Trách nhiệm với môi trường

Tinh Anh 06/01/2021 06:32

Ô nhiễm môi trường ở nhiều tỉnh, thành phố đang ở mức báo động vì sự thiếu ý thức của nhiều cá nhân, tổ chức. Làm thế nào để nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường của mỗi người dân, doanh nghiệp đang là vấn đề đau đầu của không ít địa phương.     

Mới đây, Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT) TP Đà Nẵng kiến nghị với lãnh đạo địa phương này cần có cơ chế thưởng tiền cho những người tố giác các hành vi vi phạm về môi trường. Lý do đưa ra đề xuất trên của Sở TNMT là để kịp thời phát hiện, xử lý những tổ chức, doanh nghiệp đang đầu độc môi trường. Lãnh đạo Sở TNMT TP Đà Nẵng hy vọng với cơ chế này, danh hiệu “thành phố đáng sống” có thể được giữ vững.

Thẳng thắn mà nói, đề xuất trên của Sở TNMT TP Đà Nẵng là đáng quý và rất nên thực hiện. Song, nếu đặt kỳ vọng đây sẽ là “chốt bản lề” để xoay chuyển ý thức bảo vệ môi trường của mỗi người dân, khiến các tổ chức, doanh nghiệp phải sợ mà không dám làm ô nhiễm môi trường nữa thì có vẻ lại hơi quá ảo tưởng. Đơn giản là bởi, hầu hết người dân đều luôn có trách nhiệm, đâu phải có tiền thưởng họ mới tố giác vi phạm?

Các đơn vị, doanh nghiệp cũng không phải vì người tố giác hành vi vi phạm của họ được thưởng tiền mà lo sợ. Bởi lẽ, đến như bị cảnh sát môi trường bắt quả tang xả thải trái phép chưa qua xử lý, bị thanh tra TNMT “nắm được thóp”, chính quyền địa phương “biết mười mươi” gây ô nhiễm môi trường... mà họ còn chẳng hề hấn gì, thì việc tố giác hành vi vi phạm của người dân có giá trị gì để họ phải “xoắn”?

Nói như vậy không hề thiếu căn cứ hay quy chụp, bởi chính lãnh đạo Sở TNMT báo cáo với Bí thư Thành ủy Đà Nẵng rằng, có nhiều địa phương thiếu trách nhiệm trong việc xử lý các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Chính Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cũng đã tỏ ra không hài lòng với cách xử lý của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ môi trường tại địa phương.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng lưu ý các sở, ngành của thành phố: Môi trường biển là thành tố vô cùng quan trọng làm nên hình ảnh “đáng sống” của Đà Nẵng, đồng thời cũng chính là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Vì thế ông Quảng yêu cầu: Xử lý các vấn đề về sai phạm môi trường không nên chỉ dừng lại ở chuyện phạt, đo đếm bằng tiền, mà phải có biện pháp xử lý cứng rắn để răn đe.

Đúng là không nên chỉ “nhăm nhăm” phạt các tổ chức, doanh nghiệp có sai phạm về môi trường, bởi số tiền phạt thu được chẳng thấm vào đâu so với ngân sách thành phố bỏ ra để cải tạo môi trường hàng năm. Hơn nữa, số tiền phạt quá ít, quá nhẹ so với việc các đơn vị, doanh nghiệp phải đầu tư cả một dây chuyền xử lý chất thải rắn, nước thải công nghiệp. Vì thế, họ “vui lòng” chịu phạt thay vì phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải.

Nên chăng cần phải thực hiện “bàn tay thép” trong việc xử lý các hành vi vi phạm về môi trường như cách đặt vấn đề của người đứng đầu Thành ủy Đà Nẵng. Khi mà phải lựa chọn giữa việc phải ngồi tù hoặc bỏ tiền đầu tư hệ thống xử lý rác thải, nước thải, tin rằng hầu hết cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ “sáng suốt lựa chọn” giải pháp bảo vệ môi trường, bởi chẳng ai tiếc tiền để phải ngồi “bóc lịch” trong nhà đá cả.

Tất nhiên, có cơ chế rắn và hành lang pháp lý kín kẽ cùng với chế tài nghiêm khắc cũng chưa đủ, mà còn cần phải có lực lượng thực thi công vụ trong sáng, không vì lợi ích bản thân mà xuê xoa, bỏ qua vi phạm. Luật có nghiêm đến đâu thì cũng chỉ là những quy định trên giấy. Thái độ hành xử của các cơ quan chức năng và những người có trách nhiệm mới thực sự quan trọng quyết định việc môi trường sạch hay ô nhiễm.

Đó chính là lý do mà Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đặt câu hỏi: Vì sao Đà Nẵng có cảnh sát môi trường, có cả hệ thống chính quyền các cấp, ngành như thế mà xử lý vấn đề vi phạm môi trường chưa triệt để? Ông Quảng yêu cầu các sở, ngành thử nhìn lại xem đã đưa ra xử lý hình sự được vụ việc nào chưa, đã đình chỉ hoạt động được mấy nhà máy vi phạm xả thải?

Song, vấn đề mà Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đặc biệt quan tâm là việc các sở, ngành, địa phương đã thực sự quyết liệt xử lý những cán bộ thiếu trách nhiệm, làm ngơ, thậm chí dung túng cho các hành vi vi phạm về môi trường hay chưa. Sự quan ngại của người đứng đầu Thành ủy Đà Nẵng là hoàn toàn hợp lý, bởi nếu cán bộ bao che, tiếp tay cho vi phạm, thì sẽ chẳng bao giờ chấm dứt được hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Vậy nên, việc thưởng tiền cho người tố giác hành vi vi phạm về môi trường là cần thiết, để khuyến khích động viên mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường. Song, đây không phải “cứu cánh” để giữ gìn môi trường trong sạch, mà vấn đề then chốt là thái độ xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường của mỗi cơ quan, đơn vị và mỗi cá nhân có trách nhiệm. “Nếu quyết liệt và có trách nhiệm, tôi tin môi trường thành phố sẽ được cải thiện rất nhiều”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng chốt lại vấn đề.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trách nhiệm với môi trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO