Trầm cảm - Căn bệnh thời hiện đại: Bài 3: 'Liều thuốc' từ gia đình, nhà trường

Lâm An 16/03/2022 07:43

Xu hướng chung của những người mắc bệnh trầm cảm là thích ở một mình, không muốn tham gia vào các hoạt động xã hội hay các mối quan hệ, các hoạt động giao tiếp. Nếu được người thân phát hiện kịp thời, có các biện pháp hỗ trợ tâm lý từ phía gia đình, chuyên gia tâm lý… thì sẽ cải thiện được tình trạng này.

Học sinh, sinh viên ngày nay chịu nhiều áp lực từ việc học tập, các mối quan hệ trong gia đình, bạn bè (ảnh minh họa).

Không lơ là với những biểu hiện trầm cảm

Áp lực của cuộc sống hiện đại khiến nhiều người ở đủ mọi lứa tuổi, giới tính… gặp phải các vấn đề stress, căng thẳng, lo âu… Theo các chuyên gia tâm lý, buồn bã, chán nản là cảm xúc thông thường của con người. Nhưng nếu tình trạng buồn bã kéo dài trên 2 tuần và điều này ảnh hưởng rõ ràng tới các chức năng của cơ thể, ảnh hưởng tới hoạt động, làm việc, học tập… thì đó là bệnh lý trầm cảm.

Đặc biệt với trẻ em, khi còn thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc, nhất là khi đối diện với những sự việc không như ý muốn, áp lực học tập, bị bạo hành, bạo lực học đường… có thể làm nảy sinh những cảm xúc tiêu cực, chán nản. Tình trạng này kéo dài nhưng không nhận được sự quan tâm đúng mức của gia đình, người thân sẽ khiến trẻ ngày càng thu mình, khép kín và khó hòa đồng với bạn bè cùng trang lứa xung quanh.

Lời khuyên lúc này, theo BS Nguyễn Tâm Long (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) đó là cha mẹ nên trò chuyện với con, gợi mở để trẻ có thể chia sẻ những gì mà trẻ đang trải qua; thực sự lắng nghe trẻ nói, sẵn sàng giúp đỡ trẻ giải quyết những hành vi rắc rối và rối loạn cảm xúc. Đừng lơ là các dấu hiệu của con, nhất là đối với trẻ vị thành niên bởi dù trẻ mắc bệnh trầm cảm nhưng các triệu chứng có thể bị ẩn nấp, khó phát hiện.

Chẳng hạn, trẻ hay có xu hướng chống đối, không chịu lắng nghe và tiếp nhận các ý kiến từ mọi người. Trẻ sẽ có những hành vi phản kháng lại những hành động mà cha mẹ đề cập đến, luôn có cảm giác đề phòng mà muốn xa lánh với tất cả mọi người… Biểu hiện đó khiến trẻ bị hiểu lầm là “sự nổi loạn của lứa tuổi ẩm ương” nên nếu không chú ý, cha mẹ dễ dàng bỏ qua các biểu hiện này.

“Sức khỏe thể chất và tinh thần có sự kết nối chặt chẽ. Trầm cảm sẽ trầm trọng hơn nếu trẻ không hoạt động, ngủ ít và dinh dưỡng kém. Cha mẹ hãy hỗ trợ con bằng cách tạo lập một thói quen sống tích cực bằng các hoạt động vui chơi và sinh hoạt cả gia đình vào những ngày nghỉ, đi du lịch…” - BS Long đề xuất.

Từ thực tế tư vấn cho nhiều bệnh nhân trầm cảm, BS Nguyễn Trần Kiên (ĐH Y Hà Nội) cho rằng trước hết, khi phát hiện con có các biểu hiện trầm cảm, cha mẹ cần khéo léo gợi mở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của trẻ. Sau đó, tùy từng tình huống cụ thể để hỗ trợ, tư vấn cho trẻ thoát khỏi cảm xúc tiêu cực. Tuyệt đối không được bày tỏ thái độ kiểu “chuyện chỉ có thế mà cũng ầm ĩ” khiến trẻ cảm thấy không được tin tưởng, coi trọng.

“Đôi khi trẻ chỉ cần một người để chia sẻ. Đừng vội áp đặt suy nghĩ của mình lên trẻ hay đưa ra lời khuyên vì nếu không đúng thời điểm có thể khiến trẻ càng thu mình, không tâm sự gì nữa” – BS Kiên khuyến cáo.

Nhà trường vào cuộc

Ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10, TP HCM) kể lại trường hợp một học sinh xin chuyển về trường vì gặp áp lực lớn trong học tập ở một trường khác. Thời gian đầu, cả ngày em thất thần, nghe tiếng thầy cô là sợ…

“Có một thực tế, hiện nay nhiều học sinh mỗi ngày đến trường nhưng không vui. Đó là vì các em gặp áp lực từ nhà trường, giáo viên, áp lực học hành và cả cách hành xử của bạn bè với nhau. Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, học sinh phải học trực tuyến càng làm cho trẻ trở nên dễ căng thẳng, trầm cảm.

Hiện nay, công tác tư vấn tâm lý trong trường học đã được nhiều trường quan tâm hơn với việc thành lập các phòng tham vấn, có cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm làm công việc này. Song trong bối cảnh biên chế trong ngành Giáo dục vẫn còn thiếu hụt ở nhiều trường thì việc tuyển dụng riêng một cán bộ có chuyên môn, được đào tạo bài bản trong lĩnh vực tâm lý học để chuyên tâm làm công tác này thực sự là một thách thức với các nhà trường.

Theo Ban Giám hiệu Trường THCS Ngô Sỹ Liên (Hoàn Kiếm, Hà Nội), thấu hiểu sự cần thiết của công tác tham vấn tâm lý, nhà trường đã mời các chuyên gia tâm lý đến từ một số trường đại học đến để tư vấn tâm lý, trị liệu can thiệp, tập huấn kỹ năng sống và tư vấn phòng ngừa… Cách thức này tạo cho học sinh cảm giác thoải mái, an toàn và được bảo mật hơn khi giãi bày, chia sẻ.

Trong thời gian dạy, học trực tuyến do dịch Covid-19, Hệ thống giáo dục chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) tổ chức hoạt động tham vấn tâm lý trực tuyến dành cho học sinh toàn hệ thống. TS Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch HĐQT nhà trường cho biết: Hoạt động tham vấn và tư vấn trực tuyến vẫn bảo đảm các nguyên tắc bảo mật thông tin (tên, lớp, vấn đề…); lắng nghe và tôn trọng quyền lựa chọn của học sinh… Dịch vụ này là hoàn toàn miễn phí, dành cho tất cả HS với mong muốn hỗ trợ các em tìm được cách giải quyết phù hợp cho vấn đề của mình.

BS Nguyễn Trần Kiên cho rằng tư vấn tâm lý trực tuyến là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ số. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để những mô hình tư vấn trực tuyến thu hút được học sinh, tạo sự tin cậy để các em bộc bạch suy nghĩ, băn khoăn. Sự hỗ trợ của công nghệ thông tin rất quan trọng nhưng “điểm nhấn” vẫn là đội ngũ cán bộ, giáo viên tư vấn phải có tính chuyên nghiệp và hiểu được sâu sắc nhu cầu tư vấn theo sự phát triển tâm sinh lý của từng lứa tuổi học sinh…

(còn nữa)

Đến bác sĩ hay chuyên gia tâm lý là đã 50% chiến thắng bệnh

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Hoàng - Giám đốc Công ty TNHH Nghiên cứu và ứng dụng tâm lý DR.PSY: Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, chúng tôi thực hiện chiến dịch tư vấn tâm lý trực tuyến miễn phí. Một bạn sinh viên do ở nhà quá lâu, thay đổi môi trường sống đột ngột đã dẫn đến trầm cảm. Ban đầu bạn chỉ nghĩ mình buồn chán do không được ra ngoài. Tuy nhiên sau đó bạn thường xuyên nhốt mình trong phòng, không tham gia học trực tuyến, cảm xúc u buồn. Cô giáo của bạn này đã tìm đến tôi để nhờ tư vấn.

Chính căn bệnh nội sinh đã khiến bệnh nhân không muốn tiếp xúc, chia sẻ với ai, thu mình lại, vì vậy để họ tìm đến chuyên gia, người thân hay bạn bè là rất khó. Chỉ cần bệnh nhân tìm đến điều trị, lúc đó chuyên gia sẽ dùng các phương pháp điều trị để đồng hành cùng bệnh nhân, từ từ giúp họ vượt qua được trầm cảm. Khi người bệnh tìm đến bác sĩ, chuyên gia tâm lý đã là 50% chiến thắng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trầm cảm - Căn bệnh thời hiện đại: Bài 3: 'Liều thuốc' từ gia đình, nhà trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO