Trầm cảm - Căn bệnh thời hiện đại: Bài cuối: Trầm cảm có thể chữa khỏi hoàn toàn

Nghĩa Toàn 18/03/2022 09:00

Với sự phát triển của mạng internet như hiện nay, bất cứ ai cũng có thể tìm hiểu về những triệu chứng của trầm cảm và tự theo dõi sức khỏe tâm thần của mình. Song, số người tới viện để thăm khám các vấn đề về tâm thần hầu hết ở giai đoạn bệnh đã tiến triển. Vấn đề này, PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với BS Vũ Sơn Tùng - Phó Trưởng phòng Điều trị rối loạn cảm xúc, Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương.

Bác sĩ Vũ Sơn Tùng.

PV: Thưa ông, theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện trầm cảm là căn bệnh gây hại đến sức khỏe của con người. Xin ông phân tích rõ hơn để giúp người dân có thể hiểu về thực trạng của chứng trầm cảm hiện nay?

BS Vũ Sơn Tùng: Theo số liệu thống kê vào năm 2017 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 4,4% dân số toàn cầu, tức là hơn 300 triệu người mắc trầm cảm. Thời điểm này, với sự xuất hiện của đại dịch Covid-19, nhiều cơ quan nghiên cứu đánh giá con số này có thể tăng lên 2-3 lần. Tức là hiện nay, khoảng 8,8-13,2% dân số toàn cầu đang bị trầm cảm.

Ở Việt Nam, theo một nghiên cứu được thực hiện đầy đủ trên cả 8 vùng sinh thái của nước ta vào năm 2014 thì tỷ lệ trầm cảm ở nước ta là 2,8-3%. Tuy nhiên, số liệu thực tế được ước tính rơi vào khoảng 4-5% người dân nước ta mắc trầm cảm. Cũng theo nghiên cứu năm 2014, khoảng 14% dân số nước ta gặp phải những vấn đề về tâm thần. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về tâm thần học thì con số thực tế rơi vào khoảng 20-25%. Đó mới chỉ là số liệu từ năm 2014. Ở thời điểm hiện tại, sau khi trải qua đại dịch Covid-19, những con số này còn tăng mạnh.

Những số liệu ông đưa ra ở trên đều có sự khác biệt giữa số liệu nghiên cứu và số liệu ước tính thực tế, nguyên nhân của sự chênh lệch này là gì?

- Đó là do sự thiếu hợp tác của người dân. Rất nhiều người ngại chia sẻ về tình trạng sức khỏe tâm thần của bản thân bên cạnh đó, sự kỳ thị của những người xung quanh đối với người mắc rối loạn tâm thần cũng là một rào cản lớn khiến người dân không hợp tác.

Sự kỳ thị, quan niệm rằng mắc vấn đề tâm thần là điên loạn, là kinh khủng có phải cũng là một phần nguyên nhân khiến không ít người dân bỏ qua các dấu hiệu ban đầu của bệnh, dẫn tới những khó khăn trong điều trị và những hậu quả thương tâm?

- Hằn sâu trong tâm lý người Việt chúng ta mỗi khi nhắc đến các vấn đề về tâm thần là sự điên loạn. Đặc biệt là các bạn trẻ, các bạn rất sợ bị bạn bè, gia đình mình bị bệnh. Một số liệu thực tế có thể minh chứng rõ ràng sự “sợ hãi” của người Việt khi thăm khám các vấn đề về tâm thần: Trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, khoảng 70% người dân khi tới Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai đều đeo khẩu trang.

Hiện tại, trầm cảm là một căn bệnh có những triệu chứng rất rõ ràng. Nó không phải là một căn bệnh diễn biến âm thầm. Chúng ta có thể can thiệp sớm bằng những biện pháp trị liệu tâm lý. Thế nhưng, chính những e ngại, sợ hãi và quan niệm sai lầm đã khiến nhiều người cố tình bỏ qua những dấu hiệu ban đầu, từ đó dẫn đến bệnh tiến triển nặng, hậu quả cuối cùng là tự sát. Rất nhiều sự việc đau lòng diễn ra thời gian qua và thủ phạm chính là do trầm cảm.

Không chỉ những nguyên nhân về quan niệm đã nói ở trên, một tâm lý khá phổ biến nữa của người Việt, đó là khi đi khám bệnh người dân chỉ chú trọng đến những bệnh nặng, những bệnh liên quan tới cơ thể. Ví dụ như đau răng, đau bụng… thì đi khám. Thế nhưng, nếu một người bị mất ngủ, anh ta sẽ tặc lưỡi: “hôm nay không ngủ thì mai ngủ”. Có thể nói, người Việt ít quan tâm tới các bệnh lý liên quan tới tâm thần.

Nghiện rượu cũng là một loại bệnh tâm thần. Thế nhưng, đối với người Việt thì vui nâng chén, buồn cũng nâng chén lại là một việc bình thường.

Ngoài những nguyên nhân từ phía người dân, có hay không nguyên nhân do nhân lực y tế của chúng ta còn thiếu hụt, thưa ông?

- Một điều cần phải thừa nhận, đó là hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần ban đầu của chúng ta chưa được tốt. Ví dụ, một bạn sinh viên khi ở Việt Nam gặp vấn đề về tâm lý như căng thẳng, mất ngủ, bạn phải mất khá nhiều thời gian để lên mạng tìm hiểu về các cơ sở điều trị tâm thần hoặc một viện sức khỏe tâm thần để thăm khám. Thế nhưng cũng bạn sinh viên đó, khi sang nước ngoài du học, nếu bạn bị căng thẳng trong quá trình học tập sẽ có chuyên gia tâm lý tại trường học tới chia sẻ, thăm khám.

Bên cạnh đó, ở Việt Nam các viện sức khỏe tâm thần lớn, uy tín cao thường tập trung ở một vài thành phố lớn. Dẫn đến khó khăn cho người dân khi đi thăm khám.

Hiện tại, trên phạm vi cả nước có khoảng 30 bệnh viện tâm thần tuyến tỉnh, và các bệnh viện đa khoa cũng có khoa tâm thần. Tuy nhiên, lực lượng nhân viên y tế tại đây không được đầy đủ như các chuyên khoa khác bởi các bệnh viện tuyến tỉnh, các khoa tâm thần rất khó kêu gọi được sinh viên mới ra trường. Thẳng thắn nói thì đam mê của sinh viên dành cho ngành tâm thần còn thấp, bên cạnh đó, thu nhập thấp của chuyên khoa này cũng là một vấn đề.

Tinh thần lạc quan giúp chiến thắng mọi bệnh tật.

Để giúp người dân có cái nhìn cởi mở hơn về căn bệnh trầm cảm, cũng như những rối loạn tâm thần nói chung, theo ông nên có giải pháp gì?

- Ngoài những biện pháp như tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến tới người dân, theo tôi cần tăng cường chăm sóc sức khỏe tâm thần ban đầu, từ tuyến huyện nên có bác sĩ chuyên khoa tâm thần để giúp người dân có thể dễ dàng tiếp cận hơn, tránh tình trạng người dân đi khám khi bệnh đã nặng.

Một giải pháp nữa, theo tôi cần có sự đầu tư hơn nữa cho y tế học đường. Có nên chăng việc đào tạo thêm cho các nhân viên y tế học đường về chuyên khoa tâm thần.

Về việc dự phòng và điều trị bệnh trầm cảm, ông có khuyến cáo gì với người dân?

- Trầm cảm là căn bệnh ai cũng có thể mắc, bất kể là người già hay người trẻ và không phân biệt giàu nghèo, giới tính hay tôn giáo. Bởi trong cuộc sống, ai cũng có thể gặp phải những sang chấn về mặt tâm lý. Do vậy, đầu tiên để dự phòng chúng ta cần có một thể chất tốt, một lối sống lành mạnh và một tâm lý lạc quan.

Khi gặp vấn đề về tâm lý, gặp phải những căng thẳng, lo âu, mệt mỏi, đừng ngại chia sẻ với gia đình, bạn bè và những người xung quanh. Đừng coi trầm cảm là điều gì đó quá đáng sợ, hãy coi nó là một căn bệnh thông thường như bao bệnh khác, hãy đi thăm khám nếu có những dấu hiệu, đừng vì sợ bị kỳ thị mà bỏ qua nó. Đối với người bệnh, tôi có thể khẳng định, bệnh trầm cảm có thể chữa khỏi hoàn toàn, do đó người bệnh cần giữ vững cho mình sự lạc quan, cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trầm cảm - Căn bệnh thời hiện đại: Bài cuối: Trầm cảm có thể chữa khỏi hoàn toàn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO