Tranh làng Sình

Thy Vân 20/10/2016 20:32

Bên cạnh tranh gương (tranh kính) được treo ở nhiều lăng tẩm, cung điện thì xứ Huế còn có một dòng tranh dân gian độc đáo: tranh làng Sình. Đây là dòng tranh mộc bản được sử dụng phổ biến ở cố đô Huế. Đến nay, dù đã qua thời hưng thịnh, nhưng làng Sình vẫn còn nhiều gia đình làm tranh, trở thành điểm đến của nhiều du khách...

1. Làng Sình có tên chữ là Lại Ân, thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang. Từ trung tâm TP Huế, xuôi theo dòng sông Hương đến làng Sình khoảng 9 km. Tại hội thảo về tranh dân gian Việt Nam mới đây, PGS.TS Phan Thanh Bình (ĐH Nghệ thuật Huế) cho biết, tranh dân gian làng Sình đã trải qua hơn 400 năm tồn tại.

Ngày xưa, nghề làm tranh đã nuôi sống nhiều gia đình, vì thế, ai nấy đều yêu nghề. Họ tự làm tất cả các nguyên vật liệu, làm giấy, pha chế màu... Vì làm thủ công, nên mỗi gia đình lại có những cách thức khác nhau, theo kiểu “kỹ thuật gia truyền”. Các cụ cao niên ở làng kể, để có giấy làm tranh, người dân làng Sình xuôi thuyền dọc phá Tam Giang về vùng cầu Hai - Láng Cô để cào điệp.

Đây là loại sò có vỏ mỏng nhiều màu sắc. Cào về giã thành bột, rồi trộn với hồ. Sau đó phết hỗn hợp này 2 lần lên giấy dó. Khi phơi khô, hỗn hợp sẽ tạo nên màu trắng thuần khiết của loại giấy làm tranh làng Sình. Khi đó, khắp làng đâu cũng nghe tiếng hò, tiếng chày giã điệp. Chính vì vậy, nghề làm tranh dân gian làng Sình còn được gọi là nghề “Hồ điệp”.

Còn màu sắc tươi tắn của tranh dân gian làng Sình trước đây được nhân dân chiết tạo từ màu thực vật. Bà con thường khai thác một số cây trong vùng để làm màu, trong đó có 2 loại cây đòi hỏi phải dùng nhiều công phu thu hái, nhọc nhằn chế biến công phu mới chiết được màu là cây trâm và cây đung.

Khi tìm được cây trâm thì họ chặt thành từng đoạn nhỏ mang về, sau đó chẻ ra thật nhỏ để pha chế, gạn lọc, chiết xuất ra màu. Còn với cây đung thì chỉ khai thác lá vì lá có diệp tố màu rất đậm và cường độ màu khá cao.

Cũng như những dòng tranh dân gian nổi tiếng của Việt Nam, tranh làng Sình từng có thời hoàng kim. Lúc hưng thịnh, dòng tranh này có hàng trăm bản khắc, mỗi bản có ý nghĩa khác nhau. “Tranh làng Sình rất chú trọng về đường nét, nét không chỉ biểu hiện hình tượng, làm rõ ý niệm về thần linh, đồ vật mà nét còn tạo nên sự hài hòa bố cục và làm cho các màu điểm xuyết có ý nghĩa”- PGS Phan Thanh Bình nhận xét.

Theo ông, tranh làng Sình phần cơ bản là in nét đen trên giấy mộc, nét thưa, dày khác nhau là phụ thuộc vào đối tượng mô tả. Có những tranh nét thoáng, giản dị như tranh “Con ảnh”, “Con tra điệu”, “Khí dụng”... Có những tranh nét dàn trải, phức hợp như tranh “Bát âm”. Có tranh heo, trâu, bò in mảng với vài nét phối hợp như tranh Kim Hoàng. Chính kiểu in mảng này đã tạo cho tranh làng Sình một chất biểu cảm mới, bình dị và chân thật, đậm đà bản sắc dân tộc, gần gũi…

Một điểm riêng khác, bố cục tranh làng Sình mang nhiều yếu tố bản địa, đa số chỉ có nhân vật đơn, lác đác mới có tranh 2-3 nhân vật, bố cục không chặt, khoảng trống hầu như không có chữ điền vào. Trong khi ấy, tính về mặt cấu trúc thì tranh làng Sình thường không đóng viền khung và tạo không gian ước lệ, chỉ có nhân vật hiện diện trên nền giấy mà thôi…

Song, trước sự thay đổi của cuộc sống, cũng như tranh Hàng Trống (Hà Nội), tranh dân gian làng Sình đang dần bị phôi pha, biến dạng, nhiều tranh và bản khắc độc đáo đã không còn nguyên bản. Một số bản khắc đã lưu lạc, thất tán trong dân gian.

2 bức tranh “Thu hoạch” và “Thế vật ngội”.

2. Ngày nay, về làng Sình, bà con và du khách vẫn gặp được những người miệt mài gò lưng làm tranh. Trong khi nhiều dòng tranh dân gian đã thất truyền, hoặc chỉ còn một nghệ nhân như tranh Hàng Trống (Hà Nội), thì đó là điều may mắn của dòng tranh dân gian nổi tiếng của xứ Huế.

Theo tìm hiểu, hiện có khoảng 30 hộ gia đình ở làng Sình còn làm nghề vẽ tranh kiếm sống. Nhưng vì thu nhập thấp quá nên đa số những người làm tranh là người già và phụ nữ. Còn đàn ông và những người trẻ khỏe dù yêu quý nghề tranh cũng không dám theo đuổi, mà chọn công việc khác để mưu sinh.

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước hướng dẫn du khách cách in mộc bản.

PGS Phan Thanh Bình cho biết, hiện ở làng Sình chỉ còn nghệ nhân Kỳ Hữu Phước là người cuối cùng biết chế tác và khắc nét tranh đúng với bản sắc tranh dân gian làng Sình cổ. “Công đoạn này đòi hỏi nhiều kỹ thuật phức tạp, lao động khá vất vả, kỹ xảo kỹ thuật cao và hiếu biết tường tận về nội dung dòng tranh này mới có thể khắc thành công được”, ông Bình nói.

Cũng theo PGS Phan Thanh Bình, cho đến nay, tranh dân gian làng Sình đã có những biến đổi về màu, tranh không còn tuân thủ chặt chẽ quy phép triết lý phương Đông về tổ hợp màu âm dương - ngũ hành đã rất chỉn chu và thành công trong tranh dân gian thờ cúng của tranh Hàng Trống, tranh thờ miền núi ở phía Bắc.

Tô màu cho tranh.

Người vẽ tranh ở làng Sình chú ý trước hết là hình, tự thân hình cũng đã đủ phản ánh đặc tính, nội dung, yếu tố tâm linh của loại tranh thờ cụ thể, vì vậy màu chủ yếu là tô khi đã có bản in nét, các mảng màu hầu hết đều tô vẽ bằng tay một cách bình dị và hồn nhiên, ngay cả trẻ em khi rảnh rỗi cũng có thể tham gia tô màu.

Nhưng cũng đang thấy những tín hiệu tích cực khi gần đây, dòng tranh làng Sình có bước phục hồi khi bắt đầu ra đời một số tranh treo chơi, tiêu biểu là bộ “8 cô tố nữ” với các đường nét uyển chuyển, bay bướm hơn, phối màu cũng điệu đà hơn. Ngoài ra, người làng Sình còn làm lịch tranh để bán vào dịp đón năm mới được nhiều du khách yêu thích.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tranh làng Sình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO