Trăn trở chất lượng mỹ thuật

Nguyễn Thịnh 24/07/2015 10:10

Nhiều năm qua, ảnh hưởng của kinh tế thị trường đã tác động đến đời sống và chất lượng của mỹ thuật. Nhiều nghệ sĩ của Hội Mỹ thuật TP HCM đã bày tỏ những trăn trở nhằm nâng chất lượng mỹ thuật.

Trăn trở chất lượng mỹ thuật

Nhiều họa sĩ trăn trở với việc nâng cao chất lượng cho ngành mỹ thuật.

Theo các họa sĩ, hiện trạng mỹ thuật nói chung và tại TP HCM nói riêng đang ẩn chứa nhiều điều đáng buồn. Họa sĩ Lê Xuân Chiểu cho rằng, bối cảnh khó khăn về kinh tế trong và ngoài nước kéo theo chất lượng đời sống có phần đi xuống và trầm lắng của hoạt động mỹ thuật. Các họa sĩ, điêu khắc gia chưa đầu tư nhiều vào tác phẩm, ít có khuynh hướng sáng tác mới, chưa hội nhập sâu với trào lưu hiện đại trong nước và thế giới, nên chưa có tác phẩm vượt trội.

Tác phẩm vẽ ra ít người mua, triển lãm không thu hút người xem chỉ mang tính nội bộ là chính. Các cuộc triển lãm mỹ thuật chưa có sự tuyển chọn gắt gao về chất lượng tác phẩm, các tác phẩm triển lãm chưa có tính sáng tạo cao. Thị trường tranh thoái trào, hàng loạt gallery đóng cửa vì không bán tranh được.

“Vào thập niên 90, tranh của nhiều họa sĩ Việt Nam bán khá chạy, nhiều họa sĩ đã đua nhau vẽ và bán tranh ồ ạt. Thậm chí còn bắt chước phong cách của nhau và nhại lại chính mình khiến thị trường tranh bão hòa, người mua tranh cũng giảm. Điều này còn làm mất uy tín và giảm chất lượng và giá trị tranh của Việt Nam” - họa sĩ Trần Thanh Cảnh nói.

Đề tài sáng tác cũ, sáo mòn và không bám vào đời sống địa phương hoặc các chủ đề trọng điểm mà Đảng và Nhà nước quan tâm. “Hoạt động mỹ thuật hiện nay dường như thiên về trường phái đương đại mà lạnh nhạt với trường phái hiện thực. Còn quá chú trọng hình thức thể hiện mà coi nhẹ tư tưởng” – họa sĩ Nguyễn Thanh Minh cho biết.

Nhìn chung chất lượng và hoạt động của ngành mỹ thuật đang thiếu khởi sắc. Bên cạnh đó, do trình độ và thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của đại đa số quần chúng ở ta còn chưa cao nên ảnh hưởng đến đời sống mỹ thuật và nghệ thuật không ít.

Để khắc phục hiện trạng trên, nhiều họa sĩ, điêu khắc gia cho rằng Hội Mỹ thuật TP HCM cần chấn chỉnh một số hoạt động nhằm nâng tầm chất lượng của ngành mỹ thuật lên. Họa sĩ Siu Quý cho biết: “Hội đồng Mỹ thuật của Hội Mỹ thuật cần có tiêu chí và tuyển chọn chất lượng tác phẩm khắt khe hơn nữa. Tăng cường giao lưu quốc tế, khuyến khích cái riêng, cái độc đáo; chú trọng phát hiện tài năng trẻ. Giải thưởng tập trung vào chất lượng, ít giải nhưng giá trị cao.”

Theo nhiều họa sĩ, Hội Mỹ thuật TP HCM cần mở rộng nhiều loại hình nghệ thuật mới, chấp nhận nhiều phong cách và khuynh hướng khác nhau. Mặt khác, cần kết nối với hệ thống bảo tàng, các doanh nghiệp, nhà sưu tập và giới mua bán tranh. Cần có những bài viết phân tích đánh giá phê bình thẳng thắn của giới lý luận phê bình nghệ thuật tác động định hướng cho mỹ thuật, thu hút và làm cầu nối cho công chúng. Bởi lẽ, không có sự liên kết với các nhà lý luận sẽ khó tác động thu hút tới công chúng nên khó có thị trường mỹ thuật.

“Theo tôi, Hội cần quan tâm đến các hoạt động mỹ thuật quốc tế. Mạnh dạn đầu tư vào việc giới thiệu tác phẩm đến với công chúng; đầu tư PR, liên kết với các tổ chức doanh nghiệp, các hội doanh nhân để tạo nên thói quen thưởng thức nghệ thuật, hình thành tư duy sưu tập và thương mại về tranh. Từ đó tiến tới các hoạt động chuyên nghiệp như tổ chức sàn đấu giá mỹ thuật…” - họa sĩ Thanh Cảnh nói.

Còn họa sĩ Nguyễn Xuân Đông thì đề nghị những giải pháp như: Thu hẹp số lượng tác phẩm tác giả để tăng thêm kinh phí cho tác phẩm. Nâng kinh phí nhuận bút cho tác phẩm mỹ thuật. Mỗi năm Hội nên tổ chức tọa đàm sau triển lãm với sự tham gia của các họa sĩ, điêu khắc, nhà báo, sinh viên mỹ thuật…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trăn trở chất lượng mỹ thuật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO