn Tất Thu - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, cần xác định đầy đủ các hình thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, từ trách nhiệm chính trị, trách nhiệm kinh tế đến đạo đức, văn hóa, hình sự và các loại trách nhiệm pháp lý khác. Đặc biệt, phải quy định từ chức là hình thức trách nhiệm chính trị, đạo đức, văn hóa cao nhất của người đứng đầu, kèm theo quy định cụ thể về văn hóa từ chức của người đứng đầu. Nếu người này không làm tròn bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trước Nhà nước, trước Nhân dân thì phải từ chức.

Từ thực tiễn của địa phương mình, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình Nguyễn Viết Trọng đưa ý kiến: Trách nhiệm người đứng đầu, trong thực tế thực hiện rất khó. Bởi, ở địa phương, ngoài quy định của Đảng và Nhà nước, có thêm quy định đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành của các sở ngành, huyện, thành phố, gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Từ đó, xếp loại thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, làm cơ sở xem xét thi đua, khen thưởng.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho biết, rất nhiều quy định của Đảng, Nhà nước về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước đã được ban hành. Trong đó, Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức đang được sửa đổi, sẽ được thông qua vào Kỳ họp thứ 8 tới của Quốc hội. Tuy nhiên, thực tế trách nhiệm chung của người đứng đầu chưa được thực thi thật tốt. Vì vậy thời gian tới, các ý kiến sẽ được Bộ Nội vụ tiếp thu để khi Nhà nước ban hành quy định pháp luật liên quan, trách nhiệm này sẽ được cụ thể hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu phải tương xứng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO