Trải 'thảm đỏ' cho du lịch cộng đồng

Minh Quân - Phạm Sỹ 25/06/2022 07:45

Phát triển du lịch cộng đồng không chỉ tạo ra những điểm đến mới mà còn mang lại sinh kế cho người dân tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, để mô hình này phát triển bền vững, rất cần được địa phương trải “thảm đỏ” trong việc kêu gọi các nhà đầu tư, cũng như chú trọng nâng cao chất lượng...

Mô hình du lịch cộng đồng ngày càng hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Ảnh: Quang Vinh

Khơi dậy tiềm năng có sẵn

Sau hơn 3 tháng mở cửa trở lại, du lịch Việt Nam đang ghi nhận việc “ra quân” rầm rộ của các địa phương với những chỉ số tăng trưởng ấn tượng. Ở đó, bên cạnh những điểm đến “hot” như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc… còn ghi nhận sự “đang lên” của nhiều “gương mặt” mới với các mô hình du lịch cộng đồng.

Có thể kế đến như Đà Bắc (Hòa Bình) từ một huyện vùng cao nghèo, giờ đang “thay da, đổi thịt” với các mô hình du lịch cộng đồng. Hiện tại Đà Bắc đang có 140 hộ tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng. Hay như Lai Châu sau nhiều năm nỗ lực phát triển, hiện có 16 khu, điểm là làng văn hóa du lịch. Trong đó, có thể kể đến như bản văn hóa, du lịch Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ); bản Vàng Pheo (xã Mường So, huyện Phong Thổ); bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu)…

Hiện nay nhiều mô hình homestay đạt tiêu chuẩn phục vụ khách được hình thành, nhiều đội văn nghệ phục vụ khách được thành lập, nghề truyền thống được khôi phục và phát triển như HTX Nà Cang làm bánh của dân tộc Giáy – San Thàng; nghề dệt thổ cẩm dân tộc Lự ở bản Hon; nghề rèn của dân tộc Mông ở Sin Suối Hồ, tắm lá thuốc của người Dao đỏ ở Sìn Hồ.

PGS. TS Bùi Thanh Thủy - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ, du lịch cộng đồng là một công cụ xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng khó khăn. Loại hình này được xác định là một hướng đi đúng đắn trong chiến lược phát triển du lịch nói chung, du lịch tại các khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nói riêng. Nó thỏa mãn ba yếu tố chân kiềng, đó là phát triển kinh tế, xã hội và môi trường tự nhiên. Với tiềm năng sẵn có, các địa phương, nhất là các tỉnh miền núi hoàn toàn có thể phát triển du lịch cộng đồng, biến sản phẩm du lịch này thành “công cụ” làm giàu.

Mô hình du lịch cộng đồng tại Đà Bắc (Hòa Bình).

Có thể nói, mặc dù du lịch cộng đồng đã vào Việt Nam hơn 20 năm, nhưng chỉ trong những năm gần đây mới được nhiều địa phương quan tâm phát triển. Thậm chí, mô hình này đang làm thay đổi tư duy của nhiều địa phương vốn trước đó khá thờ ơ với du lịch. Đơn cử như Bắc Giang sau nhiều năm “án binh, bất động” hiện nay tại các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế thành lập hơn 10 HTX có hoạt động du lịch và 3 điểm du lịch cộng động. Trong đó tại Sơn Động hiện đã xây dựng điểm du lịch cộng đồng tại thôn Nà Ó, xã An Lạc với 7 hộ tham gia. Tại Lục Ngạn vào mùa vải thiều, cam, bưởi, nhiều HTX, nhà vườn ở các xã Thanh Hải, Tân Sơn, Quý Sơn liên kết với doanh nghiệp lữ hành xây dựng nhiều sản phẩm du lịch, đưa hàng nghìn lượt du khách về trải nghiệm. Tại Yên Thế, HTX Thân Trường xây dựng điểm du lịch cộng đồng bản Ven, xã Xuân Lương với hơn 20 hộ thành viên.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Bắc Giang Dương Hồng Cơ, hoạt động du lịch cộng đồng bước đầu đã đem lại thu nhập cho các HTX và người dân địa phương. Tuy nhiên, du lịch cộng đồng của Bắc Giang vẫn mang tính tự phát, chưa bền vững. Lý do là chưa có sự quan tâm, hỗ trợ nguồn lực đúng mức của các cấp chính quyền, ngành chức năng và người dân nơi có khu, điểm du lịch. Bên cạnh đó, các HTX, đặc biệt là cộng đồng dân cư tham gia làm du lịch thiếu liên kết, chưa phát huy được những kiến thức, kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động sau khi được tập huấn, học tập mô hình du lịch cộng đồng tại tỉnh bạn.

Tìm hướng phát triển bền vững

Cùng với những hiệu quả khả quan mà du lịch cộng đồng mang lại, nhất là tại tỉnh miền núi thì hiện nay mô hình này vẫn đang gặp phải những “rào cản” trong hướng phát triển bền vững. Bởi sau thời gian vào Việt Nam, rất nhiều mô hình du lịch cộng đồng đã “chết yểu”. Nguyên nhân chủ yếu do nhiều địa phương vì chạy theo thành tích, phong trào mà chưa có sự đầu tư bài bản, không có quy hoạch tổng thể ở cấp tỉnh, thành phố và vùng miền, dẫn đến tình trạng khai thác quá đà nguồn tài nguyên thiên nhiên và có thể làm biến dạng văn hóa; sản phẩm, dịch vụ nghèo nàn, trùng lặp; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu; hạ tầng giao thông chưa phát triển...

Du lịch cộng đồng tại Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu).

Đặc biệt, “mắt xích” quan trọng là lợi ích tại nhiều nơi còn thiếu tính minh bạch, sự liên kết giữa chính quyền địa phương - cộng đồng - doanh nghiệp thiếu tính bền vững.

GS.TS Nguyễn Văn Đính - Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhìn nhận, tại Việt Nam, du lịch cộng đồng đã đem lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế - xã hội cho địa phương. Vì thế, việc hiểu về du lịch cộng đồng, có giải pháp phát triển du lịch cộng đồng bền vững là hết sức quan trọng.

Thế nhưng trên thực tế, việc phát triển du lịch cộng đồng ở nhiều nơi vẫn còn có những hạn chế nhất định, như mang tính tự phát, làm theo phong trào, chưa đảm bảo giữ gìn môi trường tự nhiên và văn hóa, việc quy hoạch cũng như các chính sách chưa rõ ràng và đồng bộ…Vì vậy, du lịch cộng đồng chưa thực sự phát triển một cách bền vững.

Đồng quan điểm, TS Vũ Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) cho rằng, du lịch cộng đồng cần được coi trọng và là một trong những nội dung không thể thiếu trong các chính sách phát triển du lịch của Việt Nam trong thời gian tới, trong các chiến lược và đề án phát triển du lịch của các địa phương.

Cũng theo ông Nam, chính sách phát triển du lịch cộng đồng cần được lồng ghép trong các chính sách khác về phát triển vùng, phát triển cộng đồng, chính sách xây dựng nông thôn mới, các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp và nông thôn, các chính sách liên quan đến bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, chính sách xóa đói giảm nghèo...

“Nhà nước cần có chính sách đầu tư, hỗ trợ thích đáng để khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, bao gồm từ đầu tư về cơ sở hạ tầng, giao thông đến hỗ trợ về đào tạo, phát triển dịch vụ, khôi phục và phát triển nghề truyền thống, hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết cho phát triển du lịch cộng đồng” - ông Nam bày tỏ.

PGS.TS Phạm Hồng Long - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn Hà Nội:

Hướng tới tư duy sáng tạo

Làm du lịch cộng đồng cần hướng tới tư duy sáng tạo, chứ không chỉ suy diễn logic và suy luận quy nạp theo kiểu làng có gì thì làm nấy hoặc mô hình này đang thịnh hành thì chỉ cần làm theo là sẽ sinh lời. Tư duy sáng tạo sẽ giúp đưa ra ý tưởng mới phù hợp với thực tế tại địa phương. Phải đảm bảo các yếu tố kinh tế và phi kinh tế, đó là giúp bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa cộng đồng; tăng niềm tự hào và gắn kết trong cộng đồng; thúc đẩy bình đẳng giới và giữ chân người trẻ ở cộng đồng.

Một nguyên tắc vô cùng quan trọng khác, đó là du lịch cộng đồng phải đảm bảo có sự chia sẻ lợi ích đối với các thành viên trong cộng đồng, kể cả trực tiếp, gián tiếp. Khi làm du lịch cộng đồng phải tính toán sao cho duy trì tính nguyên bản của điểm đến. Hiện nay nhiều nơi phát triển du lịch cộng đồng chưa chuẩn, dẫn đến sự phá hủy hoặc biến dạng bản sắc văn hóa, môi trường. Chính vì vậy, vai trò tư vấn của các chuyên gia du lịch vào các dự án phát triển du lịch cộng đồng là vô cùng cần thiết.

GS.TS Nguyễn Văn Đính - Hiệp hội Du lịch Việt Nam:

Tăng cường sự kết nối

Để phát triển du lịch cộng đồng bền vững thì các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch phải đứng ra tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho người dân về cách làm du lịch cộng đồng, về các kỹ năng nghiệp vụ phục vụ khách du lịch như lễ tân, buồng, bàn, bar, bếp, hướng dẫn du lịch... Ngành du lịch và chính quyền địa phương cần có hướng dẫn và có các quy định đối với cộng đồng cư dân trong hoạt động du lịch để tránh tình trạng lai căng, du nhập văn hóa không lành mạnh, bảo vệ và giữ gìn môi trường xã hội - nhân văn, văn hóa bản địa, bảo vệ và giữ gìn môi trường thiên nhiên. Đồng thời có những quy định và hướng dẫn để khách du lịch hiểu và tôn trọng luật pháp Việt Nam, phong tục, tập quán địa phương.

Cùng với đó, các cơ quan quản lý du lịch giúp cộng đồng dân cư kết nối với các hãng lữ hành trong và ngoài nước và kết nối với nhau để có nguồn khách và để cùng phát triển du lịch. Đồng thời giúp các tổ chức du lịch cộng đồng quảng bá sản phẩm, hình ảnh du lịch cộng đồng trên thị trường trong nước và quốc tế.

H.Minh - P.Sỹ(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trải 'thảm đỏ' cho du lịch cộng đồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO