Tránh hậu Covid-19 cho trẻ bằng cách tiêm vaccine phòng bệnh

Đức Trân 29/06/2022 13:13

Mặc dù công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em vẫn đang được đẩy mạnh nhưng theo nhận định của đại diện Chương trình tiêm chủng Quốc gia, tỷ lệ này còn rất thấp.

Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em.

Thông tin tại cuộc họp báo mới đây do Bộ Y tế tổ chức, PGS. TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, tính đến ngày 26/6, cả nước có hơn 5,6 triệu trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi (49,1%) được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng Covid-19 và hơn 1,7 triệu trẻ đã hoàn thành 2 mũi tiêm vaccine đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Thế nhưng, bà Hồng nhận định, mặc dù chúng ta đang hết sức nỗ lực đẩy mạnh tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn rất thấp. Nguyên nhân một phần do các cháu đã mắc Covid-19 và theo hướng dẫn phải có đủ thời gian mới được tiêm mũi vaccine phòng Covid-19. Đồng thời, ngay cả những trẻ đủ điều kiện tiêm chủng - những trẻ không mắc Covid-19 thì các bậc cha mẹ vẫn còn quan ngại nhất định về các phản ứng sau tiêm chủng và lo lắng ảnh hưởng sau này dẫn tới việc không đưa trẻ đi tiêm.

“Thực tế một số địa phương, tỷ lệ tiêm chủng cho những trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng đạt dưới 50%. Đây là vấn đề khiến chúng tôi lo lắng để làm sao sớm đạt được độ bao phủ tiêm chủng vaccine cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chúng tôi mong muốn sẽ sớm tiêm chủng cho các cháu đạt độ bao phủ trên 90% ngay trong tháng 8/2022”- bà Hồng cho biết đồng thời lý giải, phụ huynh lo lắng về phản ứng sau tiêm của trẻ cũng là điều dễ hiểu, thế nhưng, theo thống kê từ thực tế công tác tiêm chủng trong suốt thời gian qua thì phản ứng thông thường sau tiêm vaccine phòng Covid-19 ở trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi được ghi nhận với tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng 0,4% với các triệu chứng như: Sưng đau tại chỗ tiêm, sốt, ớn lạnh, đau đầu, mệt mỏi... và thường tự hết sau vài ngày.

“Công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng, trước tiên để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em trước bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan. Tiêm vaccine phòng Covid-19 giúp trẻ tránh mắc bệnh, tránh các hậu quả lâu dài của bệnh, giúp trẻ đến trường an toàn, tham gia các hoạt động xã hội và phát triển khỏe mạnh. Đồng thời, tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em trong lứa tuổi này nhằm tăng độ bao phủ vaccine phòng Covid-19 trong cộng đồng, giảm lây lan cho những người xung quanh, góp phần tích cực để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” - bà Hồng nhấn mạnh.

Thực tế, thời gian qua nước ta đã ghi nhận hàng trăm trường hợp trẻ em mắc hội chứng MIS-C với các biểu hiện viêm đa hệ thống đồng thời ở nhiều cơ quan như tim, phổi, thận, hệ tiêu hóa, não, da, mắt… sau khi mắc Covid-19, có thể tiến triển nặng, thậm chí có trường hợp tử vong. Ngoài ra, trẻ cũng có thể gặp phải hội chứng hậu Covid-19 với các dấu hiệu bất thường kéo dài về sức khỏe như mệt mỏi, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, mất tập trung, đau cơ… ảnh hưởng lớn đến khả năng học tập và vui chơi của trẻ, và có thể có những hậu quả lâu dài đối với quá trình phát triển của trẻ, cần tiếp tục theo dõi, điều trị. Đặc biệt, trẻ mắc Covid-19 mức độ nhẹ trước đó có thể vẫn mắc hậu Covid-19 và hội chứng MIS-C mức độ nặng.

Từ thực tế điều trị, PGS. TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, thời gian qua khi dịch Covid-19 giảm xuống thì tỷ lệ trẻ bị hậu Covid-19 tăng lên, trong đó đặc biệt là nhóm bệnh nhân mắc hội chứng MIS-C.

Vẫn theo ông Điển, tại Bệnh viện Nhi trung ương, tính từ đầu năm 2022, đã ghi nhận 9.870 bệnh nhân mắc Covid-19 tới khám bệnh và 1.028 ca bệnh điều trị nội trú tại Trung tâm Hồi sức Covid-19 - đây đều là những bệnh nhân nặng, nguy kịch và 30 bệnh nhân tử vong.

Tổng số bệnh nhi điều trị hậu Covid-19 trong thời gian qua là 756 lượt bệnh nhân. Trong đó có 283 bệnh nhân mắc MIS-C, chủ yếu là nhóm trẻ từ 5-12 tuổi (63,3%) và 62,4% trẻ cần điều trị hồi sức.

TS Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: “Đa phần các bậc phụ huynh mang tâm lý khá chủ quan trước việc trẻ em mắc Covid-19, một phần do tỷ lệ mắc Covid-19 ở trẻ thấp hơn so với người lớn và một phần cho rằng trẻ em có triệu chứng nhẹ hơn người lớn khi mắc Covid-19 nên nguy cơ tử vong giảm hơn so với người lớn. Tuy nhiên, số liệu theo dõi tử vong do Covid-19 ở trẻ từ 0 đến dưới 18 tuổi của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho thấy, số tử vong ở độ tuổi này cũng chiếm tới 0,59% trên tổng số tử vong chung của cả nước. Bên cạnh đó, điều đáng lo ngại là nguy cơ trẻ mắc hội chứng MIS-C sau Covid-19 từ 4-6 tuần”.

“Bên cạnh nhiều nghiên cứu trên y văn thế giới thì gần đây, Hiệp hội Y khoa Hoa kỳ đã ghi nhận bằng chứng khoa học từ nghiên cứu của Đan Mạch với gần 600 nghìn trẻ em và thanh thiếu niên mắc Covid-19. Kết quả nghiên cứu cho thấy vaccine phòng Covid-19 có hiệu quả làm giảm nguy cơ mắc MIS-C ở nhóm đã tiêm vaccine, với tỷ lệ cứ 1 triệu trẻ mắc Covid-19 chỉ có 3 trẻ mắc MIS-C - thấp hơn 15 lần so với nhóm chưa tiêm vaccine phòng Covid-19 với tỷ lệ 1 triệu trẻ mắc Covid-19 có tới 45 trẻ mắc MIS-C. Hiệu quả bảo vệ của vaccine để ngăn ngừa hội chứng MIS-C ở trẻ em mắc Covid-19 lên tới trên 90%” - ông Dương nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tránh hậu Covid-19 cho trẻ bằng cách tiêm vaccine phòng bệnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO