Trang phục và cốt cách văn hóa

Phạm Sỹ 02/12/2022 07:34

Theo thời gian, trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số dần bị mai một. Dù nhà chức trách đã có nhiều nỗ lực để bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số song vẫn còn nhiều việc phải làm.

Trang phục lễ cưới truyền thống của đồng bào Dao (xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn). Ảnh : Huỳnh Phương.

Các dân tộc thiểu số (DTTS) với truyền thống văn hóa phong phú, đa dạng đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Trong đó trang phục là một thành tố văn hóa chứa đựng nhiều giá trị, bản sắc, là một trong những dấu hiệu quan trọng để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác.

Tuy nhiên, dưới tác động của đời sống kinh tế, xã hội nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế, sự giao thoa, du nhập văn hóa của các vùng miền, trong và ngoài nước đang có xu hướng lấn át, làm mờ nhạt văn hóa bản địa, khiến một số dân tộc không còn giữ được bản sắc văn hóa của trang phục truyền thống.

Nói về những biểu hiện của sự mai một này, ông Đặng Vũ Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc (Văn phòng Quốc hội) cho rằng, bắt nguồn từ sự phát triển nhanh của xã hội, sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc đã phần nào ảnh hưởng, làm thay đổi thói quen sử dụng trang phục truyền thống, đặc biệt là ở giới trẻ. Bên cạnh đó, nhiều người còn cảm thấy tự ti, mặc cảm, sợ bị coi là lạc hậu, nên ít khi sử dụng trang phục đặc trưng của dân tộc mình.

“Do vậy, việc giữ gìn và bảo tồn trang phục truyền thống của các dân tộc là vô cùng cần thiết. Bởi đây chính là bản sắc dân tộc, là linh hồn, cốt cách của các dân tộc. Trang phục dân tộc đồng hành với con người lâu dài và trở thành một tổng thể không thể thiếu được trong đời sống xã hội. Nếu trang phục truyền thống bị mai một sẽ làm mất đi giá trị văn hóa và bản sắc của các dân tộc” - ông Hải nói.

Còn theo Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Ủy ban Dân tộc Đinh Xuân Thắng, nhiều nơi, đồng bào dân tộc chỉ mặc trang phục truyền thống trong các ngày lễ, hội, ngày Tết, khiến trang phục truyền thống gần như trở thành một thứ lễ phục, không còn thân thuộc với đời sống sinh hoạt của người dân. Nhiều thanh niên dân tộc thiểu số còn ngại, thiếu tự tin khi mặc trang phục của dân tộc mình trước đám đông. Nhiều bạn trẻ, kể cả trong các lễ hội của dân tộc mình cũng không sử dụng trang phục truyền thống. Bởi vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống DTTS là vô cùng quan trọng và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Phụ nữ Pà Thẻn bên khung cửi. Ảnh: Trần Thanh Giang.

PGS.TS Lê Ngọc Thắng cho rằng, để bảo tồn và phát huy giá trị trang phục các DTTS hiện nay cần quan tâm đến vấn đề nhận thức. Ông Thắng cũng đưa ra các đề xuất, cần chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong bảo tồn các giá trị văn hóa các dân tộc, trong đó có trang phục. Tăng cường đầu tư, cụ thể hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa nói chung trang phục truyền thống các DTTS nói riêng trong các văn bản chỉ đạo, điều hành, trong kế hoạch hoạt động của địa phương. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, giáo dục nâng cao sự hiểu biết của các đối tượng xã hội, đồng bào DTTS về trang phục truyền thống trong đời sống văn hóa và phát triển du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Biến tấu từ trang phục truyền thống trong cuộc sống đương đại. Ảnh: Thiện Huỳnh.

Còn theo TS Trần Hữu Sơn - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, trước làn sóng của toàn cầu hóa, trước sự tác động của truyền thông thì vấn đề bảo tồn trang phục truyền thống cần có những mục tiêu cụ thể, có tính khả thi.

“Mỗi một người dân cần lưu giữ một bộ trang phục truyền thống sử dụng trong các ngày lễ trọng... Khuyến khích vùng đồng bào DTTS phát triển du lịch chú trọng sử dụng trang phục dân tộc, vừa bảo tồn được di sản và quan trọng hơn là tạo ra vẻ đẹp mang sắc thái riêng về điểm đến du lịch. Từ đó nghiên cứu xây dựng các sản phẩm đặc thù. Mặt khác, cần đưa nội dung bảo tồn trang phục lồng ghép với các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia mà ngành Văn hóa đang thực hiện”- ông Sơn đề xuất.

Thực tế cho thấy, trang phục DTTS đang có sự biến đổi một cách nhanh chóng. Mức độ sử dụng trang phục truyền thống, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày càng ít. Chính vì thế việc bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống các DTTS phải được xem là cấp bách. Sự phát triển nhanh của xã hội, sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc đã phần nào ảnh hưởng đến nhận thức cũng như thị hiếu thẩm mỹ của đồng bào các DTTS, làm thay đổi thói quen sử dụng trang phục truyền thống bằng trang phục phổ thông, đặc biệt là ở giới trẻ. Bên cạnh đó, nhiều người còn tự ti, mặc cảm, sợ bị coi là lạc hậu, không hiện đại, nên ít khi sử dụng trang phục đặc trưng của dân tộc mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trang phục và cốt cách văn hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO