Tràn lan lớp học online tự phát: 'Thầy' nào nộp thuế, 'thầy' nào lờ đi?

Minh Thư 22/10/2021 19:05

Theo một số chuyên gia giáo dục, Bộ GD&ĐT cần tăng cường quản lý những lớp học online tự phát như hiện nay, đặc biệt là sự kiểm soát và trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục địa phương trong việc phát hiện và xử lý các trường hợp sai quy định.

Cần có những quy định cụ thể đối với những lớp học online tự phát như hiện nay. Ảnh minh họa.

Lớp học online “vàng thau lẫn lộn”

Như đã đưa tin trước đó, thời điểm dịch bệnh Covid-19 còn đang phức tạp hiện nay, các lớp học trực tuyến từ phổ thông đến môn chuyên ngành đại học được quảng cáo rầm rộ trên nhiều nền tảng mạng xã hội là sự lựa chọn của nhiều phụ huynh, học sinh - sinh viên.

Tính tiện lợi cho giáo viên và học sinh, linh hoạt địa điểm dạy và học, tăng cường tương tác, tạo không gian học tập thoải mái, dễ dàng lưu giữ tài liệu học tập, đơn giản và hiệu quả trong học tập theo nhóm là những lợi ích nổi bật khi học online mùa dịch.

Công tác chiêu sinh đầu khóa cũng diễn ra rầm rộ trên mạng xã hội với những chiến dịch quảng cáo trên Google, Facebook, YouTube hay đội ngũ seeding nhằm tạo hiệu ứng, gây dựng niềm tin và lôi kéo sự quan tâm của người dùng mạng xã hội trong các hội nhóm.

Chỉ cần gõ một vài từ khóa tìm kiếm, hàng trăm nghìn kết quả trả về là các lớp học online với đa dạng sự lựa chọn về giáo viên, môn học, số lượng học viên trong một lớp,…

Tuy nhiên, chất lượng cũng như việc kiểm tra, giám sát các lớp học này lại chưa được quan tâm một cách đúng mực.

Nhiều giáo viên chạy theo lợi nhuận tổ chức những lớp tới hàng trăm học sinh khiến cho sự tương tác giữa người dạy và người học không có, làm giảm chất lượng buổi học.

Không những vậy, còn có nhiều lớp học hoàn toàn trái ngược với quảng cáo ban đầu về giáo viên, số lượng học viên, nội dung bài giảng,.. Thậm chí, nhiều “giáo viên online” còn vướng ồn ào khi có tác phong không chuẩn mực, dạy sai kiến thức, thậm chí là chưa tốt nghiệp đại học... dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc học tập của học sinh.

Chính sự thiếu quản lý của các cơ quan chức năng về giáo dục đã khiến cho những "nhà giáo online" này mọc lên như nấm".

Mặc dù câu chuyện về chất lượng của các lớp học online còn đang là vấn đề bỏ ngỏ nhưng nguồn thu từ đây lại là những con số khiến nhiều người phải ngỡ ngàng.

Lấy ví dụ: Một giáo viên dạy online trung bình có khoảng 1.000 học sinh với học phí 1 - 1,5 triệu đồng/khóa, thu nhập đã khoảng 1 - 1,5 tỷ đồng/năm. Với những thầy cô có "tên tuổi" thu hút hàng chục nghìn học sinh tham gia thì con số này còn gây bất ngờ gấp nhiều lần.

Không những vậy, ngoài các lớp học online thông thường, giáo viên còn có các khóa học khác như khóa học cấp tốc khoảng 5 triệu đồng/khóa trong 2 - 3 tháng học gần thi, khóa học cam kết (có cam kết về số điểm mà học sinh đạt được sau khi tham gia khóa học) khoảng 200 triệu đồng và khóa học 1:1 với mức phí 2 - 3 triệu đồng/buổi.

Thiếu sự quản lý của các cơ quan chức năng dễ dẫn đến việc thiếu thống kê chính xác, minh bạch nguồn thu, gây thất thoát thuế. Không những vậy, quyền lợi của người học tại những lớp học tự phát trên môi trường mạng xã hội không được đảm bảo.

Cần tăng cường quản lý, giám sát

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng nhu cầu tìm đến các lớp học online phụ đạo trong thời điểm này là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Theo GS.TS Phạm Tất Dong, việc các lớp dạy thêm online do nhà trường chủ trương là điều hoàn toàn nên làm, nhất là đối với trẻ lớp 1, lớp 2.

“Nếu giáo viên mở các lớp dạy thêm dưới sự giám sát và kiểm tra của nhà trường, tôi hoàn toàn ủng hộ việc này bởi nếu chỉ học online trên lớp như hiện nay thì chất lượng đào tạo sẽ không được cao. Trong khi việc đến trường của học sinh tại Việt Nam chưa thực sự đảm bảo, học online vẫn là giải pháp tạm thời”, GS.TS Phạm Tất Dong cho hay.

Tuy nhiên việc xuất hiện các lớp học online tràn lan khi không đặt ra những yêu cầu cụ thể đối với giáo viên hay giáo trình giảng dạy sẽ dễ gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh và phụ huynh.

Nếu là các lớp học online tự phát theo kiểu dịch vụ thì phụ huynh chính là người phải đắn đo cân nhắc trong việc lựa chọn giáo viên và lớp học cho con. Bởi người sử dụng dịch vụ ở đây là phụ huynh, việc quyết định có cho con học hay không hoàn toàn dựa vào cha mẹ. Nếu không cẩn thận, rất dễ rơi vào trường hợp “mất tiền oan”, mất tiền mà kiến thức con em mình nhận được lại chẳng được bao nhiêu.

“Mặt khác, cũng không thể phủ nhận trong mùa dịch, nhiều giáo viên giỏi cũng tổ chức các lớp học online và mang lại hiệu quả rất cao. Theo tôi, Bộ GD&ĐT cũng nên có ý kiến về việc này, các nhà trường cũng có thể chủ động xây dựng phương án học phụ đạo online thay vì để thị trường lo.

Việc dạy phụ đạo online cũng rất cần những buổi tập huấn bài bản để giáo viên có thể vận dụng tốt hơn trong mỗi tiết học. Đặc biệt là phải vận dụng những học liệu như clip, hình ảnh… để có thêm tương tác giữa giáo viên và học sinh. Đáng sợ nhất là việc đứng lớp mà không có chuyên môn nghiệp vụ”, GS.TS Phạm Tất Dong nhấn mạnh.

Nhìn nhận từ góc độ pháp luật, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng VPLS Đồng Đội, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, khi xã hội càng phát triển thì vấn đề học trực tuyến càng được đẩy mạnh, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 thì việc dạy học online đã trở thành xu hướng mới. Đã có rất nhiều lớp học online được mở ra để phục vụ nhu cầu học tập, làm việc, vừa đảm bảo sức khỏe, tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Bên cạnh những mặt tích cực mà hoạt động này mang lại cũng có nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng cơ hội này để mở tràn lan các lớp học đào tạo nhiều ngành nghề như: dạy ôn thi đại học, dạy thi chứng chỉ ngoại ngữ, dạy kinh doanh, dạy cách chăm sóc sức khỏe, dạy nấu ăn, marketing, khởi nghiệp,…

Hơn thế nữa, có nhiều giáo viên mở lớp chạy theo lợi nhuận, tổ chức lớp học với hàng trăm học sinh và số tiền học phí rất cao, gây nên nhiều băn khoăn cho mọi người về chất lượng giáo viên, chất lượng lớp học và trách nhiệm trong giám sát, quản lý những lớp học này.

Trao đổi thêm, luật sư Trần Xuân Tiền cho rằng, mỗi một ngành nghề đều có một tiêu chuẩn nhất định và được pháp luật quy định cụ thể. Do đó, để hành nghề đều phải trải qua đào tạo và được cấp bằng, chứng chỉ hoạt động đối với ngành nghề đó, chứ không phải cứ mở lớp dạy online thì được gọi là giáo viên đạt tiêu chuẩn.

Ví dụ như trình độ tiêu chuẩn của nhà giáo được quy định tại Điều 72 Luật Giáo dục 2019, theo đó phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non; có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Đối với những lớp học online có trả phí thì đây được coi là loại hình kinh doanh, do đó theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập của cá nhân có giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật là một trong các loại thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân.

Đồng thời, điểm b khoản 1 Điều 24 Luật này cũng nêu rõ, cá nhân có thu nhập chịu thuế có trách nhiệm kê khai, nộp thuế vào ngân sách nhà nước và quyết toán thuế theo quy định của pháp luật. Nếu các cá nhân làm việc tự do qua môi trường internet mà không tự giác thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thì sẽ phải tiến hành truy thu thuế theo quy định của pháp luật.

Luật sư Tiền khẳng định, nghĩa vụ nộp thuế là nghĩa vụ chung được hiến định, vì vậy, mỗi cá nhân, tổ chức cần nâng cao ý thức tự giác, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật trong việc đăng ký kinh doanh và nộp thuế. Điều này vừa đảm bảo nguồn thu nhập cho bản thân, thể hiện trách nhiệm của bản thân với đất nước và khẳng định uy tín, niềm tin cho khách hàng.

Trên thực tế, việc quản lý các loại hình kinh doanh mới như kinh doanh online còn gặp nhiều khó khăn, khó kiểm soát, nhiều đối tượng dễ dàng trốn thuế. Vì vậy, tôi cho rằng, các cơ quan thuế, chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ để rà soát những trường hợp thuộc đối tượng nộp thuế, từ đó tiếp cận, tuyên truyền, hướng dẫn giúp họ có ý thức trong việc tự nguyện thực hiện nghĩa vụ với nhà nước.

Đồng thời, cần theo dõi, kiểm tra sát sao các trường hợp trốn thuế để truy thu, xử lý thật nghiêm những đối tượng trốn thuế, chây ỳ, nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước về thuế, tạo “sân chơi” bình đẳng và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Trao đổi về việc dạy học online hiện nay, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay: “Ngay cả Quốc hội trong thời gian vừa qua cũng đã có nhiều kiến nghị về việc dạy online, nhất là cho học sinh tiểu học không phù hợp và hiệu quả. Cách tốt nhất là dạy trên truyền hình một cách liên tục và bài bản. Việc cho học sinh tiểu học học online ảnh hưởng rất nhiều đến đôi mắt bởi việc tiếp xúc thường xuyên với màn hình điện tử trong thời gian quá dài…”

Trước việc tràn lan các lớp học online tự phát, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng: ngoài việc đưa ra các quy định và hướng dẫn cụ thể về yêu cầu chất lượng giáo viên cũng như giáo trình giảng dạy thì Bộ GD&ĐT nên làm việc với các kênh truyền hình để có thể lên phương án giảng dạy bài bản chứ không phải dạy “chơi” như hiện nay.

Ngoài ra, cũng cần phải tăng cường sự quản lý của Bộ GD&ĐT, đặc biệt là sự kiểm soát và trách nhiệm của cơ qua quản lý giáo dục địa phương trong việc phát hiện và xử lý các trường hợp sai quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tràn lan lớp học online tự phát: 'Thầy' nào nộp thuế, 'thầy' nào lờ đi?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO