Tranh chấp thương mại thế giới giảm nhiệt

Khánh Duy 18/10/2018 09:30

Tranh chấp thương mại có thể giảm nhiệt  sau khi giới chức Mỹ hôm 17/10 tuyên bố rằng họ sẽ tham gia nhiều vòng đàm phán riêng rẽ về thương mại với Anh, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản, trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm tái cân bằng lại hoạt động thương mại toàn cầu.

Tranh chấp thương mại thế giới giảm nhiệt

Mỹ đang áp dụng chính sách thương mại cứng rắn với nhiều quốc gia. Nguồn: Reuters.

3 vòng đàm phán riêng rẽ

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho hay chính quyền Washington đã thông báo về kế hoạch đàm phán riêng rẽ với 3 quốc gia trên cho Quốc hội. “Chúng tôi cam kết sẽ hoàn tất các vòng đàm phán này một cách đúng thời điểm, mang lại kết quả hữu ích cho người lao động, nông dân và doanh nghiệp Mỹ”- ông Lighthizer nói.

Động thái trên được đưa ra sau khi chính quyền Tổng thống Trump hoàn thành việc tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada và Mexico. Chính quyền Washington hiện vẫn đang ra sức thúc đẩy cái mà họ gọi là kế hoạch hành động nhằm xóa bỏ các hoạt động thương mại không công bằng giữa Mỹ và các đối tác trên thế giới.

Liên quan tới việc thông báo kế hoạch đàm phán thương mại với Nhật Bản và EU, ông Lighthizer đã chỉ ra “những bất cân bằng mãn tính trong thương mại của Mỹ” và nói rằng các nhà xuất khẩu Mỹ bấy lâu nay đã bị “thách thức” bởi các hàng rào thuế quan và phi thuế quan mà Nhật Bản và châu Âu áp đặt.

Vị quan chức này nhấn mạnh rằng, mục tiêu của các vòng đàm phán tới đây là đạt được quan hệ thương mại “công bằng và cân bằng hơn” giữa Mỹ và các đối tác thương mại. Ông Lighthizer thêm rằng Mỹ sẽ tìm kiếm một thỏa thuận thương mại với Anh ngay khi nước này chính thức rời khỏi EU trong năm 2019. Bức thư thông báo gửi lên Quốc hội còn nói rằng Wahsington sẽ tìm cách xóa bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, đạt được “quan hệ thương mại công bằng, tự do và hai bên cùng có lợi” với Anh.

Thời gian qua, chính quyền Tổng thống Trump đã áp dụng quan điểm cực kỳ cứng rắn đối với các đối tác thương mại của nước Mỹ, liên tục sử dụng hàng rào thuế và đe dọa thương mại nhằm thúc đẩy lượng hàng xuất khẩu của Mỹ và giảm lượng thâm hụt thương mại khổng lồ; bất chấp những lời cảnh báo từ giới lập pháp Mỹ và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

“Thương mại cứng rắn”

Hồi tháng 5 vừa qua, Tổng thống Trump đã chỉ thị cho Bộ Thương mại nghiên cứu kỹ lưỡng về kế hoạch áp mức thuế lên tới 25% đối với xe ô tô và linh kiện ô tô nhập khẩu vào Mỹ. Hành động này lập tức làm dấy lên hồi chuông báo động trong ngành công nghiệp chế tạo ô tô và dự báo sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trong tới Nhật Bản và châu Âu.

“Chúng ta cần phải phối hợp làm việc để giảm thang căng thẳng và giải quyết các tranh chấp thương mại hiện tại”- Giám đốc IMF Christine Lagarde nói trong bài phát biểu tại sự kiện mà IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức tại Bali hồi tuần trước.

Tính đến thời điểm này, chính quyền Trump đã áp đặt hoặc đe dọa áp đặt thuế không chỉ đối với hàng hóa đến từ nhiều nền kinh tế khác nhau trên thế giới, đáng chú ý nhất là Trung Quốc, mà còn với cả các đồng minh truyền thống của họ như EU.

“Áp thêm thuế và rồi gặp phải các biện pháp đáp trả” có thể dẫn tới việc thắt chặt hơn các điều kiện tài chính trên khắp thế giới, điều này làm ảnh hưởng tới nền kinh tế, sự ổn định tài chính toàn cầu - IMF cảnh báo.

Các vòng đàm phán mới, nếu thành công, sẽ giúp giải quyết các tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản, châu Âu; tuy nhiên lại để lại một mối tranh chấp chưa được giải quyết với Trung Quốc - đất nước chiếm tới một nửa lượng thâm hụt thương mại khổng lồ của nước Mỹ.

Thâm hụt thương mại của Mỹ đã bất ngờ tăng cao trong tháng 8 vừa qua, đạt mức cao nhất trong vòng 6 tháng - theo các con số thống kê của Chính phủ nước này. Báo cáo trên còn chỉ ra nguyên nhân rằng người tiêu dùng Mỹ ngày càng có xu hướng mua xe ô tô và điện thoại di động nhập khẩu nhiều hơn.

Tổng lượng thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng 6,4% trong tháng 7 vừa qua, lên 53,2 tỷ USD, vượt mức dự báo của giới phân tích. Bất chấp các nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm giảm thâm hụt thương mại, tính đến thời điểm này, con số đã thâm hụt tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2017. Thâm hụt trong thương mại hàng hóa với Trung Quốc đã tăng lên 38,6 tỷ USD trong tháng 8, và với Mexico là 8,7 tỷ USD.

Các con số thống kê này cho thấy các đòn áp thuế đáp trả mà Trung Quốc đưa ra với Mỹ đang tiếp tục gây ảnh hưởng tới nông dân Mỹ - bộ phận đóng góp lá phiếu quan trọng đối với đảng Cộng hòa của ông Trump.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tranh chấp thương mại thế giới giảm nhiệt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO