Trạm thu phí BOT: Minh bạch để đồng thuận

Nhật Minh 19/08/2017 10:30

Mức phí cao, cách thu phí thiếu minh bạch, khoảng cách giữa các trạm bất hợp lý… đã trở thành nỗi bức xúc lớn của người dân và doanh nghiệp giao thông vận tải khi đi qua các trạm thu phí BOT. Liên tiếp những thông tin xung quanh vấn đề này đã làm cho sự việc vốn nóng lại thêm nóng.

Ảnh minh họa.

BOT bị phản đối

Cả nước hiện có 52 dự án BOT giao thông đang khai thác, với 57 trạm thu phí. Dự kiến, đến năm 2018, sẽ có khoảng 75 dự án BOT khai thác, với khoảng 80 trạm thu phí.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, chủ trương xã hội hóa dưới hình thức BOT để phát triển hạ tầng là đúng đắn. Tuy nhiên, việc nhà quản lý thả lỏng, để doanh nghiệp (DN) “tự tung tự tác” đặt trạm thu phí theo kiểu “chốt đường độc đáo nhằm tận thu” đã làm phát sinh nhiều hệ lụy.

Thực tế thì sự việc xảy ra tại trạm thu phí BOT Cai Lậy chỉ là “giọt nước tràn ly”. Có tài xế đã đổi hơn 20 triệu tiền chẵn để lấy 30 kg tiền lẻ mệnh giá thấp nhằm làm khó mỗi lần qua trạm thu phí. Phản ứng có phần tiêu cực (do làm ùn ứ giao thông) của các tài xế được họ lý giải là “cực chẳng đã”, bởi họ không thể chịu đựng nổi mức phí quá cao mà chủ đầu tư đưa ra tại các trạm thu phí. Ở nhiều địa phương, việc tài xế tìm cách lách trạm thu phí để đi vào các đường làng cho thấy tâm lý phản đối các trạm thu phí BOT đã bị dồn đến cao trào.

Việc người dân tụ tập phản đối các trạm thu phí BOT bất hợp lý thời gian qua không chỉ gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông mà còn khiến cho hình ảnh chính sách kêu gọi đầu tư của Nhà nước bị ảnh hưởng đáng quan ngại. Điều đó có nguyên nhân từ việc đặt các trạm thu phí BOT bất hợp lý, chỉ nhắm tới lợi nhuận của chủ đầu tư mà phớt lờ quyền lợi của người dân, của DN giao thông.

Chính ông Nguyễn Văn Huyện- Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng thừa nhận, bất cập lớn nhất hiện nay tại các trạm thu phí BOT là mức thu phí chưa phù hợp và khoảng cách vị trí đặt một số trạm chưa hợp lý, khiến người dân và doanh nghiệp vận tải bức xúc.

Trong báo cáo kết quả giám sát về đầu tư khai thác các công trình BOT do Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố mới đây, cơ quan này cũng nhấn mạnh: Mức thu phí của các trạm BOT cũng đã được Bộ Tài chính ban hành Thông tư riêng cho từng dự án để áp dụng trên cơ sở phù hợp với khung mức phí được quy định tại Thông tư 159. Độ dao động trong khung mức phí này đối với từng loại xe là tương đối cao nên các trạm thu phí khác nhau trên cùng một tuyến quốc lộ có mức thu khác nhau.

“Mức thu phí được tính dựa trên nguyên tắc hạch toán giữa chi phí đầu tư và giá thành, tuy nhiên vẫn gây bức xúc cho người sử dụng dịch vụ do chênh lệch về mức thu phí không công bằng giữa mức phí và chất lượng dịch vụ”- báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh.

Cùng đó, việc đặt các trạm thu phí một cách vô lý cũng gây bức xúc. Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh, các trạm thu phí đặt không hợp lý, trên một trục đường mà có hàng loạt trạm thu phí, “khác gì tìm cách móc túi dân, hỏi ai có thể chịu đựng được?”.

Nhiều lái xe vẫn dùng tiền mệnh giá thấp tại Trạm thu phí Cai Lậy.

Rất cần sự minh bạch

Xây dựng cơ sở hạ tầng bằng phương thức BOT là đúng đắn, song rất cần phải có sự minh bạch, không thể để tình trạng mập mờ gây hệ lụy. “Có những tuyến đường nhà đầu tư chỉ sửa một vài hạng mục nhỏ rồi đặt biển BOT và thu phí như vậy là quá thiếu minh bạch, không khác gì móc túi dân”- nói như ông Dương Trung Quốc, ĐBQH.

Có thể thấy, không phải khi sự việc tại Trạm thu phí Cai Lậy nóng lên, người ta mới thấy những tồn tại, bất cập đằng sau các dự án BOT. Chính sự không mịnh bạch, thiếu công khai của các chủ đầu tư, và một phần lỗ hổng thiếu trách nhiệm ở các nhà quản lý mới dẫn đến thực trạng ấy.

Tại nhiều cuộc họp gần đây của Bộ GTVT về xử lý bất cập tại các dự án BOT, nhiều ý kiến của DN vận tải và các chuyên gia cho rằng, chủ đầu tư cần có trách nhiệm chủ động, kịp thời cung cấp thông tin về dự án BOT một cách minh bạch cho người dân bằng các hình thức phù hợp, tránh hình thức, đối phó, mà cần đặt mình vào vị trí của người sử dụng, để hiểu và cung cấp đúng những thông tin mà người dân quan tâm.

Nhằm minh bạch trong thu phí của các nhà đầu tư BOT, Bộ GTVT đã yêu cầu và bắt buộc các nhà đầu tư BOT triển khai lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC). Tuy nhiên, đến nay, mới hoàn thành lắp đặt 13 trạm thu phí và vận hành chạy thương mại 8 trạm.

Nguyên nhân chậm trễ ký kết và triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng được Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa nhìn nhận chính là sự e ngại về tính minh bạch trong thu phí của các nhà đầu tư BOT và nếu các nhà đầu tư còn tránh né vấn đề này thì việc triển khai sẽ tiếp tục bị chậm trễ. Giới chuyên gia kinh tế nhận định, không chỉ riêng lĩnh vực thu phí BOT mà trong tất cả mọi lĩnh vực nếu còn thiếu tính minh bạch thì sẽ còn khiến người dân mất niềm tin, không đồng thuận và hệ lụy sẽ là những phản ứng, bức xúc rất đáng tiếc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trạm thu phí BOT: Minh bạch để đồng thuận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO