Trái phiếu doanh nghiệp trở lại đường đua

T.Hằng-M.Sang 25/07/2022 09:14

Tạm dừng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ngay sau khi xảy ra sự vụ Tân Hoàng Minh, tuy nhiên thời điểm này một số DN tái xuất trở lại trên đường đua phát hành TPDN.

Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu phát hành trái phiếu để huy động vốn.

Nhiều tập đoàn vào cuộc

Báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, trong 2 tuần đầu tháng 7/2022, thị trường TPDN chỉ có 3 đợt phát hành TPDN riêng lẻ với tổng giá trị 2,85 tỷ đồng.

Cũng theo dữ liệu của VBMA tổng hợp, trong tháng 6/2022 (tính đến ngày 24/06/2022), thị trường TPDN sôi động trở lại. Nhóm ngân hàng thương mại hiện đứng đầu về giá trị phát hành với giá trị là 15.790 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) phát hành nhiều nhất với 4.500 tỷ đồng, theo sau là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (4.460 tỷ đồng và MB (2.730 tỷ đồng).

Báo cáo cho thấy, trong số DN công bố kết quả phát hành TPDN tháng 6/2022, ngoài sự “độc chiếm” của các ngân hàng thì một số DN bất động sản cũng đã phát hành TPDN.

Novaland đứng đầu về giá trị phát hành TPDN trong nước trong tháng 6/2022, với tổng giá trị phát hành gần 2.300 tỷ đồng, Tập đoàn Nam Long với 500 tỷ đồng...

Trước đó vào tháng 5 các công ty địa ốc cũng đã bắt đầu phát hành TPDN trở lại. Đơn cử, Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh địa ốc Mỹ Phú phát hành 700 tỷ đồng TPDN riêng lẻ vào ngày 17/5/2022; Công ty Hội An Invest cũng tiến hành một số đợt phát hành riêng lẻ trong tháng 5, huy động 300 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Bất động sản An Gia phát hành 300 tỷ đồng TPDN riêng lẻ ngày 12/5; Công ty cổ phần Long Thành Riverside phát hành 105 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển Đô thị Ân Phú 50 tỷ đồng.

Giai đoạn 2017-2021, tốc độ phát triển bình quân của thị trường TPDN khoảng 46%, riêng trong năm 2021, con số này là 56%. Sang 3 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng của thị trường rất cao nhưng đến tháng 4 đã sụt giảm mạnh sau khi Bộ Tài chính tuýt còi 9 lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh. Cũng trong giai đoạn 3 tháng đầu năm 2022, các cơ quan quản lý nhà nước có những hoạt động chỉnh đốn thị trường nhằm loại bỏ những nhà phát hành không đủ điều kiện, không đủ tiêu chuẩn. Đồng thời, chọn lọc các nhà đầu tư, các trái chủ chuyên nghiệp, gắn bó với thị trường, giúp thị trường lành mạnh hơn.

Yêu cầu từ Bộ Tài chính

Mới đây Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ký Công văn số 7048/BTC-VP gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước; Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tín dụng; Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán; Cục Quản lý giá; Thanh tra Bộ Tài chính; Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh thị trường TPDN.

Công văn nêu rõ, sau khi có Chỉ thị số 01/CT-BTC, việc phát hành TPDN có giảm mạnh trong tháng 4/2022, nhưng đã tăng trở lại trong tháng 5 và tháng 6/2022. Tổng khối lượng phát hành lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 đạt 257.857 tỷ đồng (tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương 44.757 tỷ đồng). Qua theo dõi, giám sát việc phát hành TPDN thấy xuất hiện một số hành vi bất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và thị trường chứng khoán.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tín dụng phối hợp chặt chẽ, tổng hợp ý kiến của các cơ quan liên quan sớm trình lại Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẩn trương rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Chứng khoán và các văn bản quy định chi tiết, đề xuất các giải pháp sửa đổi quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đảm bảo phù hợp với thực tế và cơ chế quản lý, giám sát đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ để đảm bảo thị trường phát triển ổn định, minh bạch, an toàn.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tài chính, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, Thanh tra Bộ Tài chính khẩn trương báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã được phê duyệt đối với việc tuân thủ pháp luật về phát hành TPDN của các doanh nghiệp phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành trước ngày 31/7/2022.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị: Thanh tra Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tài chính và các đơn vị liên quan theo dõi sát danh sách các DN, tổ chức có dấu hiệu bất thường, phát hành dưới nhiều công ty con trong cùng hệ sinh thái của doanh nghiệp, phát hành với lãi suất cao, có dư nợ lớn so với vốn chủ sở hữu... để quản lý và thanh tra xử lý nghiêm.

Giới chuyên gia nhìn nhận động thái của Bộ Tài chính hoàn thiện các quy định là cần thiết. Các quy định của Nghị định 153/2020/NĐ-CP điều chỉnh thị trường TPDN kế thừa các quy định trước đây và đã có đổi mới (tương đối tương đồng với quy định của nhiều quốc gia phát triển trên thế giới). Tuy nhiên, sự đổi mới còn chưa thật phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế và thói quen của thị trường trái phiếu mới hình thành tại Việt Nam. TPDN phải được định hướng là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế theo đúng định hướng của Chính phủ và giảm áp lực cung ứng vốn cho tín dụng ngân hàng.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, để thị trường phát triển lành mạnh, có hiệu quả thực sự, chúng ta cần tạo ra nhiều sản phẩm hơn nữa, từ đó thu hút các nhà đầu tư cá nhân tham gia. Thị trường TPDN chỉ thực sự trở thành kênh dẫn vốn trực tiếp nếu có sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân. Bên cạnh các quy định về công khai, minh bạch thông tin cũng như các quy định về an toàn tài chính thì việc phát triển của các sản phẩm tài chính có mức lãi suất hấp dẫn, đồng thời mức độ rủi ro hợp lý là rất cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trái phiếu doanh nghiệp trở lại đường đua

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO