Trang mới của khám phá vũ trụ

Duy Long 01/01/2019 11:00

Trong năm qua, công nghệ vũ trụ của nhân loại đã đạt đến một cột mốc mới, khi một số cơ quan vũ trụ hàng đầu thế giới tuyên bố bắt đầu sứ mệnh săn tìm và giải mã tín hiệu từ công nghệ đỉnh cao của người ngoài hành tinh (Technosignatures). Trong khi đó, cuộc chạy đua đưa con người trở lại Mặt trăng cũng được hâm nóng bằng sự tham gia của giới doanh nghiệp tư nhân.

Trang mới của khám phá vũ trụ

NASA đa lên kế hoạch đưa con người trở lại Mặt trăng vào năm 2020. Nguồn: Getty.

Những mục tiêu đầy tham vọng

49 năm sau ngày phi hành gia Neil Armstrong đặt những bước chân đầu tiên của nhân loại lên Mặt Trăng, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) nói riêng và người Mỹ nói chung chưa từng có kế hoạch quay lại vệ tinh tự nhiên của Trái đất lần nào nữa. Tuy nhiên, đến tháng 9/2018, NASA đệ trình một kế hoạch cho Quốc hội nhằm tăng cường thực hiện các sứ mệnh thăm dò không gian của loài người, kèm theo đó là 5 mục tiêu chiến lược mới.

Những mục tiêu này đều dựa trên những tiến bộ vượt bậc gần đây trong các hoạt động công nghệ và thương mại không gian, cũng như việc phát triển thành công tàu vũ trụ Orion và tên lửa Space Launch System. Với những bước đi ban đầu đó, NASA tuyên bố sẽ sớm đưa con người trở lại Mặt Trăng sau năm 2020, cũng như đưa người lên quỹ đạo Mặt Trăng vào năm 2023.

“Không lâu nữa, sẽ có khoảnh khắc toàn thế giới được ngắm nhìn trực tiếp Mặt trăng khi phi hành gia của chúng tôi đổ bộ lên vệ tinh tự nhiên khổng lồ này, cả thế giới sẽ phải nín thở vì hồi hộp và mong chờ” - NASA tuyên bố trong một cuộc hội thảo khoa học vũ trụ tổ chức vào tháng 9/2018.

Cơ quan này cũng thiết lập những kế hoạch hoạt động trên bề mặt Mặt trăng và quỹ đạo của nó để tạo bàn đạp cho những sứ mệnh khám phá không gian tiếp theo vốn đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Do đó, không chỉ nhắm đến Mặt trăng, NASA còn cho biết sẽ tiếp cận Sao Hỏa vào những năm 2030.

Chiến dịch dày công này của NASA tuân theo Chỉ thị Chính sách Không gian-1 được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký năm 2017; và ra đời chỉ vài tuần sau khi Giám đốc NASA Jim Bridenstine thúc giục rằng: “Tôi muốn giới phi hành gia NASA đổ bộ nhiều hơn vào không gian”.

Trong một mục tiêu khác tham vọng không kém, NASA đang dốc sức cho kế hoạch thu và giải mã tín hiệu công nghệ được cho là đến từ người ngoài hành tinh xa xôi trong vũ trụ, để khẳng định rằng loài người không cô đơn trong vũ trụ. Theo Techtimes, một dự luật mới được Hạ viện Mỹ đề xuất chỉ đạo NASA tìm kiếm các dạng sống thông minh khác ngoài Trái Đất. Mặc dù vẫn chưa được Quốc hội và Thượng viện Mỹ thông qua, tuy nhiên, nếu đươc thông qua thì đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 1992 NASA nhận được tài trợ của chính phủ để tìm kiếm trí thông minh ngoài Trái Đất (còn gọi là SETI).

Jill Tarter - cựu Giám đốc Trung tâm của SETI, rất lạc quan về dự luật được đề xuất. Nếu được Quốc hội và Thượng viện đồng ý, NASA có thể nhận được khoản tiền đầu tư đến lên 10 triệu USD cho mỗi năm tài khóa 2018 và 2019 để thực hiện sứ mệnh của mình.

Giới doanh nghiệp nhập cuộc

Một trong những cuộc cách mạng trong công nghệ vũ trụ trong năm 2018 lại đến từ giới doanh nghiệp công nghệ tư nhân, chứ không phải đến từ các cơ quan Chính phủ. Đây là cột mốc đặc biệt, bởi trong suốt nhiều năm liền, việc phóng các vật thể lên không gian được xem là công việc của Chính phủ. Và chỉ có các cơ quan chính phủ mới có đủ tiền tài, công nghệ để làm điều đó, và một khi giới chính khách ra quyết định, các vật thể sẽ được phóng lên vũ trụ.

Thế nhưng trong vài năm gần đây, quan niệm cứng nhắc đó đã rục rịch thay đổi, và sự thay đổi lớn nhất xảy ra trong năm 2018, khi hàng loạt các “ông lớn” trong làng công nghệ bắt đầu nhập cuộc khám phá vũ trụ bằng chính công nghệ tên lửa của riêng họ.

Ngày nay, những con tàu con thoi không còn được sử dụng, nhưng tên lửa Falcon 9 của hãng SpaceX vẫn thực hiện một hành trình vài tuần một lần, đưa đủ loại vệ tinh lên quỹ đạo của Trái đất. Chỉ cách đây có 1 thập kỷ, ít người có thể tưởng tượng được điều này, nhưng giờ đây nó lại trở thành một điều bình thường, thậm chí diễn ra thường xuyên.

Và giờ đây, một phân đoạn của các chuyến bay không gian đã mở ra một ngành nghề mới: Kinh doanh trên Mặt trăng. Một số lượng các công ty trên thế giới giờ chuyển hướng sang các hoạt động kinh doanh trên Mặt trăng, và họ đang ra sức đưa ra các kế hoạch phóng tàu vũ trụ lên bề mặt của hành tinh này. Họ đang tất bật hoàn thiện thiết kế các con tàu vũ trụ và đảm bảo hợp đồng phóng.

Tính đến nay, chỉ có 3 quốc gia trên thế giới - Mỹ, Liên bang xô viết và Trung Quốc - từng thực hiện thành công việc hạ cánh tàu vũ trụ trên bề mặt Mặt trăng, và các sứ mệnh trên đều được thực hiện bởi các cơ quan hàng không vũ trụ quốc gia. Nhiều nước khác cũng từng thử nghiệm hạ cánh tàu trên Mặt trăng nhưng đều thất bại.

Đặc biệt, chưa từng có một công ty nào phóng tàu thành công lên bề mặt Mặt trăng, nhưng hiện tại có một số “đại gia” công nghệ được dự kiến sẽ thành công trong nhiệm vụ này trong thập kỷ tới.

Astrobotic, một công ty Mỹ, tuyên bố rằng họ sẽ phối hợp với Liên minh United Launch Rocker (ULA) để đưa một xe tự hành lên bề mặt Mặt trăng vào năm 2019, trùng lễ kỷ niệm 50 năm tàu Apollo 11 lần đầu đưa con người lên Mặt trăng. Theo đó, Astrobotic có kế hoạch đưa “gói hàng,” gồm xe tự hành nặng 35 kg lên Mặt trăng. Tuy nhiên công ty vẫn giữ lựa chọn nâng trọng lượng của gói hàng lên 265 kg. Cho tới nay, đã có các khách hàng từ 6 quốc gia ký kết 11 thỏa thuận để cùng đóng góp cho gói hàng sẽ được gửi lên Mặt trăng.

Tháng 7/2018, SpaceIL, một tổ chức của Israel, tuyên bố rằng tàu vũ trụ của họ sẽ được phóng bởi tên lửa Falcon 9 vào tháng 12 cùng năm và hạ cánh trên Mặt trăng vào tháng 2/2019. SpaceIL được thành lập vào năm 2011 bởi một nhóm kỹ sư với ngân sách khoảng 90 triệu USD và họ phải hy sinh kích thước và khả năng hoạt động của tàu không gian không người lái để có thể thực hiện hành trình chinh phục Mặt trăng hiệu quả hơn. Tàu không gian của SpaceIL được giới thiệu vào ngày 10/7, tại nhà thầu quốc phòng Israel Aerospace Industries, cao khoảng 1,5 m và nặng 585 kg. Tàu vũ trụ có bốn chân làm bằng carbon và 2/3 trọng lượng của nó là nhiên liệu.

Cũng trong tháng 7/2018, Blue Origin, một công ty của tỷ phú Mỹ Jeff Bezos, tuyên bố rằng họ sẽ hạ cánh một tàu vũ trụ trên Mặt trăng vào năm 2023. Và chỉ mới cách đây vài tuần, iSpace, một công ty Nhật Bản, cũng tuyên bố rằng họ đã ký kết một hợp đồng với SpaceX để thực hiện 2 nhiệm vụ Mặt trăng: Đầu tiên là vào năm 2020, sẽ phóng một tàu lên quỹ đạo Mặt trăng, và thứ hai là vào năm 2021 sẽ hạ cánh một tàu vũ trụ và triển khai nhiều xe tự hành trên bề mặt Mặt trăng.

Công cuộc khám phá vũ trụ chưa bao giờ trở nên sôi động như năm 2018, khi có sự nhập cuộc của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ tư nhân. Theo giới chuyên gia, sự đột phá công nghệ vũ trụ trong năm 2018 sẽ là bàn đạp để nhân loại khám phá được những “góc tối” của không gian, thậm chí là phát hiện được vật thể sống, trong thập kỷ tới đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trang mới của khám phá vũ trụ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO