Trầm cảm - căn bệnh thời hiện đại - Bài 4: Trầm cảm chủ yếu do tác động từ môi trường xã hội

Hoàng Chiến (thực hiện) 17/03/2022 11:00

Trước thực trạng xu hướng trầm cảm đang gia tăng hiện nay, nhiều câu hỏi đang được đặt ra, đây là bệnh hay là một trạng thái tâm lý của đời sống? PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Xã hội học, TS Lưu Hồng Minh - Trưởng Khoa Xã hội học và phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền về vấn đề này.

TS Lưu Hồng Minh.

PV: Thưa ông, thời gian gần đây trầm cảm đã trở thành một trong những vấn nạn toàn cầu, đáng được quan tâm. Tại Việt Nam, xu hướng này đang gia tăng trong giới trẻ. Dưới góc nhìn xã hội học, theo ông trầm cảm có được coi là bệnh hay chỉ là một trạng thái tâm lý?

TS Lưu Hồng Minh: Xét trên góc nhìn xã hội học, trầm cảm là một hiện tượng tâm lý xã hội. Tuy nhiên để đánh giá có phải là bệnh hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, cần được chẩn đoán bởi bác sĩ chuyên môn. Trầm cảm cũng có nhiều dạng và nhiều biểu hiện khác nhau, do đó trong việc xác định và đánh giá để điều trị trầm cảm cũng gặp nhiều khó khăn.

Vậy, những nguyên nhân xã hội nào dẫn đến tình trạng trầm cảm hiện nay và đâu là nguyên nhân chủ yếu, thưa ông?

- Nguyên nhân của trầm cảm có rất nhiều yếu tố từ bên ngoài môi trường tác động đến cũng có thể có những yếu tố về mặt tâm lý. Nhưng chủ yếu là từ yếu tố môi trường xã hội tác động vào. Trầm cảm có thể đến từ việc gặp nhiều những biến cố trong cuộc đời, từ nền kinh tế thị trường nhiều áp lực. Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 cũng có nhiều tác động đến con người và xã hội. Con người bị tách rời khỏi những hoạt động xã hội vốn đã quen thuộc cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm tăng mạnh trong thời gian vừa qua.

Trong đó, sự phát triển của nền kinh tế thị trường khiến con người phải lo để kiếm sống, rất nhiều người dễ mất công ăn việc làm, áp lực kiếm tiền trong xã hội hiện đại khiến cho con người rơi vào trạng thái stress, căng thẳng kéo dài.

Ngoài ra, truyền thông và mạng xã hội cũng là một nguyên nhân lớn gây nên tình trạng này. Nếu như trước đây việc tiếp cận thông tin đơn thuần thông qua các kênh như báo chí, truyền hình thì ngày nay thông tin trên mạng xã hội còn khủng khiếp hơn rất nhiều.

Tại sao mạng xã hội lại là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng trầm cảm tăng nhanh trong thời gian gần đây, thưa ông?

- Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, thời gian sử dụng mạng xã hội của mọi người đều tăng, nó không chỉ dừng ở 5-6 tiếng/ngày nữa mà lên đến 7-8 tiếng. Vì vậy, thời gian làm những công việc khác trở nên ít hơn, gặp gỡ gia đình bạn bè, giao tiếp với bên ngoài cũng ít hơn…

Đặc biệt trên mạng xã hội xuất hiện tràn lan tin giả, tin xấu độc, ảnh hưởng rất nhiều đến con người nếu không có “bộ lọc”. Việc thường xuyên tiếp xúc với những thông tin này cũng khiến người ta rơi vào trạng thái hoang hoang, tiêu cực… lâu dần có thể gây nên tình trạng trầm cảm.

Do đó, giáo dục cũng cần được xây dựng để định hướng để chúng ta tiếp cận thông tin một cách chính xác, phân biệt đâu là tin thật tin giả cũng như các công ty truyền thông phải chịu trách nhiệm cho việc tung các tin giả, tin xấu độc.

Ngoài ra, áp lực gia đình cũng đã xuất hiện trong thời gian chúng ta ở nhà do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm. Có thể nói, dịch Covid-19 là một yếu tố cộng hưởng làm cho tình trạng trầm cảm tăng nhanh trong thời gian gần đây.

Phát hiện sớm và điều trị sớm là yếu tố quan trọng nhất đối với những người bị trầm cảm. Ảnh minh họa.

Thưa ông, có phải người trẻ dễ mắc trầm cảm hơn hay không?

- So sánh giữa người già và người trẻ thì việc sử dụng mạng xã hội rõ ràng người trẻ có thời gian tiếp cận nhiều hơn, người già ngày nay cũng dùng mạng xã hội nhiều nhưng họ có độ vững và có nền tảng giao tiếp trực tiếp nhiều nên họ dễ dàng phân biệt thật giả, phán đoán và nhìn nhận vấn đề tốt hơn người trẻ. Có nhiều điều trên mạng xã hội nói riêng và internet nói chung cuốn hút rất mạnh mẽ với người trẻ khiến họ không dứt ra được. Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, các trường hợp nghiện mạng xã hội tăng lên nhanh chóng.

Liên tục cuốn vào vòng xoáy thông tin thật giả, tiêu cực,… mà không có sự chuẩn bị tốt về kiến thức dẫn đến người trẻ dễ mắc trầm cảm hơn. Do đó, tỷ lệ mắc trầm cảm ở người trẻ cũng có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây.

Dưới góc nhìn chuyên gia, ông có đề xuất những giải pháp gì để hạn chế được tình trạng này?

- Thực tế, hiện nay chúng ta chưa quan tâm nhiều đến các vấn đề tâm lý nói chung và bệnh trầm cảm nói riêng. Các hoạt động công tác xã hội, tư vấn tâm lý còn rất hạn chế.

Tôi cho rằng, cha mẹ chính là những người gần gũi nhất và có những phát hiện sớm nhất đối với quá trình phát triển của trẻ. Do đó, cần đặc biệt quan tâm đến sự thay đổi trong tâm lý, hành động của con trẻ. Khi thấy những dấu hiệu bất thường xuất hiện, cần tâm sự và làm bạn với con để sớm phát hiện. Không những vậy, nâng cao nhận thức với phụ huynh để có thể nhận biết như thế nào là trầm cảm cũng rất quan trọng.

Những người không bị cũng phải biết đến để có kiến thức, tư vấn được đối với những người bị, kết nối ở các cấp độ khác nhau. Phát hiện sớm và điều trị sớm là yếu tố quan trọng nhất đối với những người bị trầm cảm.

Trân trọng cảm ơn ông!

(còn nữa )

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trầm cảm - căn bệnh thời hiện đại - Bài 4: Trầm cảm chủ yếu do tác động từ môi trường xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO