Trám lỗ hổng trong thực hiện giãn cách

Đức Trân - Phạm Sỹ 27/08/2021 15:26

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội, các chuyên gia y tế cho rằng, không nên hốt hoảng khi có khu vực chuyển từ “vùng xanh” sang “vùng đỏ” chỉ trong thời gian rất ngắn. Việc quan trọng thời điểm này là siết chặt hơn nữa công tác cách ly, phong toả và giãn cách xã hội.

Xét nghiệm diện rộng trong khu phong toả quận Thanh Xuân

Sau khi phát hiện những ca F0 cộng đồng tại ngõ 328 và 330 đường Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội), các lực lượng chức năng của quận đã quyết liệt khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Võ Đăng Dũng, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, việc xác định chính xác nguồn rất khó khăn. Tình hình dịch bệnh phức tạp, diễn biến với nhiều nguồn. Tại đây (ngõ 328 và 330 đường Nguyễn Trãi) đã rà soát kỹ nhưng chưa xác định được nguồn chuẩn vì người dân trong khu vực rất đông và có nhiều mối quan hệ với các địa điểm khác nhau, có những trường hợp F0 bán hàng online.

“Ngay sau khi nhận được thông tin có trường hợp F0, UBND quận đã tiến hành truy vết và tổ chức xét nghiệm sàng lọc đồng thời phong tỏa tạm thời và phun khử khuẩn. Xác định nguy cơ diện rộng nên đã lập tức khoanh vùng toàn bộ hai ngõ 328 và 330 đường Nguyễn Trãi với 690 hộ và 2.100 nhân khẩu.

Sau khi tiến hành xét nghiệm toàn bộ khu vực hai ngõ 328 và 330 phố Nguyễn Trãi cho đến hôm nay (ngày 26/8-PV) đã phát hiện hơn 70 ca dương tính. Đối với các ca dương tính đã được đưa đi bệnh viện điều trị. Đồng thời tiếp tục tiến hành truy vết xác định, 80 F1 đã được đưa đi khu vực cách ly tập trung” - ông Dũng thông tin.

Để kiểm soát chặt những diễn biến bên trong khu phong tỏa tạm thời tại hai ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi, UBND quận Thanh Xuân đã tiến hành lập chốt ngăn tất cả các ngách nhỏ bên trong hai ngõ 330 và 328 phố Nguyễn Trãi. Thành lập 13 chốt cứng có lực lượng công an và dân quân tự vệ gác 24/24h. Bên cạnh đó tiến hành lắp 15 camera do công an phường Thanh Xuân Trung điều hành và sử dụng hàng chục loa kéo công suất lớn để tuyên truyền vận động người dân tuyệt đối không ra khỏi nhà, nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Ông Dũng cho hay: “Tại khu vực phong tỏa sẽ tiến hành lấy xét nghiệm 3 ngày/lần. Trong ngày 26/8 và 27/8, quận sẽ tiến hành xét nghiệm diện rộng xung quanh khu vực phong tỏa với khoảng 3.000 mẫu. Trong thời gian tới, quận sẽ báo cáo với Sở Y tế tiến hành xét nghiệm xét nghiệm rộng hơn nữa trên các địa bàn của quận Thanh Xuân, đặc biệt những khu vực chung cư cũ”.

Hiện tại UBND phường Thanh Xuân Trung đã giao cho Hội Chữ thập đỏ và Hội Phụ nữ phường phụ trách việc cung cấp lương thực cho các hộ gia đình trong khu cách ly. Trong khu vực phong tỏa có các lực lượng hỗ trợ để cung cấp lương thực, thực phẩm. Tất cả trường hợp người nhà gửi đồ đến đều có bàn để tiếp nhận sau đó đảm bảo khâu y tế trước khi chuyển đến cho người dân.

Đối với công tác phòng, chống dịch tại các chung cư trên địa bàn quận, ông Dũng cho biết: Các chung cư đều có các Tổ Covid cộng đồng tuyên truyền vận động nhân dân để công tác phòng, chống dịch được đảm bảo. Ngay khi phát hiện quận đều tiến hành khoanh vùng và tiến hành xét nghiệm sàng lọc và cố gắng ngăn chặn ngay từ đầu.

Người dân nhận tiếp tế lương thực, thực phẩm tại khu Linh Đàm. Ảnh: Trần Cường.

Cần khắc phục hiện tượng “ngoài chặt, trong lỏng”

Trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết về tình hình dịch bệnh tại Hà Nội ngày qua, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội chia sẻ: Cũng không nên quá bất ngờ và hốt hoảng khi một nơi hôm nay là vùng an toàn (vùng xanh), ngày mai trở thành vùng đỏ, phải phong toả bởi vì F0 đâu đó vẫn còn lẩn khuất ngoài cộng đồng.

Thời gian qua, Hà Nội đã ghi nhận một số vụ dịch xảy ra tại khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông dân cư như Văn Miếu, Quốc Tử Giám hay khu chung cư HH4C Linh Đàm, nhưng Hà Nội đã khống chế dịch rất hiệu quả bằng biện pháp phong toả và xét nghiệm diện rộng tại khu vực có dịch.

“Chúng ta không chỉ kiểm soát ở cổng khu chung cư, ở đầu mỗi ngõ ngách mà cần tăng cường tuyên truyền, kiểm tra giám sát việc tuân thủ của người dân ở mỗi toà nhà chung cư, mỗi ngõ xóm, mỗi hộ gia đình.

Phải tăng cường truyền thông để người dân tự giác khai báo và liên hệ cơ quan y tế sớm mỗi khi có biểu hiện triệu chứng chỉ điểm Covid-19, cơ quan y tế cần tăng cường lực lượng lấy mẫu tại nhà cho những trường hợp này để tránh người dân tự đến cơ sở y tế đồng thời hướng dẫn họ (trường hợp ho sốt…) thực hiện các biện pháp cách ly phòng ngừa. Đặc biệt cần áp dụng phong toả khu vực ngay khi phát hiện có F0” - ông Hùng nhận định và cho rằng khi triển khai các biện pháp trên, vai trò của Tổ Covid cộng đồng rất quan trọng trong việc chủ động tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát người dân tuân thủ giãn cách, cách ly phòng ngừa và hỗ trợ người dân trong việc cung ứng lương thực thực phẩm, đồ dùng thiết yếu khi phải phong toả.

PGS. TS Nguyễn Việt Hùng cho rằng: Qua tổng kết các vụ dịch xảy ra trong thời gian toàn TP Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16 có thể thấy được chỉ số lây nhiễm khá cao, một F0 trung bình làm lây nhiễm thứ phát cho 10-15 người. Điều này cho thấy việc tuân thủ giãn cách của người dân tại khu dân cư chưa nghiêm, biểu hiện ngoài chặt trong lỏng là rất rõ ràng. Cũng có trường hợp lệnh phong toả chưa được đưa ra ngay khi phát hiện F0. Những hạn chế này cần được khắc phục ngay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trám lỗ hổng trong thực hiện giãn cách

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO