Trận động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria: Phía sau thảm họa trăm năm

PHAN QUANG VŨ 10/03/2023 07:58

Tính đến ngày 20/2/2023, trận động đất mạnh 7,8 độ Richter ngày 6/2 đã cướp đi mạng sống của gần 47.000 người Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá, trận động đất kinh hoàng này là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong 100 năm qua tại châu Âu. 74 quốc gia đã gửi đội cứu hộ, cứu nạn tới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Sau hơn 2 tuần tìm kiếm trong những đống đổ nát, những hy vọng nạn nhân sống sót đã cạn kiệt.

Nhiều người dùng mạng xã hội cho rằng động vật có hành vi kỳ lạ ngay trước trận động đất 7,8 độ Richter và các dư chấn nghiêm trọng ở Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như Syria. Một số đoạn video được đưa lên Twitter và TikTok ngày 6/2 cho thấy nhiều con chim bay thất thường trên những tòa nhà phủ đầy tuyết và chó tru inh ỏi. Ngay sau đó, trận động đất kinh hoàng xảy ra

Cậu bé đọc quyển sách nhặt được từ đống đổ nát ở thành phố Jenderes (Syria). ẢNH: AFP.

Trước khi xảy ra động đất, động vật đã “biết trước”

Tờ The Washington Post cho rằng, động vật có thể phát hiện ra những trận động đất mạnh trước con người là một giả thuyết đã có ít nhất từ thời cổ đại và cũng đã có không ít nghiên cứu khoa học ủng hộ giả thuyết này. Dẫn ý kiến của các nhà khoa học, W.P cho hay, giống cách các máy địa chấn có thể thu nhận những chấn động mà cơ thể con người không thể phát hiện được, động vật được trang bị tốt hơn để cảm nhận những cơn chấn động nhỏ di chuyển vài giây trước khi những cơn sóng động đất mạnh xuất hiện.

Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), hành vi bất thường của động vật trong vài giây trước trận động đất được giải thích là do sự khác biệt giữa 2 dạng sóng địa chấn. Sóng sơ cấp (P) là sóng đầu tiên được phát ra từ một trận động đất, di chuyển với tốc độ vài km/giây từ tâm chấn. USGS cho hay động vật dễ dàng cảm nhận sóng P, được theo sau bởi sóng thứ cấp mạnh hơn (S), làm rung chuyển mặt đất theo chuyển động lăn.

"Con người không cảm nhận được sóng P, vốn truyền nhanh nhất từ nguồn động đất và đến trước sóng S lớn hơn. Nhưng nhiều loài động vật có giác quan nhạy bén hơn có thể cảm nhận được sóng P vài giây trước khi sóng S đến" - The Washington Post dẫn nghiên cứu của USGS.

Cho tới nay, những chấn động nhỏ ban đầu được phát hiện và phân tích bởi các máy địa chấn, cũng được sử dụng bởi các hệ thống cảnh báo sớm để dự báo động đất, với thời gian cảnh báo thường chưa đầy một phút. Tuy nhiên, một số loài động vật có thể cảm nhận được động đất sớm hơn và tốt hơn máy móc hiện đại.

"Chúng tôi nhận thấy rằng động vật thực sự cảm nhận được dấu hiệu báo trước của động đất và đó không phải là hoạt động địa chấn" - ông Martin Wikelski, Giám đốc Viện Hành vi động vật Max Planck (Đức), cho hay.

Trong nghiên cứu của ông Wikelski được xuất bản vào năm 2020, các nhà nghiên cứu đã gắn thẻ điện tử cho bò, chó và cừu tại một trang trại ở Ý để quan sát chuyển động của chúng trong vài tháng khi động đất được phát hiện gần đó. Họ phát hiện ra rằng những con vật này "siêu năng động" bất thường, được định nghĩa là di chuyển liên tục trong hơn 45 phút, trước khi 7 trong số 8 trận động đất lớn được phát hiện gần đó. Tuy nhiên, ông Wikelski nói rằng lý do động vật phản ứng bất thường vẫn chưa rõ ràng.

Ông Wikelsk cho biết thêm trong nghiên cứu của mình, động vật có thể đã có khả năng phát hiện trước các trận động đất cách tâm chấn lên đến 19 km.

Như vậy, con người với những thành tựu khoa học to lớn của mình thì vẫn không “nhạy cảm” bằng một số loài động vật trong việc “biết trước” động đất.

Một em bé được cứu sống khỏi tòa nhà bị sập ở Diyarbakir (Thổ Nhĩ Kỳ). Ảnh: Reuters.

Vì sao nhiều ngôi nhà sụp đổ?

Trở lại với trận động đất kinh hoàng ngày 6/2/2023 tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, theo Hãng thông tấn Anadolu Agency, đến ngày 20/2, con số hơn 47.000 người thiệt mạng vẫn chưa “khép lại”.

Điều phối viên nhân đạo của Liên hợp quốc tại Syria, ông Muhannad Hadi, cho biết số người chết ở Syria có thể sẽ tăng thêm khi các đội cứu hộ tiếp tục dọn dẹp đống đổ nát ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề. Tới ngày 18/12, nhiều đội hỗ trợ cứu nạn đã rời đi vì “hết hy vọng”. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết gần 8.000 nhân viên cứu hộ và cứu trợ từ 74 quốc gia đã đem đến cho đất nước ông niềm hy vọng.

Theo Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) Jens Stoltenberg: “Trọng tâm trong thời gian tới sẽ là tái thiết và hỗ trợ những người bị di dời”.

Sau trận động đất tang thương, người ta đặt câu hỏi: Vì sao trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hủy diệt đến thế?

Có nhiều nguyên nhân khiến trận động đất này gây thiệt hại cực lớn về người và của, bao gồm thời gian xảy ra, vị trí, đường đứt gãy tương đối yên tĩnh không có dấu hiệu báo trước và kết cấu yếu của các tòa nhà gây ra sụp đổ.

Trận động đất gây ra sự tàn phá khủng khiếp một phần vì sức mạnh của nó - đây là trận động đất mạnh nhất xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1939. Hơn nữa, trận động đất này lại xảy ra ở khu vực đông dân cư, khoảng gần 2 triệu người.

Một lý do khác là nó xảy ra lúc 4 giờ 17 phút sáng (giờ địa phương) khi nhiều người còn đang say giấc nên đã nhanh chóng bị chôn vùi khi nhà cửa sập xuống. Trong khi đó, lực lượng cứu hộ cũng gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết xấu, không thể kịp thời giải cứu các nạn nhân bị mắc kẹt.

Nhà địa chấn học Susan Hough của Cơ quan Địa chấn Mỹ (USGS) nhận định, trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria gây thiệt hại nặng nề vì vị trí và độ sâu tâm chấn. "Thế giới từng chứng kiến nhiều trận động đất mạnh hơn vậy trong 10-20 năm qua, nhưng các chấn động gần 8 độ Richter thường không xảy ra ở các vị trí đứt gãy nông" - bà Hough viết trên Twitter - "Chúng đặc biệt nguy hiểm nếu tâm chấn ở gần các khu vực tập trung đông dân cư".

Trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ từng xảy ra nhiều trận động đất rất mạnh do nằm trong ranh giới các mảng kiến tạo có khả năng sinh ra các trận động đất lớn. Cụ thể như vào năm 1999, một trận động đất đã khiến 17.000 người thiệt mạng. Vào tháng 12/1939 ở đông bắc Thổ Nhĩ Kỳ đã có trận động đất mạnh 7,8 độ richter diễn ra gần thành phố Erzincan, phá hủy 116.720 tòa nhà và khiến 32.968 người thiệt mạng.

Để đối phó với trận động đất năm 1999, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua luật vào năm 2004 yêu cầu tất cả công trình xây dựng mới phải đáp ứng các tiêu chuẩn chống động đất. Riêng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã coi điều này là ưu tiên chính trị sau khi một trận động đất khác tấn công bờ biển Aegean vào năm 2020 khiến 114 người thiệt mạng.

Đáng chú ý, theo Roger Musson - tác giả của cuốn sách "Triệu trận động đất" thì nhà cửa ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng không được xây dựng phù hợp với một khu vực dễ bị động đất lớn. Trong khi đó, Martin Mai - giáo sư địa vật lý tại Trường Đại học King Abdullah (Arab Saudi), cũng đưa ra nhận định tương tự: "Các tòa nhà ở Thổ Nhĩ Kỳ thường xây bằng gạch mà ít có cốt thép. Khung bê tông cũng thiếu tính linh hoạt và khó chống chọi với rung lắc mạnh".

Trước thảm họa ngày 6/2, bà Joanna Faure Walker - người đứng đầu Viện Giảm thiểu rủi ro và thảm họa của Trường Đại học College London (Anh) đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiểm tra xem luật pháp có được tuân thủ hay không. Bà cũng kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ xem xét "liệu có khả năng cải thiện sự an toàn của các tòa nhà cũ hơn hay không". Còn Bill McGuire - nhà nghiên cứu núi lửa tại Trường Đại học College London (Anh), nói rằng: "Khi trận động đất xảy ra, người ta nhận thấy nhiều cấu trúc đã bị suy yếu sau khi nó đã tồn tại vài chục năm".

Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ) - một trong những khu vực bị động đất phá hủy ngày 6/2/2023. Ảnh: AP.

Hơn 100 nhà thầu bị bắt

Cho tới ngày 20/2, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận hơn 12.000 tòa nhà bị sập trong trận động đất. Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ những tòa nhà “sập như giấy” là do chất lượng thi công kém và quản lý xây dựng lỏng lẻo. Người dân Thổ Nhĩ Kỳ giận dữ đặt câu hỏi tại sao nhà cửa ở một quốc gia thường xuyên chịu động đất lại có chất lượng xây dựng kém tới mức dễ dàng sập xuống sau những rung chấn đầu tiên.

Các chuyên gia cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề ra nhiều quy định về xây dựng để giảm thiểu thiệt hại do động đất, song các công ty xây dựng thường chỉ áp dụng những quy định này một cách qua loa.

Mustafa Erdik - giáo sư tại Đại học Bogazici ở Istanbul, cho biết trận động đất quá dữ dội nên thiệt hại là không tránh khỏi, song lẽ ra tình hình đã không đến mức tồi tệ như vậy. Ông Erdik cho rằng, ngay cả khi một tòa nhà bị đổ, người dân vẫn có những không gian nhất định để ẩn nấp chờ đợi đội cứu hộ. Nhưng trong trận động đất lần này, các tòa nhà đều "sập xuống như giấy".

"Các tầng trong tòa nhà sập đè lên nhau", ông Erdik nói thêm rằng điều này đồng nghĩa khả năng tìm thấy người sống dưới đống đổ nát là rất mong manh. Còn Zihni Tekin - chuyên gia tư vấn tại Đại học Kỹ thuật Istanbul, cho rằng nguyên nhân các tòa nhà đổ sập hoàn toàn trong động đất thường liên quan đến chất lượng bê tông kém, chủ yếu do bị trộn với quá nhiều cát sỏi nhưng lại ít xi măng.

Một lý do nữa là thép dùng để đúc cột trụ quá nhỏ, khiến kết cấu của tòa nhà thiếu vững chắc, ông Tekin nói thêm. Vị chuyên gia này còn cho rằng không loại trừ việc các kỹ sư xây dựng và kiến trúc sư thiếu trình độ, kém chuyên môn.

Chính quyền các địa phương trong vùng động đất cũng được cho là đã nới lỏng quy định xây dựng. Quy định xây dựng ở Thổ Nhĩ Kỳ từng dựa theo tiêu chuẩn ở California (Mỹ) và được sửa đổi thường xuyên từ khi xảy ra trận động đất năm 1999 ở tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Bản sửa đổi gần nhất là vào năm 2018.

"Trên giấy tờ, các tiêu chuẩn được đề cao, với các hợp đồng xây dựng được giao cho những công ty tư nhân thẩm tra" - kiến trúc sư Aykut Koksal ở Istanbul cho biết. Tuy nhiên, ông Koksal cho hay quá trình kiểm tra, giám sát thi công còn lỏng lẻo, khiến thợ thi công có thể không tuân thủ quy định.

Còn Giáo sư Erdik cho rằng quy trình cấp phép xây dựng ở Thổ Nhĩ Kỳ còn quan liêu, rườm rà, đến mức rất khó xác định ai là bên chịu trách nhiệm cuối cùng. Ông khuyến nghị nên áp dụng chính sách bảo hiểm với tất cả các bên tham gia vào quá trình xây dựng, để đảm bảo nhà thầu mắc sai sót phải có trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân khi sự cố xảy ra. "Thế giới đã làm như vậy và Thổ Nhĩ Kỳ cũng nên thế" - ông Erdik nói.

Sự cẩu thả của một số nhà thầu ở Thổ Nhĩ Kỳ đã thổi bùng cơn thịnh nộ, đặc biệt là khi những căn hộ cao cấp được xây dựng chưa đầy 20 năm cũng đổ sập như quân bài domino trong trận động đất ngày 6/2.

Cùng với việc tìm kiếm, cứu nạn và xử lý những đống đổ nát, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang ráo riết điều tra về tình trạng chất lượng kém của các công trình xây dựng. Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ đã thành lập hẳn một đơn vị điều tra những sai phạm dẫn đến hàng loạt thiệt hại trong động đất. Tới ngày 20/2, nhà chức trách nước này đã bắt giữ hơn 100 nhà thầu tại khắp 10 tỉnh chịu thảm họa. Những nhà thầu này bị quy trách nhiệm trong việc xây dựng một số tòa nhà mà không tuân thủ các quy tắc hiện hành về phòng chống động đất.

Việc bắt giữ hơn 100 nhà thầu là một bước tiến tới việc xác định và trừng phạt những người có thể chịu trách nhiệm một phần đối với sinh mạng đã mất của nhiều đồng bào. Người dân chỉ ra những tòa nhà sang trọng mới xây trong một thời gian ngắn nhưng đã bị đổ sập trong động đất. Họ ví bê tông ở những tòa nhà đó "như là cát" vậy.

Trong số những người bị bắt có người chịu trách nhiệm thi công một tòa nhà ở thành phố Gaziantep. Người này đã bị cáo buộc tội danh ngộ sát và vi phạm luật xây dựng công, sau khi văn phòng công tố điều tra các bằng chứng tại đống đổ nát của tòa nhà ông ta đã xây. Một nhà thầu khác bị bắt ngay khi tìm cách trốn khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Tòa nhà 12 tầng với 250 căn hộ do ông này chịu trách nhiệm xây dựng đã bị phá hủy hoàn toàn trong động đất. Ước tính hàng chục người đã thiệt mạng ở đó.

Những khu vực dễ xảy ra động đất hủy diệt

Trên thế giới, hàng năm chỉ xảy ra một vài trận động đất có độ lớn cao. Với độ lớn lên đến 7,8 độ Richter như trận động đất ngày 6/2/2023 ở Thổ Nhĩ Kỳ thì năng lượng phát sinh của nó giải phóng là rất lớn. Với nhiều dư chấn tiếp theo, nó có sức tàn phá nghiêm trọng.

Thổ Nhĩ Kỳ dễ xảy ra động đất vì nằm ở giao điểm của 3 mảng kiến tạo vỏ Trái đất: mảng Anatolia, mảng Ả Rập và châu Phi. Trong đó, mảng Ả Rập đang di chuyển về phía bắc, hướng vào châu Âu, khiến mảng Anatolia (Thổ Nhĩ Kỳ nằm trên mảng này) bị đẩy ra phía tây. Các quốc gia nằm trong vùng ranh giới các mảng kiến tạo quy mô châu lục có những đứt gãy phát sinh động đất rất mạnh.

Điều đáng nói, dù là khu vực này từng xảy ra động đất, nhưng công tác kháng chấn cho các công trình giao thông, nhà ở tại nơi xảy ra động đất thường lại không được quan tâm đúng mức. Trong khi đáng lẽ ở những khu vực này phải có các công trình nhà ở kiên cố, tính toán cho khả năng xảy ra động đất cao nhất. Khi được tính toán đến yếu tố kháng chấn cho công trình, nếu có động đất, thì cũng không thể gây sụp đổ toàn bộ công trình, nếu có thì cũng chỉ một phần.

Nhìn chung, giới địa chất học cho biết những trận động đất lớn thường xảy ra ở các khu vực ranh giới các mảng lục địa như mảng Âu - Á, mảng Ấn Độ. Khi các mảng xô húc với nhau gây ra động đất khủng khiếp. Hay ở các vành đai lửa như Nhật Bản, Philippines, Indonesia... thường xảy ra động đất mạnh. Có thể dự báo được các trận động đất lớn nhưng công nghệ hiện nay chưa cho phép dự báo được thời điểm chính xác xảy ra các trận động đất này.

Nổi lên hơn cả là khu vực Vành đai lửa Thái Bình dương (còn gọi là Vành đai địa chấn Thái Bình dương), với 71% trận động đất trên thế giới xuất hiện tại đây. Vành đai lửa Thái Bình dương là một chuỗi gồm ít nhất 450 núi lửa đang hoạt động và không hoạt động, tạo thành hình móng ngựa, dài khoảng 40.000km. Khu vực này nằm xung quanh các mảng biển Philippines, mảng Thái Bình dương, mảng Juan de Fuca và Cocos, mảng Nazca. Trong đó có thể kể đến New Zealand, Tonga, Indonesia, Philippines, Nhật Bản, Bán đảo Kamchatka, Quần đảo Aleutia, Alaska, dãy núi Cascade, California (Mỹ), Mexico, Guatemala, Colombia, Ecuador, Peru.

Tiến sĩ Frank Hoogerbeets (Hà Lan) - người từng dự báo loạt trận động đất siêu lớn xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hồi đầu tháng 2 cho rằng, xác suất về một cơn địa chấn tương tự ở khu vực Ấn Độ, Afghanistan và Pakistan là khá nhỏ, nhưng hoàn toàn có thể xảy ra.

Phỏng đoán này dựa trên việc nghiên cứu sự di chuyển của các hành tinh và ảnh hưởng của chúng. Hoogerbeets hiện đang làm việc tại Viện Khảo sát hình học hệ Mặt trời (SSGEOS), nơi theo dõi hình học không gian của các thiên thể liên quan tới hoạt động địa chấn. Những dự báo của nhà nghiên cứu này tiếp tục gây tranh cãi khi cho rằng, khu vực Nam Á gồm các nước Ấn Độ, Pakistan và Afghanistan có khả năng hứng chịu các thảm họa tương tự trong tương lai.

Ngay sau khi thông tin này được công bố, Cục Khí tượng Thủy văn Pakistan đã bác bỏ khả năng xảy ra một trận động đất lớn tại khu vực Afghanistan - Pakistan. Phản ứng trước việc này, ông Hoogerbeets cho rằng, thông tin này không hẳn là một tuyên bố. Nhóm nghiên cứu chưa bao giờ nói điều đó sẽ xảy ra, nhưng khu vực này có xác suất xảy ra động đất lớn.

Cho đến nay, các lý thuyết về động đất chưa từng được thừa nhận rộng rãi. Cơ quan Khảo sát địa chấn Mỹ khẳng định không nhà khoa học nào “từng dự báo thành công về một trận động đất lớn”. Họ chỉ cố gắng tìm ra một mô hình và sử dụng mô hình đó để dự đoán các trận động đất lớn trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trận động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria: Phía sau thảm họa trăm năm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO