Trạng Lường: Trí tuệ tỏa bóng mấy trăm năm

Từ Khôi 01/06/2017 09:10

Suốt mấy trăm năm phong kiến, giới sĩ tử kế nhau chìm đắm trong từ chương cử tử, say sưa tứ thư ngũ kinh hàng chục năm trường, rồi lều chõng đi thi mong đỗ đạt, làm quan. Ít ai để ý đến những kiến thức toán học, khoa học, phục vụ cho xã hội ngày một văn minh lên. Ấy vậy mà trong rừng khoa bảng lại nổi lên một nhân vật đặc biệt. Không chỉ là một tài năng kiệt xuất về thi phú, Trạng nguyên Lương Thế Vinh còn là một tài năng toán học. Chính vì giỏi toán mà dân gian đã gọi ông với cái tên thân mật –

Trạng Lường Lương Thế Vinh. (Tranh minh họa: sưu tầm).

Thần đồng

Lương Thế Vinh tự là Cảnh Nghị, hiệu Thụy Hiên. Ông người làng Cao Hương (nay là Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh làm trên nền nhà cũ của ông. Hiện đền còn lưu giữ được một số đồ thờ tự, tế khí, ngai thờ, kiệu gỗ. Đặc biệt là tấm hình vẽ chân dung trên gỗ quý với khổ 1m x 1m vẽ ông đang ngồi trên án thư, hai chân đi giày, tay phải đặt lên đùi, tay trái mở giơ lên phía trước bụng. Khuôn mặt ông trong tranh trông béo tốt, phúc hậu. Tương truyền bức vẽ này là của một họa sỹ người Trung Hoa vẽ tặng khi ông đi sứ.

Thời niên thiếu, Lương Thế Vinh nổi tiếng thần đồng và có tài ứng biến. Giống như nhiều vùng quê khác ở đồng bằng Bắc bộ, cậu bé Lương Thế Vinh rất mê thả diều. Diều ông thả lúc nào cũng bay cao và lâu nhất trong đám bạn. Đi câu, bao giờ ông cũng câu được nhiều cá hơn… Giai thoại kể lúc nhỏ trong khi chơi đá bóng bằng quả bưởi với bạn thì quả bưởi lăn xuống hố hẹp và sâu. Lương Thế Vinh đã nghĩ ra cách đổ nước cho đầy hố để bưởi nổi lên…

Trong sách “Tam khôi bị lục” viết Vinh “không có sách gì mà ông không đọc”. Lời thơ trong “Việt sử mông học” viết: “Thiên Bản có Thế Vinh; Văn chương rất lỗi lạc; Nổi tiếng là thần đồng; Học hành càng uyên bác”.

Vinh không thích học kiểu nhồi nhét “sôi kinh nấu sử”. Tại kỳ thi Hội, Quách Đình Bảo (hơn Vinh 7 tuổi) người làng Phúc Khê bên Sơn Nam hạ đỗ đầu. Nghe tiếng, Vinh tìm đến. Đến làng, Vinh ghé một quán nước nghỉ chân, bà hàng nước nói Quách Đình Bảo đang ngày đêm dùi mài kinh sử quên ngủ, quên ăn, chắc kỳ này Bảo sẽ đầu bảng vàng. Vinh cười: “Kỳ thi đến nơi mà còn chúi đầu vào quyển sách, cố tụng niệm thêm vài chữ. Vậy cũng gọi là biết học ư?” rồi bỏ về. Biết chuyện, Bảo tìm đến làng Vinh. Đến nơi, thấy Vinh đang mải chơi diều. Bảo tặc lưỡi: “Kỳ thi sắp tới rồi mà không quan tâm chút nào về việc học, thế mới thực là một bậc kỳ tài”. Quả nhiên, khoa Quý Mùi năm Quang Thuận thứ tư, đời vua Lê Thánh Tông (1463) Vinh đỗ đầu. Sách “Nam Hải dị nhân liệt truyện” cho hay: Vua Lê Thánh Tông vui mừng lắm, vì toàn là kẻ anh tài, tuấn kiệt và hay chữ có tiếng cả, nên mới lệnh cho chế lá cờ tam khôi, thêu bốn câu thơ do ngài đề tặng:

Trạng nguyên Lương Thế Vinh
Bảng nhãn Nguyễn Đức Trinh
Thám hoa Quách Đình Bảo
Thiên hạ cộng tri danh -

(Thiên hạ đều biết tên).

Tài năng

Bài văn thi Đình “Dĩ thánh nhân kế thiên lập cực” nghĩa là: “Bậc thánh nhân (tức vua) thay trời lập ra các tiêu chuẩn trung chính” xuất sắc của Lương Thế Vinh khiến vua Lê Thánh Tông trầm trồ và chấm cao nhất trong 44 người Đình thí. Lời lẽ văn đình của Trạng Lường sâu sắc, chân thành, khuyên vua ra sức kén chọn người hiền tài, đặt quan chức để “vì dân mà làm việc”, khuyên nhà vua và triều đình phải “đồng tâm nhất thể”. Sau khi đỗ, ông làm quan trải các chức Trực học sĩ, Thi thư và Chưởng viện sự ở Viện Hàn lâm. Không chỉ dạy toán ở Tú lâm cục, Lương Thế Vinh còn giữ chức Cấp sự trung khoa công, chuyên khảo sát, thi công các công trình như cung điện, đền đài, thành quách, đường sá, đê điều…

Giỏi văn thơ, Lương Thế Vinh là Sái phu (chuyên phê bình, sửa chữa thơ) trong Tao Đàn do nhà vua làm nguyên súy. Ông am hiểu sâu sắc về âm nhạc dân tộc, nhất là chèo. Ông cùng với Đại học sĩ Thân Nhân Trung và Tao đàn Phó nguyên súy Đỗ Nhuận soạn ra hai bộ Đồng văn và Nhã nhạc dùng trong quốc lễ và triều hội. Ông nghiên cứu hàng trăm phường chèo, biên soạn cuốn “Hý phường phả lục” ghi lại các khoán ước của phường chèo, kịch bản và diễn xuất, cách đánh trống chèo, phương pháp múa và hát. Năm 1501, năm năm sau khi ông mất, bạn ông -Tiến sĩ Quách Hữu Nghiêm (em ruột Thám hoa Quách Đình Bảo) đã đề tựa và đưa in tác phẩm trên. Lịch sử Việt Nam - tập 1, xuất bản năm 1971 đã ghi nhận: “Cuốn Hý phường phả lục của Lương Thế Vinh xuất bản năm 1501 có thể coi đó là tác phẩm lý luận đầu tiên về nghệ thuật kịch hát cổ truyền. Tác giả đã tổng kết kinh nghiệm và nêu lên những nguyên tắc có tính chất lý luận về nghệ thuật biểu diễn, diễn viên, múa hát và đánh trống”.

Nghiên cứu Phật học, Trạng Lường viết cuốn “Thiền môn khoa giáo” (còn gọi là Thích điển giáo khoa), lời tựa cho sách “Nam tông tư pháp đồ” (sách về lịch sử đạo Phật Việt Nam do thiền sư Thường Chiếu viết thời Trần). Ông còn giúp vua soạn văn từ bang giao với nhà Minh…

Không chỉ vui thú thơ ca, Trạng Lường còn chú trọng giúp dân mở mang kinh tế. Ông đã dạy dân làng Hương làm nghề thuốc bắc, thuốc nam chữa bệnh cứu người, khuyến khích mở nhiều chợ búa để dân mua bán, trao đổi hàng hóa.

Lương Thế Vinh vượt trội hơn các trạng nguyên khác ở tài năng toán học. Ông là người đã nghĩ ra bàn tính gẩy ở Việt Nam. Ban đầu làm bằng đất nặn đục lỗ sau làm bằng đốt trúc, cuối cùng là những viên gỗ tròn sơn màu. Ông là tác giả của cuốn “Khải minh toán học” và đặc biệt là công trình “Đại thành toán pháp” hướng dẫn cách đo đạc, tính toán cộng trừ nhân chia, tính diện tích, tính bình phương, cách sử dụng tam giác đồng dạng để tính ra chiều rộng của dòng sông, hay cạnh của tam giác vuông qua bóng cây để tính chiều cao của cây… và đặc biệt lần đầu tiên ông lập ra bản cửu chương. Đại thể bản cửu chương của Lương Thế Vinh giản lược hơn bản cửu chương bây giờ và dễ nhớ hơn. Các số đã nhân với nhau thì không tính lại. Ví dụ: 2 nhân 3 thì đến bảng 3 nhân 2 không cần lặp lại. Do đó đến bảng thứ 9 chỉ cần một phép tính là 9 nhân 9 bằng 81. Phép tính diện tích hình thang ông viết rất dễ hiểu:

Tam giác cụt đầu
Diện tích tính là sao
Cạnh trên, cạnh dưới cộng vào
Đem nhân với nửa bề cao khắc thành

Cuốn “Đại thành toán pháp” của Lương Thế Vinh được sử dụng và đưa vào chương trình thi cử suốt 450 năm.

Tài năng toán học của lương Thế Vinh thể hiện qua giai thoại ông tiếp đón sứ giả nhà Minh là Chu Hy. Chu Hy thách ông tính được trọng lượng con voi trước sân. Ông bèn xách cân đi cân voi. Chu Hy cả cười: “Cân bé thế có đủ cho một chân voi đứng không?”. Ông cười: “Thì xẻ thịt voi ra mà cân”. Chu Hy ngừng cười ra xem ông cân voi. Trước hết, thấy ông bảo quản tượng đưa voi lên thuyền, đánh dấu mực nước thuyền chìm. Sau đó lại cho người chất đá lên, cho thuyền chìm xuống đúng mực nước đánh dấu. Cuối cùng, sai người cân từng tảng đá trên thuyền rồi cộng lại.

Chu Hy còn đố ông tính được độ dày một tờ giấy trong quyển sách đang cầm. Lúc bấy giờ đơn vị thấp nhất trong thước đo của Việt Nam mới tính đến “tấc” (tức là khoảng 4cm). Ông bèn lấy thước đo cả quyển sách, sau đó chia cho số trang… Chu Hy thán phục: “Nước Nam quả có lắm người tài!”. Đó cũng là sơ khởi của phép tính vi phân (chia nhỏ) và tích phân (gộp lại) của toán học hiện đại.

Nhắc vua, răn quan

Trực tính, nhưng ai bảo Trạng Lường không biết “nịnh”. Truyện kể một hôm ông theo hầu vua du ngoạn trên sông. Vua Lê Thánh Tông biết ông có tài bơi lội, bèn giả đò say rượu, xô ông ngã xuống nước. Ông lặn sang bờ nghỉ. Quá lâu, vua sai quân xuống mò. Đợi vua thêm hốt hoảng, ông mới lặn xuống nước, rồi ngoi lên cạnh thuyền. Ông kể: Thần xuống gặp cụ Khuất Nguyên. Cụ hỏi: Xuống làm gì?. Thần nói dối là muốn chết. Cụ mắng: “Mày là thằng điên!. Tao gặp Sở Hoài Vương và Sở Tương Vương hôn quân vô đạo, mới dám bỏ nước bỏ dân trầm mình ở sông Mịch La. Chứ mày đã gặp được bậc thánh quân minh đế, sao còn định vớ vẩn cái gì?”. Thế rồi cụ đá thần một cái, thần mới về đây!”. Lần khác, vua hớn hở nói với ông: “Trẫm có nhiều con trai, việc thiên hạ không việc gì phải lo ngại nữa!”. Ông tâu: “Lắm con trai là lắm giặc. Không lo sao được!”. Vua bực: “Sao thế?”. Ông đáp: “Ngôi báu chỉ có một. Bệ hạ có nhiều con trai càng có nhiều sự tranh giành ngôi báu. Như vậy phải lo lắm chứ!”. Quả như tiên đoán, sau thời cực thịnh của Lê Thánh Tông, chỉ 30 năm sau, nhà Lê bị Mạc Đăng Dung lấy ngôi.

Trạng Lường ghét những viên quan hống hách, hà hiếp dân. Ông răn dạy nhiều học trò đỗ đạt khoa bảng phải biết thương dân. Một lần ngồi nghỉ ở quán nước bên đường quê của học trò đỗ đạt, ông nghe dân ca thán quan huyện hay hà hiếp dân, thường bắt người qua đường phải khiêng cáng. Ông giả đò bị bắt khiêng cáng rồi tìm cách hất tung viên quan huyện xuống ruộng bùn. Trong khi quan huyện nổi cơn thịnh nộ sai quân định chạy tới đánh, thì ông vẫy tay gọi lớn người đi đường: “Nhờ các ông các bà gọi hộ anh học trò tôi là Thám hoa Văn Cát ra khiêng hầu võng quan huyện thay thầy”. Quan huyện xanh xám mặt mày, cuống quýt quỳ mọp, xin ông tha tội. Bấy giờ ông mới răn dạy…

Làm quan, rồi từ quan về trí sĩ, năm 55 tuổi thì Trạng Lường mất. Vua Lê Thánh Tông khóc thống thiết:

Chiếu thư thượng đế xuống đêm qua
Gióng khách chương đài kiếp tại nhà
Cẩm tú mấy hàng về động ngọc
Thánh hiền ba chén ướt hồn hoa
Khí thiên đã lại thu sơn nhạc
Danh lạ còn truyền để quốc gia
Khuất ngón tay than tài cái thế
Lấy ai làm Trạng nước Nam ta

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trạng Lường: Trí tuệ tỏa bóng mấy trăm năm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO