Trái đất nóng, mùa hè càng nóng

Lưu Vũ Hải 11/07/2021 14:10

Mới đây, người dân ở làng Lytton (tỉnh British Columbia, Canada) đã phải vội vã sơ tán khi mà nắng nóng chưa từng có đã gây cháy rừng dữ dội. Thị trưởng Lytton, ông Jan Polderman, đã phát lệnh sơ tán sau khi nhiệt độ trong ngày trước đó lên tới 49,6 độ C, một kỷ lục mới ở Canada.

Ông Polderman nói: “Thật tàn khốc. Cả làng bốc cháy. Từ khi có dấu hiệu khói đầu tiên, chỉ 15 phút sau đột nhiên cháy khắp nơi”. Làng có 250 người sinh sống. Bất ngờ lửa quét qua nhà cửa, ô tô và một cửa hàng. Gió mạnh 71 km/h đã khiến lửa từ đám cháy gần đó cứ lan rộng mãi. Ngọn lửa cũng bao trùm khu vực rừng, khiến những cột khói đen khổng lồ bốc ngùn ngụt lên trời, khiến tầm nhìn trên những con đường gần đó giảm hẳn.

Kể từ cuối tháng 6, Canada và một số vùng ở Mỹ đã trải qua đợt nắng nóng dữ dội. Hàng trăm người đã thiệt mạng do nắng nóng. Tại Britisch Columbia, có 486 người chết do ảnh hưởng của nắng nóng chỉ trong 5 ngày. Thời điểm này năm ngoái, có 165 người chết.

Trước đám cháy ở Lytton, đã có ít nhất 3 vụ cháy rừng lớn ở tỉnh British Columbia. Đây được coi là “điều đáng ngạc nhiên” với người Canada.

Tuy nhiên, cái nắng như thiêu như đốt hình như lại không còn xa lạ đối với người dân nhiều nơi trên trái đất. Người ta cho rằng, do biến đổi khí hậu, trái đất nóng lên, nên mùa hè những năm gần đây ngày một dữ dội. Nếu như ở Canada, nhiệt độ cao nhất hồi đầu tháng 7 là 49,6 độ, thì tại thành phố Nuwaiseeb (Kuwaitt), nhiệt độ lên tới 53,2 độ C, lập một kỷ lục thật đáng lo ngại. Tại nước láng giềng Iraq, mức nhiệt độ “bám đuổi” sít sao với 51 độ C. Một số quốc gia khác ở Trung Đông như Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Oman và Saudi Arabia ghi nhận mức nhiệt độ trên 50 độ C trong nhiều ngày liền.

Theo bản đồ ghi lại mức nhiệt độ cao kỷ lục tại các quốc gia trên thế giới từ trước tới nay, ít nhất 23 quốc gia đã từng ghi nhận nhiệt độ cao nhất trên 50 độ C.

Tới nay, nhiệt độ cao nhất là 56,7 độ C ghi nhận ở Death Valley (bang California, Mỹ) năm 1913. Nhiệt độ cao nhất ở châu Phi là 55 độ C ghi nhận ở Kebili, Tunisia năm 1931. Iran giữ kỷ lục ở châu Á với mức 54 độ C vào năm 2017.

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, nhiệt độ ở bán đảo Nam Cực đã tăng gần 3 độ C trong 50 năm qua.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu vũ trụ Goddar của NASA (GISS) cho thấy nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu trên Trái đất năm 2020 bằng với năm 2016 về kỷ lục năm nóng nhất. Giám đốc GISS Gavin Schmidt nói: “7 năm vừa qua là 7 năm nóng nhất từng được ghi nhận, điển hình cho xu hướng ấm lên. Năm nào đó là năm nóng kỷ lục không thực sự quan trọng, điều quan trọng là xu hướng lâu dài. Với những xu hướng này, và khi tác động mà loài người gây ra với khí hậu ngày càng tăng, chúng ta chắc chắn sẽ chứng kiến các kỷ lục nhiệt độ mới”.

Năm nay, Bắc Âu trải qua đợt nắng nóng bất thường, nhiệt độ tại một số khu vực cao gần mức kỷ lục, tới 34 độ C. Đáng chú ý, Phần Lan thông báo nước này đã trải qua tháng 6 nóng nhất trong lịch sử. Viện Khí tượng quốc gia Phần Lan cho biết, nền nhiệt mùa hè năm nay cao nhất kể từ năm 1844. Trong đó, nhiệt độ tại Kevo - khu bảo tồn tự nhiên nằm ở cực Bắc của Phần Lan - trong ngày 4/7 ở mức 33,4 độ C, cao nhất kể từ năm 1914 ghi nhận nhiệt độ tại đây lên tới 34,7 độ C.

Một số vùng của Thụy Điển cũng ghi nhận nền nhiệt độ rất cao. Trong khi đó, Viện Khí tượng Na Uy ghi nhận nhiệt độ 34 độ C tại Saltdal, một địa điểm gần vòng cực. Đây là nhiệt độ cao nhất ghi nhận tại Na Uy trong năm nay và chỉ thấp hơn 1,6 độ C so với nhiệt độ cao kỷ lục ghi nhận ở nước này.

Với Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới với 1,3 tỷ người, mùa hè năm nay cũng đặc biệt khắc nghiệt khi mà đại dịch Covid-19 hoành hành. Suốt hơn 1 tháng qua, hàng chục triệu người dân New Delhi chật vật với cái nóng 43,1 độ C, nhiệt độ lên mức cao nhất trong 9 năm qua, tính từ năm 2012. Theo các chuyên gia khí tượng, đợt nắng nóng này được đánh giá là khắc nghiệt bởi mức nhiệt năm nay cao hơn 7 độ C so với mức bình thường cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó Cơ quan khí tượng lại dự báo mùa mưa năm nay sẽ đến muộn và đợt gió nóng khô có tên là Loo thổi từ bang sa mạc Rajasthan và Pakistan đang chập chờn phía trước.

Kể từ năm 2010 tới nay, các đợt nắng nóng đã khiến hơn 6.500 người tử vong tại Ấn Độ. Riêng đợt nắng nóng trong năm 2015 đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng. Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu sẽ khiến các đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên hơn với cường độ mạnh hơn.

Sandeeb, một công dân New Delhi năm nay đã hơn 80 tuổi cho biết, trong vòng 10 năm qua bà đã chứng kiến nắng nóng ngày một dữ dội. “Mùa hè năm nay, chúng tôi vừa lo đối phó với nắng nóng lại vừa lo chống chọi với Covid-19. Công việc thường ngày đành phải gác lại, khiến nhiều người rơi vào khó khăn. Người già như chúng tôi mỗi ngày chỉ ngủ được vài ba tiếng vì nắng đã gắt ngay từ sáng sớm rồi kéo dài nhiệt độ cao tới tận đêm khuya” - bà Sandeeb than thở.

Còn, theo giới nghiên cứu môi trường, việc nắng nóng bao phủ nhiều nơi trên trái đất kể cả ở hai đầu bán cầu cho thấy biến đổi khí hậu đã ở mức gay gắt. “Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta đã và đang tiếp tục làm trái đất nóng lên. Hãy nhìn xem, mùa hè năm nay nhiều người đàn ông Bắc Âu cởi trần ngồi trước hiên nhà. Còn thì các vòi nước công cộng trong công viên ở Paris, Venice luôn có người tới để làm mát. Nếu không hành động quyết liệt ngay từ bây giờ thì chỉ vài ba chục năm nữa, cứ mùa hè đến thì con cháu chúng ta lại phải sống trong hỏa ngục” - K.Ramade, nhà hoạt động môi trường thuộc Liên minh châu Âu nói.

Giới y học cho rằng, nắng nóng kéo dài là một trong những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ, tuy rằng nó không phải là nguyên nhân trực tiếp. Nắng nóng khiến những người có các yếu tố nguy cơ của đột quỵ não như tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, các bệnh lý mạch máu, loạn nhịp tim, bệnh van tim, bệnh lý chuyển hóa, béo phì, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia… có thể bị đột quỵ, hoặc nhẹ hơn là bị sốc nhiệt. Các dấu hiệu của bệnh đột quỵ là rối loạn ý thức, méo miệng, nói khó, thậm chí không nói được, đột ngột mất thị lực, liệt 1 nửa cơ thể, liệt 1 tay, 1 chân, vận động khó khăn, chóng mặt bất thường, đau đầu dữ dội.

Khi thấy người bệnh có các dấu hiệu trên, người nhà nên nhanh chóng sơ cứu bệnh nhân bằng cách cho bệnh nhân nằm nghiêng, gối cao đầu và tạo thông thoáng đường thở. Tuyệt đối không cố gắng cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất kỳ loại thuốc gì vì rất dễ gây sặc và nghẹt đường thở. Thời gian vàng để cấp cứu người đột quỵ là 6 giờ đầu và đột quỵ điều trị thành công hay không phụ thuộc vào việc người bệnh đến cơ sở y tế sớm hay muộn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trái đất nóng, mùa hè càng nóng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO